Đối thoại chủ nhật: Khả quan mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%

Xuất nhập khẩu hàng hóa đón tín hiệu tích cực ngay quý đầu năm 2024. Theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), 3 tháng đầu năm nay, nhiều yếu tố tích cực trên thị trường thế giới và trong nước đã giúp Việt Nam đạt mức xuất siêu cao kỷ lục. Do đó, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2024 là khả thi.

Xuất siêu cao kỷ lục

Phóng viên (PV): Việt Nam xuất siêu cao kỷ lục tới 8,08 tỷ USD trong quý I. Ông có bất ngờ về kết quả này?

Ông Lê Quốc Phương: Từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam liên tục nhập siêu. Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2023 (trừ năm 2015), Việt Nam lại liên tục xuất siêu. Xuất siêu trở thành một xu thế khá ổn định trong nền kinh tế nên tôi không quá ngạc nhiên khi Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong năm 2024, thậm chí cả những năm tiếp theo. Dù vậy, mức xuất siêu 8,08 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay khá bất ngờ. Đây là mức xuất siêu cao kỷ lục từ trước tới nay khi so sánh trong cùng kỳ.

PV: Điều gì giúp Việt Nam thu về kết quả xuất siêu ấn tượng như vậy ngay đầu năm, thưa ông?

Ông Lê Quốc Phương.

Ông Lê Quốc Phương: Sau hai năm ảm đạm, năm 2024, kinh tế thế giới tuy còn khó khăn nhưng cũng có một số tín hiệu tích cực hơn. Điều này có tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ và liên minh châu Âu bắt đầu chững lại. Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn trên thế giới ngừng tăng lãi suất, thậm chí đang tính tới chuyện giảm lãi suất nếu lạm phát có xu hướng tiếp tục chững lại hoặc đi xuống. Việc các ngân hàng trung ương tạm ngừng tăng lãi suất khiến nhu cầu sản xuất, đầu tư cũng như tiêu dùng tăng lên sau thời gian dài trì trệ. Cầu thế giới tăng nhẹ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu của các nền kinh tế lớn. Cũng phải nói thêm rằng, sau thời gian khá dài giảm hoặc không nhập khẩu, tồn kho tại nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu sụt giảm mạnh, họ phải nhập khẩu trở lại để bù đắp.

Trong nước, các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp nội địa nói chung đều có sự chuẩn bị tương đối sẵn sàng để đón đầu khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường thế giới tăng trở lại, đơn hàng tăng lên. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu rất khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, nhưng họ vẫn luôn chuẩn bị các yếu tố như vật tư, nguyên vật liệu. Nhiều doanh nghiệp còn chú trọng giữ chân người lao động, cho làm việc luân phiên.

Nhờ vậy, khi đơn hàng tăng lên, doanh nghiệp lập tức đón bắt được cơ hội. Ở góc độ ngành hàng có thể thấy, thời gian qua, ngay cả những năm kinh tế thế giới khó khăn, xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, rau quả... vẫn tăng khá mạnh. Đầu năm nay, xuất khẩu gạo tăng cả lượng và giá do tác động của khủng hoảng lương thực trên thế giới; xuất khẩu cà phê cũng tăng cả lượng và giá. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu rau quả tăng mạnh ở một số thị trường, đặc biệt là Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nội cao hơn doanh nghiệp FDI

PV: Quý I-2024, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội tăng gần gấp đôi so với khối doanh nghiệp FDI. Kết quả này cho thấy điều gì, thưa ông?

Ông Lê Quốc Phương: Quý I-2024, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội đạt 26,2%, cao gần gấp đôi khối doanh nghiệp FDI (tăng 13,9%). Điều này cho thấy một số tín hiệu tích cực của doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, trong công tác phân tích dự báo, số liệu 3 tháng quá ngắn, không đủ để đưa ra nhận định về một xu hướng dài hạn nên chưa thể kết luận liệu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội có tốt hơn hẳn hay không.

Hiện nay, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 1/4 “miếng bánh” xuất khẩu, còn lại là doanh nghiệp FDI. Từ năm 2012 đến 2023 (trừ năm 2015), doanh nghiệp nội luôn nhập siêu, trong khi doanh nghiệp FDI luôn xuất siêu. 3 tháng đầu năm, nhìn tổng thể thấy rằng, doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu rất lớn. Như vậy, khối doanh nghiệp nội hiện nay vẫn ở thế yếu so với doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, từ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội trong 3 tháng đầu năm cũng đặt ra hy vọng, nếu khối doanh nghiệp nội tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn khối doanh nghiệp FDI trong cả năm nay, thậm chí cả những năm tiếp theo thì sẽ có thể đánh giá khả quan hơn về sự tiến bộ, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam, Ninh Bình. Ảnh: MINH ĐỨC

PV: Ông dự báo ra sao về triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới, ngành hàng nào sẽ có sự tăng tốc lớn hơn cả?

Ông Lê Quốc Phương: Năm nay, kinh tế thế giới có một số khởi sắc; xuất, nhập khẩu cũng có một số tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vấn đề liên quan tới địa chính trị. Thời gian tới, còn rất nhiều yếu tố bất ngờ có thể xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, dù không nên quá lạc quan, song tôi cho rằng hoàn toàn có thể hy vọng xuất, nhập khẩu năm nay sẽ vượt kết quả năm 2023, xuất khẩu sẽ tăng trưởng dương (năm ngoái tăng trưởng âm-PV). Về con số cụ thể, mục tiêu Bộ Công Thương đặt ra cho tăng trưởng xuất khẩu năm nay ở mức 6% là khả thi. Xu hướng tiêu dùng đã thay đổi nên hàng hóa thiết yếu hiện giờ có thể tính đến như điện tử, điện thoại; dệt may, da giày; ngoài ra là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, điển hình như gạo, chè, tôm, cá, rau quả...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong quý I-2024 đã có những khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính chung quý I-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng xuất siêu trong quý I-2024 là 8,08 tỷ USD (quý I-2023 xuất siêu là 4,93 tỷ USD).

ÁNH DƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-kha-quan-muc-tieu-tang-truong-xuat-khau-6-771694