Đời sống Bầy nắng

Tự truyện “Mỗi phút mỗi giây tựa một ngày trời” (Every Munite Is a Day) của bác sĩ Robert Meyer và Dan Koeppel

Tự truyện “Mỗi phút mỗi giây tựa một ngày trời” (Every Munite Is a Day) của bác sĩ Robert Meyer và Dan Koeppel

Một năm qua đi với những biến chuyển bất thường của thiên nhiên và đời sống. Thời tiết cực đoan kỳ dị. Bắt đầu là cái rét nàng Bân, năm nào cũng thế có gì lạ đâu, nhưng mưa và gió năm nay sao lạ quá.

Vẫn biết xứ này “Tứ thời trung hữu hạ/ Nhất vũ hóa vi đông”, nhưng cái kiểu lê thê mưa dầm gió lạnh ngày đông chứ không phải những cơn giông bất chợt giữa mùa hè nắng cháy này mới thật kỳ lạ. Vẫn những chân ruộng ấy, hàng ngàn ha lúa đông xuân đang kỳ chín rộ gãy đổ, ngã rạp vì mưa to gió lớn trên diện rộng. “Trời cho chộ mà không cho ăn”, những người nông dân lại nghẹn ngào vỡ nước mắt trên mảnh đất đời mình. “Ông điên à? Mưa gió, nước ngập đồng ông lại đi cắt rau, chết cóng không ai biết!”. Ông Cử tiếc đám rau má già lá ngập chìm trong nước, nghe vợ rủa, không buồn ngẩng đầu lên. Cái loại rau giải nhiệt này, trời gió mưa lạnh lẽo ai mua cho mà đi cắt? Chỉ là một hành động điên dại chất chứa bao cay cực, hờn tủi, bất lực trước trận đòn nốc ao của thiên nhiên hung nghiệt.

Mới đây thôi, trận mưa giữa tháng 10 “lớn kỷ lục” gần 600mm trong 6 giờ đã nhấn chìm phần lớn thành phố Đà Nẵng trong biển nước. Huế và các huyện vùng thấp trũng cũng ngập sâu sau hai ngày mưa ròng rã, trong khi những thiệt hại sập nhà, tốc mái do cơn bão Noru cuối tháng trước vẫn còn ngổn ngang nơi làng biển Vinh Xuân.

Đại dịch COVID-19 dần qua đi, nhưng những di hậu của nó vẫn còn ám ảnh dài lâu đối với thế giới con người. Người ta sẽ còn nói nhiều về con virus corona đã làm thay đổi tất cả, theo một cách khốc liệt nhất, từ sự vận hành của toàn bộ xã hội cho đến những sang chấn tâm lý của mỗi cá nhân. Những bài học đích đáng từ đại dịch là gì? Tại sao có quá nhiều người chết, quá nhiều những câu chuyện đau thương chưa từng có tiền lệ? Virus corona có thể mới nhưng dịch bệnh thì không hề.

Tự truyện “Mỗi phút mỗi giây tựa một ngày trời” (Every Munite Is a Day) của bác sĩ Robert Meyer và Dan Koeppel

Tự truyện “Mỗi phút mỗi giây tựa một ngày trời” (Every Munite Is a Day) của bác sĩ Robert Meyer và Dan Koeppel

Tôi ngồi đọc lại Mỗi phút mỗi giây tựa một ngày trời (Every Munite Is a Day), cuốn tự truyện của bác sĩ Robert Meyer và Dan Koeppel về những ngày tháng đối mặt với thảm họa dịch bệnh từ không gian phòng cấp cứu của hệ thống bệnh viện Montefiore thành phố New York - Mỹ, nơi mà “những con người bệnh tật và đau khổ nằm trên những chiếc cáng chen chúc nhau - khóc lóc, rên rỉ, cầu nguyện và chết. Họ thường nằm cách những xác chết chưa được chuyển đi chỉ vài inch và luôn miệng gào to để gọi mẹ, gọi con, gọi Chúa bằng đủ thứ tiếng khác nhau”.

Trong những ngày đầu tiên, một bác sĩ kỳ cựu như Robert Meyer cùng với đội ngũ nhân viên phòng cấp cứu vẫn “choáng váng” trước một căn bệnh quá mới lạ và quá tàn khốc mà cách đối phó “không phải bằng các kỹ thuật dựa trên dữ liệu và sự đo lường của y học hiện đại”, không có một hướng dẫn thực hành đáng tin cậy nào, và “mọi người đang chết vì không ai biết phải làm gì”.

Các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu luôn tự hào là chỗ dựa mạnh mẽ và đầu tiên của tất cả bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Thế nhưng chính tác giả thừa nhận những tình huống “niềm tự hào đang bị sự sợ hãi đè bẹp”; rằng “Tôi luôn tin mình có thể làm bất cứ việc gì, chịu đựng bất cứ điều gì, miễn là biết điểm kết thúc và luật chơi. Nhưng hiện tại, không có điểm kết thúc, cũng chẳng có luật chơi. Chúng không còn tồn tại nữa”.

Đòn chí mạng của con virus corona này là nó tấn công những bệnh nhân già yếu, mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, làm cho bệnh cảnh trầm trọng hơn “như một sự kết hợp bi thảm”. Càng tuyệt vọng hơn khi đến lượt chính những người thân yêu, đồng nghiệp của mình nhiễm bệnh. Một đồng nghiệp của tác giả, trưởng khoa cấp cứu bốn mươi chín tuổi tại Bệnh viện NewYork - Presbyterian, đã tự tử, vì “áp lực ngày càng khủng khiếp của đại dịch đã đẩy cô ấy đến bước đường cùng”.

Bác sĩ trưởng phòng Deb White có người bố chết vì COVID-19, nhưng vẫn cố chịu đựng một mình để trấn an nhân viên dưới quyền. Hay cuộc vật lộn giành giật sự sống trước sức tàn phá của con virus ác hiểm mà người thầy của tác giả, bác sĩ John Gallagher, “bậc thầy của y học cấp cứu hiện đại” đã trải qua.

Trước khi có COVID-19, nếu người nhà bệnh nhân có mặt, họ sẽ được chứng kiến quá trình bác sĩ thực hiện các biện pháp cứu sống khẩn cấp, hét lên để ra y lệnh, đặt ống nội khí quản, hội chẩn các chuyên khoa… và họ biết bác sĩ đã làm tất cả những gì có thể. Họ có thời gian cần thiết để tiếp nhận những gì đang xảy ra. Nhưng bây giờ ở Khu điều trị COVID-19 không có người ngoài cuộc nào cả. Không ai có thể nói lời tạm biệt; không ai nhìn thấy mẹ hoặc cha mình ra đi. Bác sĩ muốn cứu tất cả mọi người nhưng không thể. Và ngay cả chính họ cũng cần được cứu.

Chúng tôi ngồi trong mảnh vườn nhà bình yên bên dòng sông sau những ngày gió mưa ảm đạm. Anh Thu, anh Thạnh về thăm nhà ngay sau khi Việt Nam và Úc (cũng là một đất nước chống dịch kéo dài và quyết liệt) thông thoáng đường bay trở lại sau đại dịch, để thắp hương cho những người thân yêu đã mất vì COVID-19. Giống như những bệnh nhân xấu số của bác sĩ Robert Meyer “không ai có thể nói lời tạm biệt, không ai nhìn thấy người thân của mình ra đi”, anh Thạnh mất mẹ và anh trai ở Kim Long, anh Thu mất cả bố và hai anh em của mình ở quê nhà Phan Thiết. Không ai kịp về để được gần gũi, để được nói một lời yêu thương, để vuốt mặt người thân ra đi thanh thản.

Mỗi phút mỗi giây tựa một ngày trời. Huống chi đây hơn hai năm trời đằng đẵng. “Lúc nào anh về Việt Nam, anh em mình đi Huế một chuyến nha. Tuổi sắp xuống lỗ rồi mà không biết xứ Cố đô cổ kính như thế nào” - anh Thu còn nhớ như in lời người em trai thiệt thà qua điện thoại. Giờ đây, anh đang ngồi giữa lòng Huế, nhưng em trai đâu còn nữa.

Nắng mai đã bừng dậy ngày cuối năm, rượi sắc vàng lên những bụi thiên điểu, đậu biếc, bụi hồng cổ Huế… trên đất vườn hoang hoải. Vẫn còn từng hơi gió chướng thổi qua vườn, làm lay động những ngọn lá và hoa bợt bạt. Nắng cũng lay động theo từng đợt lá hoa rượi gió. Bần thần một bầy nắng lên. Bên kia vườn, ông Cử lại cặm cụi với đám ruộng rau má bạc màu dưới nắng, chờ đợi một mùa mới. Tất cả rồi cũng qua đi. Mọi chuyện rồi sẽ ổn.

Tôi lại nhớ một đoạn văn trong tự truyện Mỗi phút mỗi giây tựa một ngày trời, nơi bãi biển Rockaways lạnh cóng với đàn cá heo khổng lồ. Ngày thường không ai có thể bắt gặp những con cá heo như thế này dọc bãi biển Rockaways vì rất nhiều tàu thuyền, phà, mô tô nước hay người bơi, vận động viên lướt sóng… khiến chúng sợ hãi. Có phải giờ đây biển không còn một bóng người, đàn cá heo tha hồ tung tăng? Không. Bác sĩ Meyer “cứ mặc nguyên cả quần áo như vậy mà chạy xuống nước”, “một hành động thật điên rồ, nhưng nó rất tuyệt”. Bởi có lần như ông nói, chỉ cần chúng ta không đứng lại, mọi chuyện sẽ tiến lên phía trước. “Khi tôi rùng mình, tôi có cảm giác mẹ đang ở bên, và bà đang nói chuyện với tôi. Và đột nhiên tôi biết: Mọi chuyện sẽ ổn thôi”.

Đột nhiên, tôi nhớ câu rủa “Ông điên à” của bà vợ ông Cử ngày nào mưa gió tơi bời, nhìn ra ngoài vườn, thêm một bầy nắng lên.

Bài: Phạm Nguyên Tường
Ảnh: N. Tường - Tư liệu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/bay-nang-a122613.html