Đổi mới dạy và học tiếng Anh để phát triển năng lực giao tiếp

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Việc dạy và học tiếng Anh có nhiều đổi mới nhằm rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết

Năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quan tâm chỉ đạo các nhà trường xây dựng và phát triển môi trường thực hành trong từng bài giảng của bộ môn tiếng Anh và tập trung khảo sát năng lực giáo viên ngoại ngữ. Trên cơ sở đó, ban giám hiệu các nhà trường bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp để nâng cao chất lượng môn học.

Cô và trò Trường THCS Phong Vân (Lục Ngạn) trong giờ học Tiếng Anh.

Cô và trò Trường THCS Phong Vân (Lục Ngạn) trong giờ học Tiếng Anh.

Cùng với tích cực đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp dạy, nhiều hoạt động bổ ích được lồng ghép trong bộ môn tiếng Anh như: Giao lưu đọc, viết tiếng Anh theo chủ đề tiết học giữa các khối lớp; trò chơi để phát huy khả năng nói, tự làm clip hội thoại tiếng Anh.

Hiện nay, 96% các trường trong toàn tỉnh đã được đầu tư trang bị cơ sở vật chất phục vụ học ngoại ngữ như ti vi, máy tính kết nối mạng.

Hiện nay 96% các trường trong toàn tỉnh đã được đầu tư trang bị cơ sở vật chất (ti vi, máy tính kết nối mạng) phục vụ học ngoại ngữ. Nhiều trường đã bố trí phòng học tiếng Anh riêng biệt có thể giảng dạy theo nhóm các kỹ năng khác nhau dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại.

Tại Trường THCS Tăng Tiến (Việt Yên), giờ học tiếng Anh luôn tạo hứng thú đối với học sinh. Các em thuyết trình theo chủ đề, đọc hiểu văn bản để trả lời câu hỏi, được học tại phòng tiếng Anh chuyên dụng với đầy đủ thiết bị hiện đại để tiếp cận với nhiều tài liệu trực tuyến, minh họa cho bài giảng sinh động để nâng cao các kỹ năng nghe, nói.

Thầy giáo Thân Văn Quý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các em đã tự tin, hào hứng hội thoại bằng tiếng Anh trong giờ học. Những năm học gần đây, Trường THCS Tăng Tiến (Việt Yên) liên tục nằm trong tốp dẫn đầu khối THCS trên địa bàn tỉnh về chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Nhà trường có 5 giáo viên bộ môn tiếng Anh đều đạt chuẩn năng lực theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu, trong đó cô giáo Hoàng Thị Kiều Trang là giáo viên giỏi cấp tỉnh nhiều năm.

Giảng dạy song ngữ rất hữu ích cho những em lựa chọn phương án tuyển sinh đại học theo tổ hợp A1 (Toán, Vật Lý, tiếng Anh) hoặc tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực do một số trường đại học tổ chức. Dạy tích hợp vào nhiều môn học khác giúp các em bổ sung vốn từ vựng, mở rộng kiến thức. Bởi vậy, một số nơi, việc tăng cường tiếng Anh cho học sinh còn được thực hiện thông qua những môn học, tiết học song ngữ như Trường THPT Yên Thế, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang), Trường THPT Chuyên Bắc Giang.

Một số trường mầm non cũng cho trẻ em làm quen với tiếng Anh. Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) tổ chức giờ học tiếng Anh cho trẻ từ 4 tuổi. Nhà trường kẻ vẽ hình ảnh minh họa sinh động cùng phần chữ song ngữ Việt - Anh ở tường, lối lên cầu thang, khuôn viên nhằm xây dựng môi trường học nói, học hát, vui chơi cho trẻ thực hành tiếng Anh.

Nhiều trường miền núi, vùng khó khăn cũng được trang bị phòng học đa phương tiện có đầy đủ hệ thống máy chiếu, tivi, cabin, Internet phục vụ hữu ích cho việc dạy và học tiếng Anh như Trường THCS Phong Vân (Lục Ngạn); Trường Tiểu học thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động).

Đổi mới kiểm tra, đánh giá

Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 trong toàn quốc từ năm học trước. Để giúp trẻ làm quen sớm hơn, ngành giáo dục Bắc Giang triển khai giảng dạy môn tiếng Anh (tự chọn) cho tất cả học sinh từ lớp 1, lớp 2. Từ năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT các huyện, TP xây dựng 1 trường tiểu học, 1 trường THCS điển hình về dạy và học ngoại ngữ.

Học sinh Trường Tiểu học Xuân Lương (Yên Thế) trong giờ tự học tiếng Anh.

Học sinh Trường Tiểu học Xuân Lương (Yên Thế) trong giờ tự học tiếng Anh.

Tại nhiều cuộc thi, học sinh Bắc Giang đã gặt hái được một số thành công, đánh dấu sự chuyển biến về chất lượng dạy và học tiếng Anh. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh năm 2023, tỉnh Bắc Giang có 5/8 học sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Mới đây, Sở GD&ĐT phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục Educa Corporation (Hà Nội) tổ chức vòng thi đặc biệt cuộc thi “Vì một Bắc Giang giỏi Tiếng Anh” năm 2023. Vượt lên hàng nghìn học sinh, em Trần Hoàng Hà Linh, lớp 5A6, Trường Tiểu học thị trấn Vôi số 1 (Lạng Giang) được trao giải Đặc biệt.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, theo đánh giá của Sở GD&ĐT, chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh không đồng đều giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Những năm học gần đây, Bắc Giang có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tốp 15 nhưng điểm thi môn tiếng Anh đứng ở mức thấp so với toàn quốc, vẫn có bài thi đạt điểm dưới 1. Nguyên nhân do phương pháp giảng dạy của một bộ phận giáo viên còn chưa cập được với yêu cầu phát triển kỹ năng của người học. Nhiều giáo viên vẫn sử dụng tiếng Việt trong các giờ giảng tiếng Anh.

Môi trường thực hành giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài còn hạn chế. Cô giáo Vũ Thị Bảy, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Việt Yên số 1 nói: “Sĩ số mỗi lớp đông, trong tiết học 45 phút, giáo viên không đủ thời gian để sửa lỗi phát âm, luyện kỹ năng nói, hội thoại cho từng em. Bởi thế, tôi luôn chủ động cho học sinh diễn thuyết theo chủ đề bài học, trao đổi nhóm để khuyến khích các em nói tiếng Anh”.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành giáo dục Bắc Giang. Ngành tiếp tục rà soát đội ngũ, phối hợp với Sở Nội vụ, các huyện, TP bố trí, sắp xếp giáo viên tiếng Anh bảo đảm cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu, tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó ưu tiên giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ cho các trường miền núi, vùng khó khăn.

Sở yêu cầu các nhà trường khảo sát chất lượng học sinh trong tháng 9/2023 để triển khai kế hoạch dạy và học phù hợp, quan tâm hơn đối với học sinh có lực học trung bình và yếu. Khuyến khích dạy các môn học khác bằng tiếng Anh và cho trẻ làm quen với ngoại ngữ từ bậc học mầm non. Các trường tạo môi trường học tập, vui chơi bằng tiếng Anh, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá học sinh ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình Câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức hoạt động trải nghiệm sinh động, hấp dẫn để học sinh hứng thú với môn học .

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/411858/doi-moi-day-va-hoc-tieng-anh-de-phat-trien-nang-luc-giao-tiep.html