Đội mưa, ngủ rừng vẽ hướng tuyến cao tốc

Dưới bàn tay, khối óc của những kỹ sư tư vấn khảo sát thiết kế, hướng tuyến dự án cao tốc được nghiên cứu định hình với bao vất vả, gian khó.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được những vất vả, gian khó mà họ đã phải đối mặt.

Căng sức bám núi rừng

3 giờ chiều, núi rừng Trường Sơn ở Gio Linh (Quảng Trị) tối sập bởi cơn mây đen bao phủ. Anh Đỗ Như Tùng, tổ trưởng tổ khảo sát địa hình (Công ty CP Tư vấn Trường Sơn) tập trung cao độ, dõi mắt vào máy chuyên dụng ATkey, cẩn trọng cập nhật từng dữ liệu.

Đội khoan địa chất Công ty CP Tư vấn Trường Sơn trong chuyến khảo sát địa hình, địa chất dự án Vạn Ninh - Cam Lộ tháng 3/2022

Đội khoan địa chất Công ty CP Tư vấn Trường Sơn trong chuyến khảo sát địa hình, địa chất dự án Vạn Ninh - Cam Lộ tháng 3/2022

Phía xa, 3 cán bộ khác đang cắm các cột mốc, thu phát dữ liệu về trạm phát trên máy của anh Tùng. Thiết bị nhập khẩu từ Thụy Sỹ này có giá gần nửa tỷ đồng, được tổ sử dụng thành thạo.

“Cũng may ở đây còn có sóng điện thoại, kết nối dữ liệu có thể kéo dài cả chục km. Nếu không anh em dùng sóng radio, khoảng cách kết nối chỉ chừng 1 - 2km. Thêm nhiều công đoạn, vất vả, mất thời gian hơn”, anh Tùng chia sẻ.

Đó chỉ là một trong chuỗi ngày dài đầu năm 2022, khi các thành viên mũi khảo sát địa hình của Công ty CP Tư vấn Trường Sơn bám núi rừng, miệt mài cho những công đoạn đầu tiên để có thể đo vẽ hình hài tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua khu vực Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

Chỉ riêng đoạn tuyến 12km do Công ty Trường Sơn đảm trách, có 2 tổ khảo sát địa hình, 2 tổ khoan địa chất, 1 tổ cầu được huy động.

Gạt nước mưa lã chã trên mặt, anh Nguyễn Văn Tước, tổ trưởng khoan địa chất cho hay, tổ có 4 người, ngoài việc sử dụng công nghệ, các phần mềm đo đạc, việc mục sở thị, “trăm thấy không bằng một sờ, khoan đo” là yêu cầu tiên quyết với công tác thiết kế dự án.

“Cũng may hướng tuyến đoạn này chạy song song đường, cách đường Hồ Chí Minh khoảng 300m về phía Tây nên chưa hẳn là “rừng sâu núi thẳm”, có thể thuê nhà dân để ở mà không phải dựng lán trại”, anh Tước nói.

Gần 25 năm gắn bó với nghề tư vấn sau khi tốt nghiệp ngành mỏ địa chất, anh Nguyễn Duy Hiến, cán bộ thâm niên của Trường Sơn rành rõi kể tên từng dự án. Đảm nhận nhiệm vụ khảo sát địa chất dự án Vạn Ninh - Cam Lộ của Công ty Trường Sơn, anh trực tiếp cùng các tổ khoan bám từng mét trên công trường.

Dưới trời mưa tầm tã, sau tiếng hò dô, 5 công nhân, kỹ sư kê vai, vác máy khoan chuyên dụng nặng cả tấn để di chuyển đến vị trí mới. Từng ngón chân bấu chặt xuống đường mòn trơn trượt. Trước sức nặng quá lớn, cứ vài ba chục mét, mọi người lại phải tạm nghỉ trước khi di chuyển tiếp.

Anh Hiến kể, cứ 1km đường làm một mũi khoan, cầu thì 2 - 6 lỗ theo quy định. Khoan đã cực, nhưng di chuyển thiết bị mới khiến mọi người dễ kiệt sức.

Sợ nhất là những đoạn hiểm trở, qua sông suối, đồi vực. “Có khi cả tuần trời anh em mới có thể tiếp cận được vị trí khoan mới. Giữa núi rừng, mọi người tự mang theo lương thực, ăn ngủ ngay trong rừng, không hề có sóng liên lạc”, anh Hiến kể.

Hiểm nguy thường trực

Vén lớp áo để lộ vết thương cũ ở vai, ông Vũ Xuân Hương (công nhân tổ khoan) kể, bản thân đã có 20 năm gắn bó với nghề vận chuyển máy khoan đi khảo sát địa chất. Vết thương là chứng tích lần tháp khoan chặt vào vai khi thực hiện dự án ở Mường Tè, tỉnh Lai Châu hơn chục năm trước.

Giữa núi rừng, tiếng cười nói của tổ khoan thêm vang vọng. Anh Hiến kể: “Mọi người chắc không biết tại sao có cầu Khe Nấm ở Quảng Bình. Bởi hồi đó khi đưa máy khoan vào khảo sát, cả tổ ăn ngay phải nấm độc, may mà cấp cứu kịp. Từ đó, cầu được gọi Khe Nấm”.

Theo anh Hiến, ám ảnh nhất là là thời điểm năm 2000 - 2002 khi triển khai dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Khe Gát - U Bò qua tỉnh Quảng Bình, đoạn A Đớt - A Tép, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế)…

Khi đó tổ khoan bám rừng cả tháng, không có sóng điện thoại. Sau trận mưa kéo dài, cả tổ đang nằm nghỉ ở lán tạm, bất ngờ nghe tiếng động lớn. Mọi người bất giác chạy ra ngoài, cũng là lúc gốc cây kèm theo đất đá sạt trôi cuốn phăng lán.

“Hồi làm dự án ở Lai Châu năm 2014, một người không may bị đau bệnh nhưng giữa núi rừng không cấp cứu kịp thời nên tử vong… Còn chuyện những anh em có người thân mất mà không biết nên không về là chuyện thường, vì nhiều khi ở rừng không thể thông tin liên lạc”, giọng anh Hiến bùi ngùi.

Đầu tư công nghệ, tăng tiến độ

Bật điện thoại, mở phần mềm Google map và các ứng dụng chuyên dụng trước mắt PV, anh Nguyễn Hồng Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn Trường Sơn cho hay, các tổ khảo sát, đo đạc phải trực tiếp xuống từng gốc cây, con suối, núi rừng… để cập nhật thông tin chi tiết nhất. Hầu hết cao tốc đều xa khu dân cư nên việc bám rừng, ngủ lán trại là chuyện như cơm bữa.

Anh Trung cho biết, mục tiêu đến tháng 10/2022, công tác thiết kế tư vấn kỹ thuật dự án Vạn Ninh - Cam Lộ phải hoàn thành để đẩy tiến độ các bước khởi công, thi công thực địa. “Tất cả các bước được tập trung triển khai rốt ráo, qua đó rút ngắn tối đa công tác thiết kế so với các dự án trước đây”, anh Trung nói.

Tốt nghiệp kỹ sư cầu và thạc sĩ công trình giao thông (năm 2008), vị lãnh đạo đeo quân hàm Trung tá của Công ty Trường Sơn gắn bó với nghiệp tư vấn dần trưởng thành.

Hai năm sau cổ phần hóa, Tư vấn Trường Sơn phát huy truyền thống, tập trung đầu tư hàng loạt thiết bị chuyên dụng khảo sát khảo sát địa hình, lập trình phần mềm riêng cập nhật dữ liệu đo đạc, khảo sát hiện trường.

Anh Trung bộc bạch, dù đầu tư thiết bị nhưng tài sản chính của tư vấn là con người. Đặc thù công tác khảo sát địa hình, địa chất, tính toán, lập bản vẽ chi tiết... chỉ thích hợp với những ai cần cù, chịu khó, có tính cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác. Bên cạnh đó, kỹ sư tư vấn đòi hỏi trí sáng tạo, am tường từ kiến thức nhiều lĩnh vực…

Chỉ tay trên viền đỏ hướng tuyến dự án Vạn Ninh - Cam Lộ trên bản đồ thiết kế, Trung tá Trung chia sẻ: “Nhìn đơn giản vậy nhưng đó là cả tâm huyết, trí lực của đội ngũ tư vấn kỹ thuật.

Như đoạn tuyến qua khu vực nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, ban đầu tuyến chạy song song về phía QL1A, nhưng khi khảo sát thực tế, đơn vị nhận thấy sau này cao tốc sẽ làm rào chắn, chặn tuyến đường hiện hữu lên nghĩa trang. Vì thế, tuyến được hướng về phía Tây, đảm bảo hướng tuyến thẳng, hạn chế cầu cống”.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay, đã và đang phối hợp địa phương, đơn vị chức năng, tư vấn để đẩy nhanh các bước triển khai dự án. Đặc biệt công tác thiết kế được tập trung tối đa, rút ngắn tiến độ.

Sau 3 đợt triển khai, đến ngày 9/8, toàn bộ cọc mốc dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đã được bàn giao cho địa phương.

Riêng đoạn tuyến do Tư vấn Trường Sơn thực hiện, công tác khảo sát địa hình, khảo sát địa chất đã hoàn thành tháng 3/2022; công tác cắm cọc GPMB hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra.

Dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Tổng mức đầu tư của Dự án thành phần là 9.919,78 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước.

Theo kế hoạch được phê duyệt, quý III/2022 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu đối với 5 gói thầu tư vấn và 1 gói thầu phi tư vấn.

Dự án có tổng chiều dài 65,7km, điểm đầu tại xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), điểm cuối tại xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

Xuân Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doi-mua-ngu-rung-ve-huong-tuyen-cao-toc-d563974.html