Đổi mới mô hình kinh tế tập thể gắn với công nghệ 4.0

Đó là tinh thần của Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2022 với chủ đề Chuyển đổi số - động lực phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới (gọi tắt Nghị quyết 20).

Quang cảnh diễn đàn tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: MINH DUYÊN

Diễn đàn tổ chức ngày 23/9 tại Hà Nội, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX Lê Minh Khái chủ trì. Tham dự hội nghị còn có Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu.

Tại điểm cầu Phú Yên, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đặng Kim Ba, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT và các đại biểu dự diễn đàn.

Hiện cả nước có 28.237 HTX, 130.760 tổ hợp tác, 120 liên hiệp HTX. Trong 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh. Theo kết quả khảo sát, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Diễn đàn nhằm truyền tải thông điệp của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình KTTT. Trong đó, đổi mới gồm thay đổi tư duy nhận thức và hành động để thay đổi phương thức hoạt động, quản lý sự thay đổi gắn với chuyển đổi số để tạo ra những giá trị mới, chuyển đổi mô hình KTTT một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu và tăng nguồn lực cho sự phát triển. Thủ tướng cũng khẳng định: Phát triển khu vực KTTT luôn được Đảng, Nhà nước và các đối tác phát triển quan tâm, là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một trong những nguyên nhân khiến khu vực này chưa bắt kịp tốc độ phát triển là do chuyển đổi số còn chậm. Nếu không quyết liệt đổi mới gắn chuyển đổi số với mô hình KTTT, HTX thì mô hình kinh tế này sẽ tụt hậu và không thích ứng được với nền kinh tế hiện đại, kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số. Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm gồm thay đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế hợp tác, HTX phát triển nhanh và bền vững. Có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng KH-CN, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho khu vực KTTT; HTX với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ, phải chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Liên minh HTX các cấp phải vào cuộc sâu hơn, khảo sát và tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp cho các HTX, hướng dẫn các thủ tục để giúp các HTX tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Đối với Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 168 HTX, 2 liên hiệp HTX và 63 tổ hợp tác. Từ đầu năm đến nay, doanh thu bình quân một HTX đạt 1,3 tỉ đồng, lao động tại HTX có thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện Nghị quyết 20, UBND tỉnh đã tham mưu xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy Phú Yên. Trong đó, tập trung đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế này; tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp, từ đó phổ biến đến các HTX, người nông dân trong sản xuất kinh doanh.

UBND các tỉnh, thành phố xây dựng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, phù hợp, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số; lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương để thúc đẩy chuyển đổi số HTX và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) một cách hiệu quả nhất...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/286277/doi-moi-mo-hinh-kinh-te-tap-the-gan-voi-cong-nghe-4-0.html