Đổi thay ở miền chân sóng Hải An

Là một địa phương anh hùng, quật khởi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và từng là xã biển bãi ngang một thời gian khó, nhưng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay xã Hải An, huyện Hải Lăng đã có bước phát triển tích cực trong nhiều lĩnh vực. Bộ mặt vùng quê biển Hải An giờ đây đã trở nên khởi sắc, tươi sáng và đời sống của Nhân dân ngày càng sung túc, ấm no.

Cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình ông Đặng Quang Lệ ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V

Nằm im lìm bên hàng phi lao và rì rào sóng biển ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, khu chứng tích ghi lại tội ác rúng động của vụ thảm sát do thực dân Pháp gây ra khiến hàng trăm dân làng vô tội tử nạn vẫn còn đó.

Với âm mưu dập tắt tinh thần yêu nước, tiêu diệt phong trào cách mạng của Nhân dân Quảng Trị, trong hai ngày 19/3 và 8/4/1948, quân đội Pháp tổ chức cuộc hành quân quy mô lớn với sự tham gia của nhiều tiểu đoàn lính bộ binh có máy bay, tàu chiến hỗ trợ đã càn quét và thảm sát một cách man rợ, làm chết 526 thường dân vô tội, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em ở thôn Mỹ Thủy. Vụ thảm sát Mỹ Thủy năm 1948 là một trong những tội ác diệt chủng dã man nhất mà quân đội Pháp gây ra trên đất nước Việt Nam...

75 năm sau vụ thảm sát đau thương ấy, mảnh đất miền chân sóng anh hùng Hải An đã hồi sinh mạnh mẽ và có nhiều đổi thay tích cực. Hải An ngày nay có một làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Mỹ Thủy trứ danh phát triển mạnh, có nghề đóng thuyền truyền thống được giữ gìn, có bãi tắm Mỹ Thủy tuyệt đẹp với bờ cát mịn màng, nước biển trong xanh, sạch đẹp và những loại hải sản tươi ngon... và có dự án cảng nước sâu Mỹ Thủy, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đầy triển vọng, dự phóng sẽ làm khởi sắc xã Hải An và nhiều địa phương lân cận trong tương lai gần.

Nối nghề truyền thống của cha ông, ông Đặng Quang Lệ, (52 tuổi) ở thôn Mỹ Thủy đã theo nghề làm nước mắm sau khi lập gia đình năm 20 tuổi. Cần cù làm lụng, vợ chồng ông Lệ đã dần mở rộng cơ sở sản xuất của mình ngày càng quy mô hơn.

Hằng ngày, ông Lệ phụ trách việc lượt, lọc nước mắm và ra chai thành phẩm, trong khi đó vợ ông chạy chợ, bỏ mối nước mắm cho các bạn hàng. “Hiện nay mỗi ngày cơ sở của vợ chồng tôi xuất bán ra thị trường bình quân khoảng 80 lít, cao điểm có khi lên đến 150 lít nước mắm. Khách hàng chủ yếu ở trong huyện, trong tỉnh. Ngoài ra, cơ sở của tôi cũng thường xuyên bỏ mối cho các bạn hàng ở Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương...

Thu nhập mỗi ngày của cơ sở cũng đạt 500- 700.000 đồng sau khi trừ các chi phí. Cũng nhờ nghề truyền thống này mà vợ chồng tôi nuôi 3 đứa con ăn học đầy đủ, đến nơi đến chốn”, ông Lệ cho hay. Ngoài tạo được thu nhập khá cho gia đình mình, cơ sở của ông Lệ còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.

Là người mở hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống sớm nhất tại bãi tắm Mỹ Thủy, ông Võ Viết Sơn, (49 tuổi), chủ nhà hàng Sơn Đào cởi mở chia sẻ công việc làm ăn với chúng tôi. Ông Sơn cho biết, sau một thời gian ở miền Nam, năm 1993 ông trở về quê hương và đến năm 1996 thì mở quán buôn bán ăn uống, giải khát ở bãi biển quê mình.

“Bãi tắm Mỹ Thủy hoạt động chỉ sau bãi tắm Cửa Tùng và trước bãi tắm Cửa Việt. Ở Mỹ Thủy, nhờ có bãi tắm đẹp, nước trong xanh và hải sản ngon nên thu hút khá đông khách về, đặc biệt là những ngày cuối tuần. Công việc của nhà hàng của tôi cũng như 12 nhà hàng khác tại bãi tắm này khá nhộn nhịp, khách ổn định nên thu nhập cũng khá. Ở đây chúng tôi phục vụ 90% là hải sản địa phương vùng bãi ngang đánh bắt trong ngày nên rất tươi ngon, được thực khách ưa chuộng”, ông Sơn cho hay.

Các nhà hàng ở bãi tắm Mỹ Thủy phục vụ khách cao điểm từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, thời gian còn lại cũng có khách lai rai. Không chỉ có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi trừ các chi phí, nhà hàng của ông Sơn còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 10- 15 lao động với thu nhập ổn định.

Toàn xã Hải An hiện có 295 thuyền máy, tổng công suất trên 3.261,5 CV. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác 1.272 tấn, tăng 69,6 tấn so với cùng kỳ. Hiện nay, nhiều chủ thuyền đang đóng mới thuyền chuyển sang dùng vật liệu composite, đồng thời trang bị thêm máy tời nhằm giảm tải sức lao động. Diện tích nuôi thủy sản 13,8 ha (đang thả nuôi), trong đó: tôm thẻ chân trắng 2 ha, cá 9,7 ha, ốc hương 2,1 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 87,8 tấn (tôm 35,2 tấn; ốc hương 20,4 tấn, cá kình 32,2 tấn).

Hiện đang triển khai dự án thử nghiệm xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm tại thôn Thuận Đầu, diện tích 2.000 m2 , thả nuôi 6 vạn con giống. Toàn xã hiện có 168 cơ sở CNTTCN; tạo việc làm cho trên 325 lao động. Các ngành sản xuất truyền thống như đóng thuyền, chế biến nước mắm, ruốc bột phát triển tốt. 6 tháng đầu năm 2023, lượng nước mắm bán ra thị trường đạt 549.300 lít.

Địa phương đang tiếp tục nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm nước mắm Mỹ Thủy đạt OCOP 3 sao và nước mắm Mỹ An được công nhận OCOP 4 sao. Toàn xã có 267 cơ sở TM-DV, tạo việc làm thường xuyên cho trên 375 lao động. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã Hải An đạt 510,298 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 60,2 triệu đồng, tăng 4,7 triệu đồng so với năm 2021.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực thi pháp luật được chú trọng. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay xã Hải An đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành các tiêu chí, đồng thời phối hợp rà soát các chỉ tiêu, hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải An Đặng Xuân Thành cho biết: “Phát huy kết quả tích cực về phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, tu sửa ghe thuyền, mua sắm ngư lưới cụ bám biển đánh bắt vụ cá Nam đạt năng suất cao. Vận động Nhân dân tuân thủ nghiêm thời gian thả nuôi tôm thẻ chân trắng theo thông báo khuyến vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT, tiến hành cải tạo, xử lý kỹ ao hồ trước khi thả nuôi, đồng thời chuyển đổi sang một số diện tích nuôi không hiệu quả sang nuôi cá dìa, ốc hương, cá chim vàng.

Tiếp tục đôn đốc các mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao; vận động phát triển thêm 1-2 mô hình kinh tế mới. Phối hợp mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh tuyên truyền công tác XKLĐ. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/doi-thay-o-mien-chan-song-hai-an/180144.htm