Đổi mới sáng tạo của Steve Jobs, Bill Gates và Elon Musk

Hoàn toàn khác với sáng chế, ba doanh nhân có những đổi mới sáng tạo công nghệ; đem lại sản phẩm, quy trình, dịch vụ tốt hơn những thứ đã có.

Sự đổi mới sáng tạo (innovation) luôn được định nghĩa hoàn toàn khác với sáng chế (invention). Nó thường được hiểu là “đưa ra một cái gì đó mới; một ý tưởng mới, phương pháp hoặc thiết bị; một sự mới lạ".

Theo định nghĩa hiện đại hơn và được chỉnh sửa, đổi mới sáng tạo là “việc tạo ra các sản phẩm, quy trình, dịch vụ, công nghệ hoặc ý tưởng tốt hơn hoặc có hiệu quả hơn những thứ đã sẵn có đối với thị trường, chính phủ và xã hội".

Định nghĩa về đổi mới sáng tạo ngày nay đã thay đổi để phản ánh sự khác biệt của nó so với sự cải tiến, rằng sự đổi mới sáng tạo muốn nói đến khái niệm “làm cái gì đó mới khác lạ” hơn là “làm cùng một thứ một cách tốt hơn".

Câu hỏi “đổi mới sáng tạo có đang tiếp tục diễn ra hay không” được tranh luận nảy lửa trong các nhóm ở Thung lũng Silicon. Có những người, như nhà đầu tư mạo hiểm siêu hạng Peter Thiel và doanh nhân khởi nghiệp hàng loạt Max Levchin, lập luận rằng Mỹ, quốc gia giữ vị thế như một ngọn hải đăng của đổi mới sáng tạo, đang ở đâu đó giữa “tình cảnh túng quẫn và tiêu vong” (dire straits and dead).

Cũng có những người như Peter Diamandis và Ray Kurzweil, tin rằng Điểm kỳ dị (Singularity) đang đến gần, và định nghĩa hiện đại của chúng ta về đổi mới sáng tạo chỉ mới bắt đầu. Những người khác lại đặt câu hỏi rộng hơn: Chúng ta thực sự cần bao nhiêu đổi mới sáng tạo?

 Từ trái qua: Steve Jobs, Bill Gates, Elon Musk. Ảnh: CNBC.

Từ trái qua: Steve Jobs, Bill Gates, Elon Musk. Ảnh: CNBC.

Nói cho cùng, Elon Musk không làm ra thứ gì về bản chất có tính sáng tạo. Ôtô điện được sản xuất năm 1996 khi General Motors (GM) chuẩn bị bán EV1. Thế hệ ôtô điện thứ hai này có thể di chuyển từ 80 đến 140 dặm trước khi cần sạc lại (mặc dù có những suy đoán về những gì thực sự đã xảy ra, hầu hết mọi người tin rằng GM đã tự hủy xe ôtô điện này để tránh tổn thất tiềm ẩn trong việc bán phụ tùng và đã nhượng bộ trước áp lực từ ngành công nghiệp dầu mỏ).

Musk nhận ra rằng có một thị trường ôtô điện chưa được đáp ứng tốt, với những người tiêu dùng có ý thức về môi trường nhưng không muốn bị bắt gặp đang lái chiếc Toyota Prius thiếu hấp dẫn. Vậy câu hỏi vẫn là: Liệu Musk có thực sự phát minh ra cái gì đó mới hay đơn giản chỉ là đổi mới những gì đã có?

Tôi nghĩ, sẽ ít người phản đối nếu có ý kiến cho rằng Steve Jobs và Bill Gates là những nhà đổi mới sáng tạo hàng đầu của thời đại chúng ta. Nhưng nếu bạn muốn chẻ sợi tóc làm tư, không ai trong hai người này thực sự sáng chế ra những sản phẩm mà họ đã bán ra ban đầu để xứng danh là những thần tượng doanh nhân sáng tạo.

Máy tính thế hệ thứ tư của Steve Jobs và Steve Wozniack - Apple Lisa - chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chuyến thăm ba ngày đến trung tâm nghiên cứu Xerox PARC, Palo Alto.

Jobs tin tưởng rằng tương lai của máy tính sẽ là giao diện đồ họa người dùng (graphical user interface - GUI) của nó, và muốn xem những gì các kỹ sư của Xerox PARC đã thực hiện với công nghệ GUI, mặc dù GUI đã được phát minh từ trước bởi Doug Engelbart, người vào thời điểm đó là một nhân viên của Viện Nghiên cứu Stanford.

Xerox đã cho phép Jobs, Jef Raskin (người nổi tiếng nhờ việc khởi đầu dự án máy tính Macintosh) và các kỹ sư của Apple tiếp cận với giao diện đồ họa người dùng của họ để đổi lấy cơ hội mua 100 nghìn cổ phiếu của Apple với giá trước IPO là 10 USD Mỹ mỗi cổ phiếu.

Kết quả là Jobs và các nhân viên của ông có thể tái tạo, cải tiến và, vào năm 1984, đã sản xuất đại trà và thương mại hóa thành công những gì Engelbart đã phát minh và các kỹ sư của Xerox PARC đã đổi mới sáng tạo.

Bill Gates và Paul Allen, mặt khác, đã cấp phép lần đầu tiên cho Unix, một hệ điều hành máy tính đa nhiệm nhưng đặt tên cho nó lúc đầu là Xenix, được Microsoft cấp phép từ AT&T năm 1979. Họ không bán Xenix ra thị trường cho người tiêu dùng nhưng họ cấp phép sử dụng nó cho các công ty phần mềm khác như Intel, Tandy, và Santa Cruz Operation (SCO).

Năm 1981, Microsoft mua bản sao CP/M (Control Program/ Monitor) với tên gọi 86-DOS từ Seattle Computer Products (SCP) với giá 50.000 USD. Microsoft cho nó cái nhãn mới MS-DOS và làm việc với IBM để đạt được các tiêu chuẩn CP/M mà IBM muốn có. Microsoft sau đó đã cấp phép 86-DOS cho IBM, và nó đã trở thành PC DOS 1.0, nhưng giấy phép cũng cho phép Microsoft cấp phép nó cho các công ty khác trong quá trình này.

Việc mua lại này hóa ra lại là một vận may bất ngờ, đến mức SCP đã đưa Microsoft ra tòa và tuyên bố rằng “Microsoft đã giấu giếm mối quan hệ với IBM để mua hệ điều hành với giá rẻ”. SCP nhận được một triệu USD bồi thường cho tổn thất của họ. Những quyết định kinh doanh khôn ngoan này đã giúp củng cố sự thống trị ban đầu của Microsoft trên thị trường.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng, những việc họ làm đã thay đổi đáng kể hướng đi của thế giới thông qua những đổi mới sáng tạo công nghệ mà họ bán ra thị trường để sử dụng với cả mục đích công nghiệp lẫn dân dụng.

Deborah Perry Piscione / NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doi-moi-sang-tao-cua-steve-jobs-bill-gates-va-elon-musk-post1313315.html