Đổi mới, sáng tạo từ tấm lòng vì học sinh

'Mọi hoạt động của Nhà trường đều vì học sinh. Sự tiến bộ của học sinh là thành quả lao động của mỗi thầy, cô giáo và tập thể Nhà trường'. Quan điểm đó được Trường THPT Phú Lương cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động giáo dục và Trường đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua lao động sáng tạo của ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên.

Giờ ôn tập kiến thức Khoa học tự nhiên theo phân ban phù hợp với nhu cầu học sinh lớp 12 của Trường THPT Phú Lương.

Giờ ôn tập kiến thức Khoa học tự nhiên theo phân ban phù hợp với nhu cầu học sinh lớp 12 của Trường THPT Phú Lương.

Vun đắp tình cảm trường là nhà

Những ngày cuối chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, khi toàn bộ học sinh đã vào kỳ nghỉ hè, học sinh lớp 12 đang dồn toàn tâm trí ôn thi, Trường THPT Phú Lương đã chủ động mở cửa đón học sinh vào ôn tập miễn phí. Thầy Hiệu trưởng Hà Quang Đỉnh chia sẻ: “Học sinh miền núi, gia đình nhiều em còn khó khăn lại ở xa Trường nên chúng tôi tạo điều kiện hết sức cho các em ôn tập. Nhiều giáo viên dù được nghỉ hè nhưng sẵn sàng tự nguyện đăng ký đến luyện thi cho các em”.

Mỗi lớp học chỉ được bố trí không quá 20 em nên phải tách từ 15 lớp lên 30 lớp, tổ chức thành 2 ca chính (sáng, chiều) và một số phải thực hiện dạy học trực tuyến từ 8h- 10h tối. Theo kế hoạch, Trường cần huy động 15 giáo viên cốt cán hỗ trợ các em ôn tập miễn phí trong gần 2 tháng, nhưng đã có hàng chục thầy, cô giáo tình nguyện hỗ trợ các lớp ôn tập, tăng thêm từ 2-3 tiết học cho mỗi môn theo các định dạng đề thi liên môn.

Toàn bộ các phòng học, phòng chờ, phòng họp của giáo viên sau giờ lên lớp được linh hoạt bố trí thành nơi nghỉ trưa cho học sinh, giáo viên xa nhà tạm nghỉ. Vào dịp tổ chức các kỳ thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp, Trường phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương tổ chức nấu ăn và hỗ trợ hàng nghìn lượt suất ăn miễn phí cho thí sinh.

Trong suốt năm học, Nhà trường cũng chủ động dành từ 4-5 phòng học, phòng họp và nhà công vụ của giáo viên cho học sinh tạm nghỉ trưa vì nhà xa. Chính từ cách tổ chức này, nhiều học sinh đã có thêm cơ hội ôn tập chủ động nâng cao kiến thức và trực tiếp được giáo viên hướng dẫn ôn tập ngay sau giờ học chính khóa.

Cô Mai Thùy Linh, Bí thư Đoàn trường chia sẻ: “Học sinh ở lại Trường, đầu giờ chiều các em chủ động học ôn, học theo nhóm và tham gia học STEM. Giáo viên hầu như lúc nào cũng ở Trường, các em có thể trực tiếp hỏi thầy, cô về bài tập hoặc được hướng dẫn tham gia các hoạt động trải nghiệm STEM liên môn. Chính vì vậy, học đến đâu là các em nhớ đến đó, không tạo áp lực học thuộc lòng mà chỉ cần hiểu, nắm được vấn đề... Cách tổ chức này tạo nên sự gần gũi giữa học sinh với giáo viên, các em tự tin, thân thiện và sẵn sàng chia sẻ các vấn đề trong học tập, cũng như trong cuộc sống”.

Vận dụng thực tế để đổi mới

Kỳ thi tốt nghiệp năm nào với các nhà trường THPT cũng chất chứa nhiều cảm xúc. Cô Nguyễn Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng là người gắn bó hơn hai chục năm tại Trường THPT Phú Lương tâm sự: “Tuyển sinh lớp 10, Trường chỉ đứng ở nửa cuối trong số 31 trường THPT toàn tỉnh, sau 3 năm học, các em bước vào thi theo đề quốc gia như tất cả các trường tốp trên. Nhưng rất mừng là năm nào tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của Trường cũng đạt từ 95% đến trên 98%. Những kết quả đó là từ tinh thần trách nhiệm, tình cảm, sự kiên trì vun đắp xây dựng Trường học thân thiện của tập thể giáo viên suốt những năm qua. Nhà trường sau tiếng trống tan học không chỉ là cơ quan nhà nước mà phải là môi trường học tập cộng đồng thì mới thực sự là mái ấm, chỗ dựa cho học sinh”.

Nhớ lại 5 năm trước, khi mới thực hiện chương trình đổi mới dạy học theo phương pháp giáo dục STEM. Cô Hòa chia sẻ thêm: “Việc tạo ra các mô hình (chiếc cọn nước, trồng giá đỗ, làm sữa chua, bánh bao, pin năng lượng...) như thế nào để giáo dục trực quan cho học sinh hiệu quả khiến tôi khá trăn trở. Dù hai lần nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích thi đua lao động sáng tạo, nhưng bản thân tôi chưa “vui” vì đó chỉ là thành tích cá nhân. Mình đi đầu mà không kéo được phong trào tập thể đi lên thì cũng chỉ như một giọng ca trong dàn đồng ca mà thôi!”.

Từ trăn trở đó, liên tục trong các năm học 2019-2020 đến nay, tại những buổi học ngoại khóa, cô Hòa cùng đồng nghiệp chủ động xây dựng tích hợp liên môn và trải nghiệm STEM bằng các kiến thức khoa học cho từng môn, từng khối lớp học. Các “sản phẩm” dạy học STEM của cô Hòa và các đồng nghiệp cho thấy những vấn đề mới, thiết thực của cuộc sống đang hiện hữu ngay trong từng bài học, trong các giờ ôn thi, như: Tính lãi xuất ngân hàng từ các kiến thức toán, Lịch sử, Khoa học xã hội hành vi; làm sữa chua hoa quả bằng công nghệ Sinh Hóa, Vật lý; luận giải vấn đề xã hội từ kiến thức liên môn Lịch sử, Văn học, Địa lý... Trên 100 sản phẩm học liệu kiến thức liên môn đã được Nhà trường lưu trữ điện tử trong hệ thống học liệu của các tổ bộ môn.

Sự kiên trì trong hoạt động đổi mới, sáng tạo những năm qua đã tạo tiền đề bổ trợ cho các hoạt động ôn tập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm của Trường. Đó là việc phân loại, nhận biết và tình huống xử lý các câu hỏi trắc nghiệm; xây dựng kiến thức liên môn xử lý các bài thi tự luận; kỹ năng tư duy, áp dụng khoa học tự nhiên để xử lý tình huống , vấn đề xã hội... Những bài học STEM của Trường đã thực sự trở thành “liều thuốc” bổ trợ đắc lực cho phương pháp ôn tập và kỹ năng làm bài thi của học sinh.

Trần Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/giao-duc/doi-moi-sang-tao-tu-tam-long-vi-hoc-sinh-288073-100.html