Đổi mới mô hình tăng trưởng – Thu hút DDI vượt chỉ tiêu

Chịu tác động kép bất lợi từ bên ngoài và nội tại, song, với quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt và vượt một số chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trong đó, chỉ tiêu về thu hút vốn DDI (đầu tư trong nước) vượt 2,3 lần so với mục tiêu của Nghị quyết.

Công ty cổ phần BT Đông Dương (Yên Lạc) với 100% vốn đầu tư trong nước, tạo việc làm cho 60 lao động, thu nhập khoảng 8 – 10 triệu đồng/tháng.

Công ty cổ phần BT Đông Dương (Yên Lạc) với 100% vốn đầu tư trong nước, tạo việc làm cho 60 lao động, thu nhập khoảng 8 – 10 triệu đồng/tháng.

Với 100% vốn đầu tư trong nước, năm 2012, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Phương Bắc, thành phố Phúc Yên được thành lập - chuyên sản xuất và lắp đặt đồ gỗ nội thất; sơn nội ngoại thất; thẩm tra, giám sát công trình xây dựng.

Ngay từ những ngày đầu hoạt động, công ty đã xác định phương châm "Lấy chất lượng tạo thương hiệu, lấy uy tín để thành công"; trong quá trình phát triển, công ty luôn đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, máy móc hiện đại, đào tạo đội ngũ nhân lực có tay nghề, trách nhiệm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm của các khách hàng.

Đến nay, sau gần 11 năm hoạt động, công ty đã phát triển cả về quy mô và số lượng, tạo việc làm cho gần 100 lao động trong và ngoài tỉnh với thu nhập trung bình gần 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Đào, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Phương Bắc cho biết: DN đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương trong công tác hành chính, tiếp cận vốn vay, mặt bằng sản xuất.

Đó là những yếu tố quan trọng để công ty có thể vượt qua bão dịch Covid-19, phát triển SXKD bền vững. Hiện nay, ngoài trụ sở chính tại phường Nam Viêm, công ty còn có cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm tại phường Phúc Thắng với quy mô hàng nghìn m2.

Nếu như năm 2009 còn là 1 xí nghiệp nhỏ với gần chục lao động thì đến nay, Công ty cổ phần BT Đông Dương chi nhánh Vĩnh Phúc (đóng trên địa bàn huyện Yên Lạc) đã xây dựng nhà máy với quy mô trên 1,3 ha với tổng đầu tư trên 20 tỷ đồng.

Công ty đang tạo việc làm cho hơn 60 lao động, thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng, doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm. Những ngày này, công ty vẫn đang tích cực tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với phương châm: “Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, dịch vụ du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”, giai đoạn 2021-2023, Vĩnh Phúc đã hoàn thiện chủ trương chấp thuận đầu tư/thành lập mới 7 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch 1.250 ha, vốn đăng ký mới là trên 9 nghìn tỷ đồng và trên 95 triệu USD.

Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại được chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã phê duyệt mới và phê duyệt điều chỉnh 6 đồ án quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V; 6 quy hoạch phân khu đô thị, 1 đồ án quy hoạch phân khu chức năng; 51 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, một số dự án giao thông lớn, trọng điểm đã được triển khai, đầu tư với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh, với các tỉnh, thành phố, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.

Đến nay, toàn tỉnh có 19 KCN, quy mô hơn 4 nghìn ha; 16/32 cụm công nghiệp được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh, tổng diện tích gần 424 ha.

Tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị với các ngành chức năng, các DN để nắm bắt, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc cho DN.

Thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan liên quan, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, dự án trọng điểm. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng giúp các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận vốn vay thuận lợi, phục hồi SXKD.

Trong 3 năm (từ 2021 - 6/2023), tổng vốn đầu tư từ các dự án DDI đạt 45.200 tỷ đồng, vượt 2,3 lần so với mục tiêu Đại hội. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 14.970 DN đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đăng ký trên 193.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 70% DN thực tế hoạt động.

Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển - Một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, CCN thu hút đầu tư.

Thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2022-2026. Triển khai Nghị quyết về phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030.

Tổ chức triển khai quy chế quản lý cụm công nghiệp. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 và Chính sách đặc thù hỗ trợ DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Bài, ảnh: Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95095//doi-moi-mo-hinh-tang-truong-%E2%80%93-thu-hut-ddi-vuot-chi-tieu