Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp

Để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo chỗ đứng cho sản phẩm nông nghiệp trên thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân phải đổi mới tư duy, nhận thức trong các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Được thành lập năm 2019, Hợp tác xã Thịnh Phong, xã Bản Lầu (Mường Khương) có 14 xã viên, quy mô sản xuất hơn 20 ha dứa. Khi mới thành lập, hợp tác xã xây dựng biện pháp hỗ trợ xã viên từ phân bón, giống, thuê chuyên gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, các hộ xã viên yên tâm sản xuất.

Là người gắn bó với cây dứa hơn 10 năm, bà Lục Thị Phương, xã Bản Lầu tâm sự: Trước đây, người trồng dứa nơm nớp lo mỗi vụ dứa chín, bởi đầu ra thiếu ổn định, giá bán bấp bênh do phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Từ khi tham gia hợp tác xã, chúng tôi yên tâm vì giá bán ổn định, toàn bộ sản phẩm được hợp tác xã bao tiêu.

Để tạo sự liên kết giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và nông dân, việc thành lập hợp tác xã được xem là giải pháp hiệu quả, bởi thông qua hình thức này người dân được đảm bảo lợi ích, có cơ sở pháp lý khi thực hiện liên kết. Đồng thời, vị thế của người dân cũng được khẳng định trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa trên thị trường. Hiện trên địa bàn tỉnh duy trì hơn 180 hợp tác xã nông nghiệp, nhiều hợp tác xã đã phát huy vai trò trong sản xuất hàng hóa.

Thực tế hiện nay, những chủ thể tham gia lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được “trẻ hóa” cả về độ tuổi và tư duy. Họ không còn tư tưởng thụ động, tâm lý e ngại, mà năng động, nhạy bén, tích cực tiếp thu cái mới, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Sự đổi mới trong tư duy sản xuất nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, mà còn chú trọng chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm để chinh phục khách hàng cả nước và xuất khẩu.

Điển hình như cây quế, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 57.000 ha. Trước đây người dân trồng tự phát, từ khi chuyển sang sản xuất theo quy trình hữu cơ, hầu hết các sản phẩm từ quế được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... với giá trị gia tăng trên 1 ha canh tác cao hơn 1,5 - 2 lần so với sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường.

Là địa phương có diện tích quế hữu cơ lớn nhất tỉnh với 2.200 ha, huyện Bắc Hà đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất hữu cơ.

Từ sự đổi mới trong tư duy và cách làm của những chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã đã thành lập và phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để tạo sự đồng bộ trong suy nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở tất cả các địa phương không phải việc dễ dàng và cần nhiều thời gian.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hài hòa giữa số lượng và chất lượng, tăng giá trị sản phẩm. Ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn vùng nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với thực tế và định hướng phát triển của ngành nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/doi-moi-tu-duy-san-xuat-nong-nghiep-post371589.html