Đổi mới hoạt động khuyến nông theo nhu cầu của nông dân

Thực hiện mục tiêu đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng bám sát thực tế, nhu cầu của nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu đã xây dựng các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Nông dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu trồng mận theo hướng hữu cơ.

Nông dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu trồng mận theo hướng hữu cơ.

Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu, cho biết: Qua khảo sát, nắm bắt thực tế, nhân dân còn thiếu kiến thức, chưa biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương chọn ra những mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và trình độ của nhân dân. Bước đầu làm thay đổi tư duy sản xuất của nhân dân và mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong đó phải kể đến mô hình trồng mít ruột đỏ tại xã Sặp Vạt; ngô sinh khối tại xã Tú Nang; cà gai leo, gà đen tại xã Chiềng On… Đồng thời, vận động nhân dân thử nghiệm một số giống cây trồng mới, như lê Tai Nung, dưa lưới, mận hậu, xoài theo hướng hữu cơ; nuôi vịt siêu trứng, thỏ sinh sản… Các mô hình thường xuyên có cán bộ theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo các loại cây trồng, vật nuôi phát triển tốt.

Trước đây, bà con xã vùng cao biên giới Chiềng On nuôi gà đen thả tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ. Tháng 8/2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai Dự án mô hình nuôi gà đen thương phẩm tại xã Chiềng On, quy mô 1.000 con, với 10 hộ có hoàn cảnh khó khăn của 2 bản Nà Dạ và Suối Cút tham gia. Các hộ được hỗ trợ giống, thức ăn, vắc xin phòng bệnh, kỹ thuật nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế độ thức ăn trong từng giai đoạn phát triển của đàn gà.

Gia đình anh Vì Văn Tiến ở bản Nà Dạ là 1 trong 10 hộ tham gia dự án, anh Tiến chia sẻ: Với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, tôi đã có thêm kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi. Vì vậy, đàn gà 100 con của gia đình phát triển tốt; tỷ lệ sống đạt 100%; sau 5-6 tháng trọng lượng bình quân từ 1,8-2 kg/con, giá bán từ 150-170 nghìn đồng/kg, thu nhập ổn định. Tôi sẽ nhân giống để phát triển mô hình.

Còn tại xã Chiềng Khoi, vụ lúa xuân vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu đã hướng dẫn nhân dân áp dụng kỹ thuật sản xuất thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn hẳn so với mọi năm. Chị Mè Thị Đanh, bản Mé, chia sẻ: Trước đây, tôi canh tác theo kinh nghiệm truyền thống. Năm nay, được tham gia lớp tập huấn khuyến nông và áp dụng kỹ thuật sản xuất thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI. Cấy thưa hơn, thuận lợi cho việc làm cỏ, chăm sóc và giúp lúa đẻ nhánh nhiều, bông lúa to, ít sâu bệnh, chi phí giảm. Với gần 2.000 m² ruộng cho thu hoạch hơn 1,5 tấn thóc, nhiều hơn 0,25 tấn so với mọi năm.

Cũng nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, 5 năm trở lại đây, nông dân xã Tú Nang đã tận dụng quỹ đất canh tác kém hiệu quả để trồng ngô sinh khối. Ông Sa Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Nếu trồng ngô lấy hạt, bà con chỉ thu hoạch được một vụ trong năm. Từ khi chuyển sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, chỉ sau 3 tháng cây ngô đã cho thu hoạch và có thể trồng 2 vụ/năm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ 10 ha hỗ trợ ban đầu, đến nay, toàn xã có trên 50 hộ tham gia trồng ngô sinh khối, với gần 150 ha và đều được Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu hợp đồng thu mua với giá 1.000-1.200 đồng/kg, giúp nhân dân có nguồn thu nhập ổn định.

Thu hút bà con nông dân tham gia, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự tin áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu tiếp tục tìm hiểu, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp nhu cầu của nhân dân; kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp gắn với thị trường, phù hợp với khả năng tiếp thu của nhân dân. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng mô hình với đào tạo cán bộ kỹ thuật; tổ chức tham quan, hội thảo đầu bờ để nhân dân tiếp cận, nắm vững, làm chủ kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất một cách chủ động, quy mô.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/doi-moi-hoat-dong-khuyen-nong-theo-nhu-cau-cua-nong-dan-cbgvJBr4g.html