Đổi thay cuộc sống nhờ bước chuyển nghề phù hợp

Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội luôn chú trọng đến đào tạo nghề gắn với chuyển đổi và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là những đối tượng thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp.

Theo kế hoạch, Hà Nội đang hướng đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 120 triệu đồng/người/năm; 50% tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tạo sinh kế

Để đạt được mục tiêu này, ngoài đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững, thành phố còn tập trung công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề phù hợp cho nông dân, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động nông thôn.

Từng gắn bó với sản xuất nông nghiệp, nhưng hơn 2.000 hộ dân xã An Khánh, huyện Hoài Đức thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án xây dựng của thành phố Hà Nội đã được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp, bảo đảm cuộc sống và sinh kế bền vững kể cả khi không còn đất sản xuất.

Có được điều này là nhờ ngay sau khi thu hồi đất, thành phố Hà Nội đã cùng địa phương và Trung tâm dạy nghề huyện thực hiện khảo sát nhằm nắm bắt nhu cầu thực tế về việc làm của người dân có đất bị thu hồi, sau đó mở các lớp dạy nghề cho người dân như tạo mẫu tóc, sửa chữa điện thoại, điện dân dụng... Sau khi được học nghề, nhiều hộ đã lấy tiền đền bù đầu tư cơ sở vật chất, từ đó vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu.

Còn tại xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) do trong quá trình đô thị hóa nên có tới 80% diện tích đất nông nghiệp của xã rơi vào diện thu hồi. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân vẫn ổn định, phát triển nhờ được học nghề phù hợp như nấu ăn, vi tính văn phòng, trồng hoa, cây cảnh, trồng ổi... Đặc biệt, thành phố còn giúp người dân phát triển liên kết theo hướng hàng hóa, thành lập HTX để làm giàu. Tiêu biểu như HTX dịch vụ Di Trạch đang làm tốt vai trò hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để không ngừng nâng cao thu nhập.

Gần đây nhất, để đầu tư cho dự án đường vành đai 4, hàng nghìn hộ dân ở huyện Hoài Đức cũng nằm trong diện thu hồi đất. Tuy nhiên, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thành phố đã cùng với huyện thực hiện các dự án tái định cư (tại xã Đông La và xã Đức Thượng) để hỗ trợ chỗ ở cho người dân.

Cùng với đó, thành phố cùng huyện khảo sát nhu cầu đào tạo nghề đối với người dân. Qua triển khai cho thấy, có đến là 1034 người có nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề với các ngành nghề như: chăm sóc sắc đẹp, lái xe ô tô, chế biến rau quả, sửa chữa điện thoại-laptop… Ngoài ra, gần 700 người có nhu cầu hỗ trợ tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động.

Hiện, thành phố đã nắm bắt được danh sách và đang liên kết với sở LĐTBXH hướng dẫn người dân tham gia các lớp dạy nghề cho các đối tượng có nhu cầu. Đồng thời, thành phố cũng làm việc với các trung tâm giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp, khu công nghiệp để tạo đầu mối hỗ trợ tìm kiếm việc làm phù hợp cho người dân.

Tránh “miệng ăn núi lở”

Nhờ chú trọng đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi việc làm một cách phù hợp mà người dân thuộc diện thu hồi đất trên địa bàn thành phố đã biết cách sử dụng số tiền bồi thường vào mục đích phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (xã Di Trạch) cho biết trước đây gia đình ông trồng lúa, nhưng sau khi diện tích lúa bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, ông đã được tham gia các lớp đào tạo nghề và chuyển đổi sang trồng ổi, táo, đu đủ, nhãn. Số tiền được bồi thường cũng được gia đình dùng vào việc tái sản xuất, phát triển kinh tế gia đình theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao đời sống.

Nhiều người dân đã chuyển đổi sản xuất, có cuộc sống ổn định sau khi được đào tạo nghề.

Để người dân có được cuộc sống như vậy, có một điều mà lãnh đạo các cấp ở thành phố Hà Nội luôn lưu tâm đó là nông dân có đất bị thu hồi thường được nhận tiền bồi thường. Nhiều gia đình có diện tích đất bị thu hồi lớn, thậm chí có nhà toàn bộ đất canh tác nông nghiệp nằm trong dự án phải thu hồi thì số tiền bồi thường càng lớn.

Số tiền này có thể làm thay đổi cuộc sống của bà con nông dân, có hộ được nhận tiền đền bù đã xây được nhà, mua được xe và sắm sửa những vật dụng đắt tiền dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Những hộ gia đình nông dân được nhận tiền đền bù do bị thu hồi đất với số tiền lớn được coi là “giàu đột xuất”.

Nhiều hộ dân do “tự dưng” có số tiền lớn trong tay nhưng không biết quản lý, không có nghề nghiệp nên sử dụng tiền bồi thường không phù hợp, khiến cuộc sống không những không ổn định mà thậm chí còn rơi vào khó khăn, nợ nần.

Chính vì vậy, đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn và những người nằm trong diện thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp sẽ tránh được tình trạng “miệng ăn núi lở, tránh tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự…

Trong khi đó, việc thu hồi đất nông nghiệp để quy hoạch đô thị hóa, phát triển khu công nghiệp, trường học… tại một số địa phương là nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất đồng nghĩa với việc nhiều người, nhất là nông dân mất đi việc làm, mất đi nguồn thu nhập để đảm bảo đời sống.

Hình thành các mô hình liên kết

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi hộ nông dân có 1,5 lao động và mỗi ha đất bị thu hồi sẽ ảnh hưởng tới việc làm của khoảng 10 lao động nông nghiệp.

Để hài hòa bài toán phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống người dân sau khi thu hồi đất, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có những kế hoạch đào tạo và chuyển đổi nghề phù hợp cho người dân nhằm bảo đảm cho người dân, nhất là nông dân có đất bị thu hồi có cuộc sống ổn định, có việc làm thường xuyên.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND về việc hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn thành phố.

Theo quyết định này, người lao động bị thu hồi đất ngoài được hỗ trợ học nghề, còn được hỗ trợ việc làm. Cụ thể, người lao động có nhu cầu tìm việc làm được tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc tại phiên giao dịch việc làm lưu động tại các điểm giao dịch ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Thành phố cũng đặt kế hoạch cụ thể cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ban Quản lý khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; Hiệp hội doanh nghiệp trẻ phối hợp với Sở LĐTBXH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Trung tâm Dịch vụ việc làm trên địa bàn để có phương án đào tạo nghề, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm một cách phù hợp.

Ngay như các lớp đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề từ làm nông nghiệp, trồng lúa đơn thuần sang học nghề sản xuất mây, tre, giang đan cho những hộ nông dân bị thu hồi đất ở huyện Chương Mỹ đã giúp người dân có mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Còn các lớp đào tạo nghề may cho lao động nông thôn, lao động bị thu hồi đất ở các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai... cũng giúp họ có việc làm và thu nhập từ 3,5-6,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình đào tạo nghề trồng cây ăn quả, nấm ăn, nấm dược liệu tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì cũng cho thu nhập khoảng 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt từ các khóa đào tạo nghề, đã có những HTX được thành lập và hoạt động hiệu quả như: HTX thanh niên ở Chương Mỹ, HTX thanh niên lập nghiệp Bắc Sơn (Sóc Sơn)… từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm và cũng là giải pháp nâng cao thu nhập hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/doi-thay-cuoc-song-nho-buoc-chuyen-nghe-phu-hop-1094647.html