Đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Chiều nay 6/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Bến chủ trì điều hành hội nghị đối thoại với nông dân tỉnh theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 10 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố. Tham dự hội nghị đối thoại có 200 đại biểu là đại diện cho nông dân các địa phương trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - Ảnh: T.T

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - Ảnh: T.T

Nông dân “trăn trở” với nhiều vấn đề cấp thiết

Giá cả nông sản không ổn định, giá vật tư đầu vào tăng cao, dịch bệnh gia tăng, các liên kết sản xuất chưa bền vững, lưu thông hàng hóa bị hạn chế...ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ để sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị... là những vấn đề cấp thiết được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi đối với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tại hội nghị đối thoại.

Đại biểu Hoàng Văn Bảo, Hội Nông dân huyện Hải Lăng đặt câu hỏi trong thời gian tới, UBND tỉnh có định hướng, giải pháp trọng tâm gì để giúp ngành nông nghiệp nói chung, nông dân nói riêng bình ổn giá nông sản, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp? Đại biểu Trần Thị Thùy, Hội Nông dân xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh đề nghị UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường, đặc biệt là giá nông sản để tránh tình trạng “mất mùa - được giá, được mùa - mất giá”, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương đã trả lời các nội dung cụ thể. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, để giải quyết căn cơ bài toán giá cả nông sản, tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp, thực hiện hiệu quả liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, trước hết nông dân phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Cùng với đó là huy động sự vào cuộc của các ngành, địa phương để tăng cường các giải pháp: quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nguồn nguyên liệu, phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi, sản xuất đạt các chứng nhận chất lượng, sản xuất theo hướng hữu cơ. Tích cực kêu gọi, huy động doanh nghiệp có tiềm lực liên kết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Hoàng Văn Bảo, Hội Nông dân huyện Hải Lăng đặt câu hỏi về vấn đề bình ổn giá nông sản, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp - Ảnh: T.T

Đại biểu Hoàng Văn Bảo, Hội Nông dân huyện Hải Lăng đặt câu hỏi về vấn đề bình ổn giá nông sản, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp - Ảnh: T.T

Đại diện Sở Công thương cho biết, ngành đã tập trung các giải pháp hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, hàng năm bố trí hơn 3 tỉ đồng cho các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các sản phẩm mới về bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của địa phương. Đồng thời khẳng định tiếp tục nỗ lực sát cánh hỗ trợ nông dân trong thời gian tới.

Liên quan đến kiến nghị về chuyển đổi ngành nghề, đào tạo việc làm cho nông dân khu vực đô thị của ông Trần Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 5, TP. Đông Hà, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đối với người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Được hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.

Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường công tác dự báo nhu cầu các ngành nghề đang và sẽ là xu hướng để kịp thời bổ sung vào danh mục, đặc biệt là các ngành nghề phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và theo nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, trong đó trọng điểm là các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Các vấn đề liên quan đến nước sinh hoạt khu vực nông thôn, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm... cũng đã được ngành chức năng thông tin cụ thể với đại biểu.

Hội nghị đã nhận được 30 câu hỏi chất vấn trực tiếp, trực tuyến và bằng văn bản, trong thời lượng chương trình đã giải đáp thỏa đáng 9 câu hỏi của đại biểu, còn lại được chuyển đến các sở, ngành liên quan để có văn bản trả lời cụ thể.

Nghiên cứu ban hành các chính sách mới tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, việc tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân là cầu nối hiệu quả, thực chất để lãnh đạo tỉnh lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những phản ánh, kiến nghị liên quan đến sản xuất nông nghiệp và đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh có những chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chủ trương, chính sách đến với nông dân nhanh và kịp thời, giúp nông dân an tâm phát triển sản xuất. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định tỉnh sẽ rà soát để có những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, quan tâm xây dựng các thương hiệu sản phẩm, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư bao tiêu sản phẩm, không để đứt gãy thị trường, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội nghị -Ảnh: T.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội nghị -Ảnh: T.

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cần nghiên cứu sâu, rà soát kỹ các văn bản, quy định, cơ chế, chính sách của trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả tại địa phương. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách mới tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tập trung giải quyết sớm các vấn đề, nội dung kiến nghị tại buổi đối thoại phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, bảo đảm thấu tình, đạt lý, đồng thời có văn bản trả lời, giải quyết cụ thể cho từng kiến nghị, đề xuất. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT là đầu mối theo dõi, đôn đốc, việc thực hiện nhiệm vụ này và kịp thời báo cáo UBND tỉnh những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng vùng sản xuất tập trung ở các địa phương, phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực, thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và nâng cao hình ảnh của sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, hoàn thiện sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, các hoạt động thương mại tiêu thụ nông sản, xây dựng các sàn giao dịch nông sản hiệu quả, đặc biệt quan tâm đầu tư kết nối thương mại điện tử cho người dân.

Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: T.T

Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: T.T

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông qua xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với triển khai các chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển KT - XH ở nông thôn.

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường hướng dẫn các thủ tục về đất đai cho người dân; tham mưu UBND tỉnh kịp thời giải quyết các kiến nghị liên quan đến đất đai. Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ động và làm tốt hơn nữa chức năng tham mưu, đề xuất, phát huy tối đa vai trò là cầu nối, kết nối giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp.

Đối với Hội Nông dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tăng cường chỉ đạo hội nông dân các cấp tiếp tục khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò tập hợp, phát triển lực lượng hội viên nông dân. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phát huy vai trò là cầu nối giữa chính quyền với nông dân.

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay. Duy trì hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đảm bảo công khai, dân chủ, đúng mục đích.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị Văn phòng UBND tỉnh nghiên cứu mở một chuyên mục trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh tiếp nhận kiến nghị của nông dân nhằm có giải pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/doi-thoai-thao-go-kho-khan-vuong-mac-lien-quan-den-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon/179619.htm