Đổi thay trên miền cát trắng

Trước đây, nói đến xã Trung Giang (huyện Gio Linh), người ta luôn hình dung ngay tới những cánh đồng cát trắng chang chang dưới ánh nắng bỏng rát… từng là nỗi ám ảnh của bao thế hệ người dân nơi đây. Bây giờ, cảnh hoang vắng, đìu hiu không một bóng cây, lưa thưa vài nóc nhà ngày xưa đã được thay thế bởi màu xanh của hoa màu; của các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xây dựng khang trang trên nền cát trắng…

 Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính đang mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng cát trắng xã Trung Giang. Ảnh: HTS

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính đang mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng cát trắng xã Trung Giang. Ảnh: HTS

Trên đường dẫn chúng tôi ra thăm những mô hình nuôi gà thương phẩm liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm đang “ăn nên, làm ra” trên vùng cát trắng bạc màu của thôn Cang Gián, Bí thư Đảng ủy xã Trung Giang Nguyễn Đức Phới cho biết, sau khi sự cố môi trường biển xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn xã, đầu năm 2017 xã Trung Giang đã ban hành Chương trình hành động của BCH Đảng bộ xã Trung Giang về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03 - NQ/HU, ngày 12/12/2016 của Huyện ủy Gio Linh về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng biển giai đoạn 2016 - 2020. Nhiều giải pháp được đưa ra như điều chỉnh bổ sung quy hoạch thêm 130 ha ở khu vực thôn Thủy Bạn, Cang Gián, Hà Lợi Trung để người dân chăn nuôi, trồng trọt; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp với việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững; có chính sách ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, hệ thống thủy lợi nhằm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp trên cát, trong đó chú trọng các mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, mô hình trồng rau màu có giá trị kinh tế cao; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất rau sạch; nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế trong thực tế như mô hình trồng ném, dứa, thanh long ruột đỏ, sả… trên cát; khuyến khích người dân liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Về chăn nuôi, xã Trung Giang chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung; thực hiện việc tập huấn khoa học kĩ thuật cho người chăn nuôi; thí điểm xây dựng các mô hình chăn nuôi trên cát để nhân rộng trên địa bàn toàn xã; chú trọng việc xử lí, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm… Về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, xã Trung Giang khuyến khích ngư dân chuyển mạnh đánh bắt thủy sản ven bờ sang xa bờ; đầu tư nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất trên 400 CV để vừa bám ngư trường truyền thống, vừa vươn ra ngư trường mới nhằm nâng cao hiệu quả khai thác vùng biển xa; đối với vùng biển bãi ngang, chuyển dần các ngành nghề đánh bắt thủy sản từ tầng đáy sang tầng nổi và chú trọng các nghề khai thác hải sản có giá trị xuất khẩu, thị trường tiêu thụ ổn định…; chuyển đổi, du nhập thêm các ngành nghề đánh bắt thủy sản mới mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Minh chứng sinh động cho chủ trương, giải pháp đúng đắn ấy là trên trảng cát trắng bạc màu của thôn Cang Gián chỉ cách đây vài năm còn hoang vắng, đìu hiu thì nay thay vào đó nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gà, vịt, lợn theo hướng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong cung cấp, tiêu thụ sản phẩm đã mọc lên. Bí thư Đảng ủy xã Trung Giang Nguyễn Đức Phới cho biết thêm, chỉ sau 3 năm thực hiện Chương trình hành động của BCH Đảng bộ xã Trung Giang về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03 - NQ/HU của Huyện ủy Gio Linh, đến nay xã Trung Giang có hàng chục mô hình nuôi trồng, khai thác thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính từ năm 2015 đến nay, bằng nhiều nguồn lực huy động được, xã Trung Giang đã thực hiện việc hỗ trợ cho 25 mô hình trên các lĩnh vực với tổng kinh phí 5.741 triệu đồng. Các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá - cua tổng hợp; mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trên cát; mô hình nuôi cá lồng trên sông; mô hình trồng sả đỏ; mô hình trồng dừa xiêm lùn trên cát; mô hình trồng lạc L14; mô hình trồng dứa; mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính; mô hình trồng ném… Đặc biệt, trên địa bàn xã Trung Giang hiện có 5 gia trại chăn nuôi gà liên doanh, liên kết với các công ty trong bao tiêu sản phẩm. Hằng năm bình quân mỗi gia trại nuôi 3 vụ với số lượng nuôi từ 6.000 - 12.000 con/vụ (lãi ròng cho mỗi vụ nuôi ước đạt 30 - 100 triệu đồng)…

Đang tất bật với công việc chăm sóc đàn gà hàng nghìn con chuẩn bị xuất bán cho công ty chuyên cung cấp và thu mua gà thương phẩm, anh Dương Đức Dần (sinh năm 1986) ở thôn Cang Gián vẫn tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Anh Dần cho biết, trước năm 2016 do không có vốn để đóng tàu, thuyền bám biển nên anh vừa làm nông, vừa làm nghề “đi bạn” cho nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở xã Trung Giang. Nguồn thu nhập từ nghề “đi bạn” luôn bấp bênh, không đủ lo cho cuộc sống gia đình. Năm 2016, khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, tàu, thuyền của ngư dân xã Trung Giang cũng như nhiều xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh phải tạm nằm bờ. Không có việc làm, không còn nguồn thu nhập nên cuộc sống của gia đình anh trở nên khó khăn. Không cam chịu để gia đình rơi vào cảnh nghèo khó, đầu tháng 7/2016, anh Dần vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà thương phẩm trên cát.

Được xã Trung Giang tạo điều kiện cho thuê đất, anh Dần đã đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà khép kín; 100 triệu đồng để mua gà giống từ công ty chuyên cung cấp và thu mua gà thương phẩm. Cũng trong năm đó, anh bắt tay nuôi 4.000 con gà/lứa (mỗi năm trang trại gia đình anh nuôi 3 lứa). Sau khoảng 3 - 4 tháng nuôi, anh xuất bán cho công ty mà anh mua gà giống với giá 40.000 đồng/kg gà thương phẩm. Trang trại gia đình anh thu lãi 30 - 40 triệu đồng/lứa. “Gà nuôi theo hình thức khép kín nên ít xảy ra dịch bệnh. Khi gà nuôi lớn đảm bảo tiêu chuẩn về cân nặng, công ty sẽ thu mua toàn bộ số lượng gà thả nuôi với giá cả ổn định, nên hiện tại trang trại gia đình tôi không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, trang trại gia đình tôi thả nuôi khoảng 4.000 - 4.500 con/ lứa, mỗi năm thu lãi khoảng 100 - 150 triệu đồng”.

Ai về xã Trung Giang trong những ngày này mới cảm nhận một mùa xuân sinh sôi, căng tràn nhựa sống đang cựa mình trong màu xanh cây trái. Và ở miền đất ấy, có những con người cần cù, siêng năng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đang tạo nên những đổi thay trên vùng cát trắng bạc màu.

Hoàng Tiến Sĩ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145572