Đổi thay trên quê hương cách mạng Gia Viễn

Những ngày thu tháng Tám, chúng tôi về huyện Gia Viễn, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên của tỉnh năm 1945. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Viễn luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Thị trấn Me rực rỡ cờ hoa đón Tết Độc lập. Ảnh: Trường Giang

Thị trấn Me rực rỡ cờ hoa đón Tết Độc lập. Ảnh: Trường Giang

Gia Viễn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời và có vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Gia Viễn ghi lại: Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, Gia Viễn được Tỉnh ủy chọn làm điểm khởi nghĩa mở màn và chỉ đạo quyết tâm giành được thắng lợi ngay trong trận đầu.

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, Việt Minh huyện Gia Viễn chỉ đạo các chi bộ, tổ Việt Minh các xã tập hợp lực lượng khởi nghĩa. Khi ấy, các làng, xã trong huyện khí thế cách mạng sôi sục chưa từng có; lực lượng tự vệ cứu quốc, quần chúng cứu quốc náo nức chuẩn bị vũ khí, tập kết sẵn sàng đến giờ nhất tề khởi nghĩa.

Ngày 18/8/1945, Tự vệ Bích Sơn nhận được lệnh khởi nghĩa sớm, tập hợp lực lượng kéo lên phố Me, kết hợp với tự vệ và nhân dân phố Me thuyết phục tri huyện giao chính quyền. Sáng 19/8/1945, lực lượng vũ trang giải phóng khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, tự vệ cứu quốc và quần chúng cách mạng các thôn Lỗi Sơn, Ngọc Động, Sinh Dược, Lạc Khoái, Ngô Đồng, Tri Hối, Điềm Giang, Bích Sơn kéo lên huyện lỵ, từng tốp 5 đến 7 người lẫn vào dòng người đi chợ Me, nhanh chóng bao vây huyện lỵ.

Việt Minh phát loa kêu gọi nhân dân nổi dậy tham gia khởi nghĩa xóa bỏ chính quyền tay sai của Nhật, binh lính đầu hàng, lực lượng cách mạng làm chủ huyện lỵ. Ngay sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đại diện Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc phong kiến huyện Gia Viễn, thành lập chính quyền cách mạng.

Phát huy truyền thống hào hùng đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Gia Viễn luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Về xã Gia Phong, không khó để nhận ra sự "thay da đổi thịt" của vùng quê cách mạng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng của xã được đầu tư xây dựng khang trang, các tuyến đường giao thông rộng mở, rực rỡ cờ hoa. Người dân trong xã vui mừng hướng tới các hoạt động chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Đồng chí Chủ tịch UBND xã Đinh Huy Lựa cho biết: Trong các cuộc kháng chiến, nhất là cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, nhân dân Gia Phong đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, góp phần cùng nhân dân trong huyện chống lại chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền, đem lại độc lập, tự do.

Truyền thống yêu nước đó đã tạo động lực để nhân dân Gia Phong luôn đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất. Đặc biệt, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", 100% đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa không lầy lội vào mùa mưa; các thôn của xã đều có nhà văn hóa và xây dựng được quy ước, hương ước…

Đến nay, Gia Phong có 2 thôn được công nhận là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Gia Phong là xã thuộc vùng phân lũ, chậm lũ của huyện Gia Viễn, trước đây, kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng manh mún và gặp nhiều khó khăn.

Giờ đây, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhân dân trong xã đã chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Chăn nuôi, thủy sản phát triển theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ đầu tư, xây dựng chuồng trại quy mô gia trại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đã giúp thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của Gia Phong đạt 60 triệu đồng/người/năm. Không chỉ Gia Phong, các địa phương khác trên địa bàn huyện Gia Viễn đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của huyện.

Đổi thay trên vùng quê cách mạng Gia Phong (Gia Viễn). Ảnh: Trường Giang

Điểm nổi bật, dễ nhận thấy nhất trong sự đổi mới ở huyện Gia Viễn đó là kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế từng bước tăng trưởng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Trong đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn không ngừng được nhựa hóa, bê tông hóa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới nâng cao toàn huyện đạt hơn 2.082 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp của Gia Viễn phát triển tương đối toàn diện theo hướng nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Các chính sách, chủ trương hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, của huyện phát huy hiệu quả.

Đến nay toàn huyện có 10 sản phẩm OCOP; nhiều mô hình trang trại tổng hợp đạt thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm, tiêu biểu như: mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Bùi Đức Thịnh, xã Gia Hòa; tổ hội nuôi bò nhốt chuồng, nuôi nhím của ông Đinh Văn Hồng, xã Gia Hòa; mô hình trang trại tổng hợp của bà Vũ Thị Nhâm, xã Liên Sơn… Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển.

Các cấp, các ngành đã quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 khu công nghiệp (Gián Khẩu) và 3 cụm công nghiệp (Gia Vân, Gia Phú, Gia Lập) với 56 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đã đóng góp phần lớn cho ngân sách tỉnh. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài các khu, cụm công nghiệp tăng về số lượng và hoạt động hiệu quả với 1.880 cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn huyện.

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện năm 2022 ước đạt 34.530 tỷ đồng. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19. Với lợi thế có nhiều danh lam, thắng cảnh và các di tích lịch sử, Gia Viễn đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phát triển du lịch như: Tổ chức chương trình giới thiệu tour du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn phát huy giá trị lịch sử văn hóa địa phương với chủ đề "Tìm về cội nguồn", Lễ phát động chiến dịch "Tuần lễ Du lịch xanh" gắn với Đề án giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch Việt Nam; Lễ hội Đền Thánh Nguyễn giới thiệu Tour du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn phát huy giá trị lịch sử văn hóa địa phương với chủ đề "Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn"...

Đồng thời, huyện tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển du lịch trên địa bàn; tiếp Đoàn Famtrip khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch.

Đồng chí Phạm Văn Tam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Gia Viễn tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra.

Trong đó, đặc biệt quan tâm triển khai các giải pháp về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là những hộ chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Nhìn lại chặng đường đã qua với những mốc son lịch sử trong đấu tranh cách mạng và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Viễn đang viết tiếp trang sử vẻ vang trên quê hương cách mạng anh hùng.

Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doi-thay-tren-que-huong-cach-mang-gia-vien/d20230831080651703.htm