Đổi mới mục tiêu phát triển các tiểu vùng

Trong Đồ án quy hoạch vùng Đông Nam bộ (ĐNB) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được thông qua vào giữa tháng 12-2023, phương án phân chia các tiểu vùng của vùng ĐNB vẫn được giữ nguyên theo quy hoạch cũ. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển đã có sự đổi mới để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh mới.

TP.Biên Hòa là đô thị thuộc Tiểu vùng trung tâm của vùng Đông Nam bộ. Ảnh: P.Tùng

Theo đó, vùng ĐNB sẽ tiếp tục phát triển theo 3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng trung tâm; Tiểu vùng ven biển và Tiểu vùng phía Bắc.

* Chưa có sự thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế

Trong 3 tiểu vùng của vùng ĐNB, Tiểu vùng trung tâm gồm: TP.HCM, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương (gồm các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên; TX.Bến Cát và H.Bắc Tân Uyên) và Tây Nam tỉnh Đồng Nai (gồm các thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, một phần H.Vĩnh Cửu) là vùng có quy mô dân số lớn nhất, chiếm gần 77% dân số so với toàn vùng.

Năm 2022, Tiểu vùng trung tâm có GRDP chiếm gần 80% của toàn vùng ĐNB. Trong đó, cơ cấu kinh tế của Tiểu vùng trung tâm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng rất thấp, chỉ khoảng 1,8%; còn lại chủ yếu là công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Tuy nhiên, theo Bộ KH-ĐT, nhìn chung cơ cấu kinh tế của Tiểu vùng trung tâm không có sự thay đổi lớn, so với năm 2010, tỉ trọng khu vực dịch vụ tăng thêm 1,5 điểm %; tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng thêm 0,7%.

Quy hoạch vùng ĐNB giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng xác định các khu vực khuyến khích phát triển của vùng gồm: vùng động lực TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu (vùng động lực quốc gia); các khu kinh tế, khu thương mại tự do, khu vực phát triển đặc thù.

Trong khi đó, Tiểu vùng ven biển gồm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và H.Cần Giờ của TP.HCM là tiểu vùng có quy mô nhỏ nhất về diện tích và dân số, nhưng là tiểu vùng phát triển của ngành dầu khí và các loại hình kinh tế biển khác của vùng. Năm 2022, GRDP/người của tiểu vùng ven biển đạt hơn 312 triệu đồng, cao nhất trong 3 tiểu vùng. Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, đây là tiểu vùng có số lượng khu công nghiệp (KCN) thấp nhất trong số 3 tiểu vùng của vùng ĐNB.

Đối với Tiểu vùng phía Bắc gồm 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của các tỉnh Đồng Nai (các huyện: Tân Phú, Định Quán và một phần H.Vĩnh Cửu), Bình Dương (các huyện: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo) là địa bàn phát triển nông nghiệp của toàn vùng. Đến hết năm 2020, Tiểu vùng phía Bắc có 25 KCN nhưng tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt 43%, thấp nhất trong số 3 tiểu vùng. Các ngành dịch vụ trong tiểu vùng nhìn chung chưa thực sự phát triển. Về du lịch, hiện tập trung phát triển tại khu vực núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh).

* Đổi mới mô hình phát triển

Tại hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng Điều phối vùng ĐNB với chủ đề tham vấn Quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức vào cuối tháng 11-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.

Do vậy, trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và cả những khó khăn, thách thức của vùng.

Với tiềm năng rất đặc biệt về con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa, vùng có đủ điều kiện để trở thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của cả nước.

Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị liên quan đã hoàn thiện Đồ án quy hoạch vùng ĐNB với mục tiêu đổi mới cơ cấu kinh tế vùng, khai thác tối đa lợi thế khác biệt; phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch... Trong đó có mục tiêu đổi mới mô hình phát triển các tiểu vùng.

Đối với Tiểu vùng trung tâm, mục tiêu đặt ra là tiếp tục phát huy thế mạnh của tiểu vùng về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu và dịch vụ chất lượng cao. Tập trung vào các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Nâng cao chất lượng phát triển các ngành công nghiệp then chốt, ưu tiên các ngành và sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động. Xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo; chuyển đổi, phát triển các KCN, khu chế xuất theo hướng công nghệ cao; phát triển kinh tế trí thức, sáng tạo, kinh tế số…

Đặc biệt, quy hoạch cũng nhấn mạnh việc xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Phát triển thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành, khai thác tối đa lợi thế từ cảng hàng không để phát triển dịch vụ logistics, công nghiệp, đô thị.

Đối với Tiểu vùng ven biển, quy hoạch định hướng chung là phát triển khu vực này trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á với các ngành, lĩnh vực ưu tiên: dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển.

Khai thác vai trò hệ thống cảng đặc biệt quốc gia, phát triển và hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phân chia chức năng hợp lý, bổ trợ phát triển giữa cảng Cần Giờ và Cái Mép - Thị Vải.

Với Tiểu vùng phía Bắc, vốn là trung tâm phát triển nông nghiệp của vùng, được định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, phát triển công nghiệp (tiếp nhận dịch chuyển công nghiệp từ Tiểu vùng trung tâm), trồng cây công nghiệp.

Đối với ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hình thành vùng sản xuất tập trung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn cho những sản phẩm nông nghiệp trọng điểm có lợi thế cạnh tranh, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202401/doi-moi-muc-tieu-phat-trien-cac-tieu-vung-73152a2/