Đối thoại Nhân quyền ASEAN lần thứ 5: Thu hẹp khác biệt, hướng tới sự thay đổi có ý nghĩa

Đối thoại Nhân quyền ASEAN lần thứ 5 đánh dấu bước phát triển đáng kể trong việc thúc đẩy văn hóa cởi mở nhằm phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề và thách thức nhân quyền trong ASEAN.

Các đại biểu tham dự Đối thoại Nhân quyền ASEAN lần thứ 5 tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn:asean.org)

Ngày 6/11, Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) đã tổ chức Đối thoại Nhân quyền ASEAN lần thứ 5, 2 tháng sau khi Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về đối thoại nhân quyền được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43.

Sự kiện trên đã thu hút sự tham dự của đại diện các quốc gia thành viên ASEAN (AMS), AICHR, Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN, cơ quan nhân quyền quốc gia (NHRI) từ một số AMS, cùng các tổ chức có quan hệ tham vấn với AICHR và Ban thư ký ASEAN.

Trong phiên khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnh rằng Đối thoại Nhân quyền ASEAN đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ASEAN về khuôn khổ nhân quyền.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cho rằng sự kiện đánh dấu một bước phát triển đáng kể trong việc thúc đẩy văn hóa cởi mở nhằm phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề và thách thức nhân quyền trong ASEAN và thúc đẩy tính toàn diện bằng cách đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan khác nhau. Đối thoại về nhân quyền giúp thu hẹp những khác biệt, xây dựng sự hiểu biết và tạo ra con đường hướng tới sự thay đổi có ý nghĩa.

Các cuộc thảo luận chuyên đề trong Đối thoại bao gồm các vấn đề tự do tôn giáo và tín ngưỡng, bảo vệ nhà báo, quyền của người lao động nhập cư, quyền của phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật, cân bằng và bình đẳng giới, kinh doanh và nhân quyền, môi trường và biến đổi khí hậu...

Các đại biểu đã trao đổi những thực tiễn tốt nhất để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như cách thức vượt qua thách thức để thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD); chia sẻ kinh nghiệm về việc AMS gia nhập và thực hiện các công ước nhân quyền quốc tế, bao gồm các yêu cầu báo cáo và theo dõi các khuyến nghị, cũng như sự tham gia của họ vào quá trình Đánh giá định kỳ toàn cầu...

Nhân kỷ niệm 11 năm thông qua AHRD và kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền (UDHR), các đại biểu đã tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực, phù hợp với hai văn kiện quan trọng này.

(theo asean.org)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-thoai-nhan-quyen-asean-lan-thu-5-thu-hep-khac-biet-huong-toi-su-thay-doi-co-y-nghia-249447.html