Đổi thay ở vùng sơn cước

Bình Phước là tỉnh miền núi, thuộc vùng Đông Nam Bộ, có đường biên giới dài tiếp giáp Vương quốc Campuchia đi qua 3 huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập và Lộc Ninh với 15 xã biên giới. Các huyện giáp biên nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi cao nguyên và vùng đồng bằng, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị lẫn quốc phòng. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bình Phước và quân đội đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển, xây dựng các khu dân cư biên giới mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, góp phần xây dựng 'thế trận lòng dân' nơi biên ải của Tổ quốc.

Điểm sáng những khu tái định cư

Xã Bù Gia Mập là một trong 2 xã biên giới của huyện Bù Gia Mập (cùng với Đắk Ơ), có 1.351 hộ dân, gần 7.700 người, trong đó 73% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là người S'tiêng, Nùng, M’nông. Do cách nghĩ, cách làm, xem cây điều chỉ là cây giữ đất của dòng tộc nên bà con bỏ bê, không chăm sóc và tình trạng bán điều non, cầm cố, sang nhượng rẫy vẫn âm ỉ trong vùng. Tuy nhiên, gần đây nhiều hộ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi biết cắt tỉa cành khô chết, xịt thuốc, dưỡng bông trái nên vườn điều cho năng suất cao hơn. Hộ anh Điểu Khoa (người S'tiêng, thôn Bù Dốt) với hơn 1 ha điều cộng với lương từ giữ rừng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, cuộc sống gia đình anh tương đối ổn định, đủ nuôi 2 con ăn học. Xã Bù Gia Mập có người dân 4 thôn Bù Nga, Đắk Á, Bù Lư, Bù Dốt tham gia giữ rừng (chủ yếu là đồng bào S'tiêng), ngoài lương còn hưởng nhiều lợi ích từ rừng như được lấy lá nhíp, đọt mây, măng; các loại trái cây như xoài, vải, chôm chôm để cải thiện bữa ăn gia đình nên cuộc sống ổn định hơn trước.

Với sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đời sống nhân dân các xã biên giới tỉnh Bình Phước đã có nhiều đổi thay. Trong ảnh: Mô hình thí điểm nuôi bò tập trung để giảm công chăn thả, tăng hiệu quả kinh tế cho nhân dân biên giới xã Bù Gia Mập của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778

Chúng tôi đến khu tái định cư Đắk Á (xã Bù Gia Mập), có diện tích gần 9 ha xây dựng từ năm 2020, do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Đoàn 778), Quân khu 7 quản lý. Trước đây, đồng bào S'tiêng và đồng bào Mông kinh tế khó khăn, không nhà cửa, vườn tược, ai kêu gì làm đó. Từ khi chuyển vào khu tái định cư, đời sống kinh tế của bà con đã khá hơn nhiều, ai cũng có việc làm, con cái không bỏ học giữa chừng. Khu tái định cư đã có 60 hộ dân vào ở, dự kiến năm 2025 tăng lên 120 hộ, mỗi hộ được cấp 400-500m2 đất thổ cư và 1 nhà ở cùng công trình điện, nước, đèn năng lượng trị giá 110-135 triệu đồng, được cấp bò làm vốn. Đơn vị đang thí điểm mô hình nuôi bò tập trung để giúp người dân phát triển đàn bò thịt và giảm chi phí chăm sóc.

Hộ anh Điểu Lúng (đồng bào S’tiêng) trước đây không có đất ở, đất sản xuất, nay được cấp nhà, đất ở trên diện tích 500m2; vợ chồng anh đều đi cạo mủ cao su, nhận thêm hạt điều về bóc vỏ lụa. Từ đó, cuộc sống gia đình dần ổn định và có điều kiện mua sắm các vật dụng đắt tiền như xe máy, tivi.

Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 thường xuyên thăm hỏi, tuyên truyền chính sách đến người dân khu tái định cư

Rời Đắk Á, chúng tôi đến khu tái định cư Tiểu khu 119 (thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa) do Đoàn 778 xây dựng, rộng 36,5 ha, hiện bố trí cho 175 hộ dân sinh sống, trong đó có 30 hộ người Việt từ Biển Hồ Campuchia về. Ngoài ngôi nhà cấp 4 chắc chắn, nhà nào cũng có nồi cơm điện, bếp gas, quạt điện và 2 con bò sinh sản để ổn định cuộc sống. Gia đình ông Điểu Tứ (người S’tiêng) trước sống du canh, du cư bên bờ suối. Từ năm 2015, gia đình ông thuộc 15 hộ đầu tiên được bố trí nhà và đất ở trong khu tái định cư, được đào tạo nghề chăm sóc, cạo mủ cao su; các con ông đều có việc làm ổn định. Trung tá Nguyễn Văn Chinh, cán bộ Phòng Chính trị Đoàn 778 cho biết, nhiệm vụ của tôi là hướng dẫn bà con cách làm kinh tế, xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong khu tái định cư. Dự kiến trong tháng 7-2023 sẽ khởi công xây dựng thêm 14 căn nhà cho 14 hộ mới.

Cuộc sống ngày càng yên ấm

Huyện Lộc Ninh có 116.744 người, trong đó hơn 20% là đồng bào DTTS, chủ yếu là người S’tiêng và Khmer. Trước đây, cuộc sống bà con phụ thuộc vào 1-2 ha rẫy cao su, hồ tiêu nhưng canh tác manh mún, tự phát nên thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn. Nhưng giờ đây, nhiều hộ dân đã ý thức chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác và không ít hộ đã trở nên khấm khá nhờ cây công nghiệp. Gia đình ông Lâm Út Le (ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh) có 1 ha đất trồng cao su, hoa màu nhưng năng suất thấp, giá lên xuống thất thường, bị thương lái ép giá. Ông chịu khó học hỏi thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc và một thời gian sau, vườn nhà cho năng suất cao, thu nhập ổn định. Giờ ông đã tích lũy được 15 ha đất trồng hồ tiêu, cao su, thu về khoảng 800 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều đồng bào DTTS trong xã.

Một góc khu tái định cư Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Tại huyện biên giới Bù Đốp, các điểm dân cư liền kề Đồn biên phòng Bù Đốp (thuộc ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước) được xây dựng trên khu đất bằng phẳng, ngoài nhà ở còn có đầy đủ điện, đường, nước sinh hoạt giúp đồng bào DTTS thêm tin tưởng vào chính quyền, hăng say lao động, cùng bộ đội biên phòng giữ từng tấc đất quê hương. Hộ anh Điểu Khoen (người S’tiêng) không có nương rẫy, phải bươn chải đủ việc kiếm sống, nay được cấp đất, nhà ở diện tích 360m2 cùng nhiều vật dụng khi dọn về ở tại điểm dân cư nên rất phấn khởi. Anh Điểu Khoen tâm sự: “Chúng tôi ở đây được cán bộ biên phòng tuyên truyền làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người dân như mình là tai mắt của chính quyền, nếu có ai vượt biên mang hàng cấm, phương tiện phạm pháp về ấp là mình báo ngay cho đồn biên phòng”.

Xây dựng thế trận lòng dân

Chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Duy Dương, Chính ủy Đoàn 778 và được thông tin: Đơn vị có nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và đầu tư các dự án cơ bản bàn giao cho địa phương. Coi vấn đề dân vận là cốt lõi nên ngoài hướng dẫn người dân làm kinh tế thì hằng năm, Đoàn 778 còn phối hợp các bệnh viện khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người, mở 2-3 lớp dạy cạo mủ cao su cho các hộ DTTS. Nhờ cạo mủ cao su thuê cho đơn vị mà 100 hộ dân có việc làm, thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng/người nên cuộc sống ngày càng ổn định. Đoàn 778 còn nhận đỡ đầu 62 con em đồng bào DTTS, hỗ trợ trị giá 300 ngàn đồng/tháng (gồm gạo, nhu yếu phẩm). Đầu năm học, đơn vị trao tặng hàng ngàn cuốn tập, quần áo để nâng bước các em đến trường. Đoàn 778 cũng thường gặp chức sắc, chức việc và hơn 30 già làng, trưởng thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; giúp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, công trình tôn giáo và đón tết cổ truyền để tình quân dân thêm bền chặt.

Về phía Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước, thực hiện Kết luận số 68-KL/TW ngày 5-2-2020 của Ban Bí thư về chủ trương thực hiện tăng thêm cấp ủy viên cấp huyện, xã biên giới là cán bộ đồn biên phòng, từ năm 2020 đến nay, Đảng ủy, Bộ đội biên phòng tỉnh đã giới thiệu 14 cán bộ tham gia cấp ủy cấp huyện, xã, cán bộ tăng cường xã; 90 cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt tại 90 chi bộ thôn, ấp, góp phần củng cố thêm chất “thép” cho các ấp ủy đảng nơi biên giới. Qua đó, chủ động tham mưu ấp ủy, chính quyền nơi biên giới xây dựng kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, tạo thế trận lòng dân nơi vùng biên ải của Tổ quốc.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đánh giá: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ người dân vùng DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng biên giới nói riêng đã được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS được quan tâm, các nghề truyền thống của đồng bào được khôi phục, phát triển. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng DTTS - vùng biên giới tiếp tục được giữ vững, ổn định.

Theo số liệu của UBND tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2016-2021, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới lên đến 897,79 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 418,13 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương 484 tỷ đồng (chiếm 53,9%). Các chương trình chủ yếu gồm sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên; chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện chính sách dân tộc và tín dụng hỗ trợ sản xuất.

Y Văn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/145691/doi-thay-o-vung-son-cuoc