Đối thoại về thuế, hải quan, doanh nghiệp tới chật kín hội trường

Ngày 15-12, tại TPHCM, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023. Khoảng 700 doanh nghiệp phía Nam đã đến dự, ngồi chật kín các lối đi và cửa ra vào hội trường.

 Lãnh đạo Bộ Tài chính, VCCI, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: MAI HOA

Lãnh đạo Bộ Tài chính, VCCI, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: MAI HOA

Buổi đối thoại kéo dài tới quá trưa với nhiều ý kiến liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hoàn thuế giá trị gia tăng, ưu đãi thuế, cách tính thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp…

Sự việc chưa rõ đã bị “bêu tên” nợ thuế

Tại buổi đối thoại, đại diện Công ty cổ phần in tổng hợp Cần Thơ bức xúc vì quyết định truy thu thuế của Cục Thuế TP Cần Thơ, trong khi công ty cho rằng mình không liên quan đến khoản tiền này. Cục Thuế Cần Thơ ra quyết định hủy bỏ chính sách miễn thuế trước đây, đưa Công ty này vào danh sách doanh nghiệp nợ thuế, đăng công khai trên website.

“Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Việc đưa tên chúng tôi vào danh sách nợ thuế, gây rất nhiều khó khăn, công ty cũng không thể tham gia đấu thầu được. Như vậy là quá đáng, áp đặt, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Năm qua chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, lại gặp thêm chuyện này nữa”, đại diện công ty nói.

Trả lời doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn “chia sẻ với bức xúc của công ty” và cho biết Cục Thuế Cần Thơ thực hiện theo Kết luận của Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5. Cục Thuế Cần Thơ đã chuyển kiến nghị của Công ty về việc công ty đã nộp cổ tức giai đoạn 2011-2014 và đề nghị UBND TP Cần Thơ có ý kiến chỉ đạo.

UBND TP Cần Thơ cũng đã gửi công văn cho Kiểm toán Nhà nước khu vực 5, đề nghị không truy thu tiền sử dụng đất năm 2011-2014. Trả lời lại, Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5 cho rằng việc này là do cơ quan có thẩm quyền của TP Cần Thơ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật... “Hiện nay, các cơ quan địa phương đang rà soát để thực hiện chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết.

Vì sao người bán vi phạm nhưng người mua phải chịu?

Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi có ý kiến về việc thời gian qua công ty nhận được rất nhiều thông báo từ cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn từ các doanh nghiệp ngừng kinh doanh, bỏ trốn. Thực tế, khi doanh nghiệp mua hàng, nhận được hóa đơn có tiến hành tra cứu thông tin các doanh nghiệp này trên web của Tổng cục Thuế cũng như Bộ KH-ĐT thì tại thời điểm đó, hóa đơn của họ vẫn hợp lệ. Nhưng sau đó các doanh nghiệp bỏ trốn, dẫn đến cơ quan thuế thông báo doanh nghiệp giải trình, điều chỉnh giảm khấu trừ từ các hóa đơn này.

Công ty đề nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có cơ chế quản lý hiệu quả hơn, tránh việc người bán vi phạm mà người mua phải chịu.

Ông Mai Sơn giải thích về việc sử dụng hóa đơn, cơ quan thuế đang tiếp tục đẩy mạnh hóa đơn điện tử. Lãnh đạo Tổng cục Thuế đang rà soát sửa đổi Nghị định 123 về hóa đơn, chứng từ. Đồng thời việc thực hiện Đề án 06 về định danh công dân cũng giúp ích cho công tác quản lý về hóa đơn. Ông cũng chia sẻ thêm, hiện nay cơ quan thuế không có chức năng điều tra. Do vậy với các trường hợp doanh nghiệp khẳng định thực hiện đúng, ngành thuế phải phối hợp công an xác minh giao dịch cụ thể là có thật hay không.

 Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: MAI HOA

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: MAI HOA

3 năm chưa xây dựng xong Nghị định về kiểm tra chuyên ngành

Một số công ty đặt vấn đề về kiểm tra chuyên ngành. Công ty Cổ phần Công nghiệp chính xác Việt Nam (trụ sở tại tỉnh Đồng Nai) kiến nghị ngành hải quan thời gian tới tiếp tục cải thiện, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành. Bởi năm qua tình hình khó khăn, có thời điểm doanh nghiệp giảm đơn hàng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng hoãn, hủy đơn hàng khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn.

Đại diện Công ty AK VINA Đồng Nai cũng đặt câu hỏi về tỷ lệ hàng hóa kiểm tra hải quan: “Chẳng hạn công ty có lô hàng 10 container, nếu soi chiếu toàn bộ thì chi phí rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi năm qua tình hình kinh tế không được tốt. Hiện nay công ty mỗi tháng phải soi chiếu hàng 2-3 lần, mỗi lần nhiều container, làm tăng chi phí rất lớn doanh nghiệp".

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, đây là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp. Ngay từ năm 2019-2020, Thủ tướng có giao cho VCCI cùng Tổng cục hải quan tiến hành đo sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có kiểm tra chuyên ngành. Khi đó ngành đã nhìn nhận thấy 7 vấn đề trong kiểm tra chuyên ngành.

Đó là, số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhiều. Thậm chí 1 mặt hàng phải chịu kiểm tra chuyên ngành nhiều nội dung khác nhau. Chưa có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành mà được cụ thể hóa, có mã số cụ thể. Kiểm tra chuyên ngành mà chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, từ đó, gây vướng mắc cho cơ quan thực hiện. Nhiều văn bản chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành. Trình tự thủ tục rất phức tạp, gây thêm chi phí cho doanh nghiệp…

“Chúng tôi đã làm việc với các bộ, ngành về các vướng mắc rất cụ thể. Tới đây sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề gồm Tổng cục Hải quan, VCCI và các hiệp hội chuyên ngành, đi sâu vào từng bộ ngành để kiến nghị đề xuất với Chính phủ”, ông Hoàng Việt Cường nói và cho biết, ngành hải quan được giao xây dựng Nghị định về kiểm tra chuyên ngành, nhưng gần 3 năm rồi chưa ra được nghị định, chỉ vì ý kiến của Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan với các bộ ngành hiện chưa nhất quán nên chưa ban hành được.

Nói về việc soi chiếu hải quan, ông Hoàng Việt Cường cho hay, cơ quan hải quan dựa vào hệ thống đánh giá rủi ro trong tuân thủ pháp luật. 211.000 doanh nghiệp được hệ thống này phân chia ra 5 mức (doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tuân thủ cao, trung bình, thấp, không tuân thủ) và 9 hạng khác nhau. Từ đó phân luồng hàng hóa thành xanh, vàng và đỏ.

Trong năm 2023, ngành hải quan đã phấn đấu đạt chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hải quan, giảm mức độ kiểm tra. Theo đó, tỷ lệ luồng đỏ hiện chỉ 3,84% thay vì 4,2% như những năm trước. Luồng vàng 29,82% trong khi trước đây là 30-33%. Luồng xanh trước đây là chừng 60%, nay là 66,3%.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, tới đây sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ luồng vàng, luồng đỏ và tăng luồng xanh. Ngành hải quan vừa có thí điểm chương trình khuyến khích tuân thủ pháp luật tự nguyện cho 127 doanh nghiệp, giúp luồng xanh tăng lên, giảm 4% luồng vàng, sắp tới sẽ mở rộng việc thí điểm này. Ông đề nghị Công ty AK VINA đăng ký tham gia chương trình để được tạo điều kiện tối đa trong thông quan hàng hóa.

Đảm bảo công bằng, minh bạch về thuế

· Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Những câu chưa trả lời sẽ đăng trên web để tham khảo. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh CCHC theo hướng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch bình đẳng cho doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

· Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Vấn đề quản lý thuế hướng tới minh bạch, nhưng hiện nay một số hộ cá nhân kinh doanh, cửa hàng hiện nay không kê khai thuế, trốn thuế. Họ sử dụng hóa đơn không minh bạch, sử dụng hóa đơn của đơn vị bỏ trốn xuất sai, dẫn đến việc cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp chấp hành nghiêm. Chúng ta có phần mềm rất hay về các hộ kinh doanh, làm sao tăng cường thu thuế các hộ này, đảm bảo bình đẳng về chính sách thuế, xử nghiêm các sai phạm.

MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doi-thoai-ve-thue-hai-quan-doanh-nghiep-toi-chat-kin-hoi-truong-post718551.html