Đổi mới công nghệ chế biến gỗ để tăng sức cạnh tranh

Lĩnh vực chế biến gỗ tỉnh Bắc Giang đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, giá bán sụt giảm. Trong khi đó, các đối tác, bạn hàng nước ngoài ngày càng yêu cầu cao, khắt khe hơn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Điều này đặt ra thách thức với các doanh nghiệp (DN) trong việc đầu tư máy móc, công nghệ để tăng năng suất, cải thiện chất lượng, qua đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đơn hàng bấp bênh

Là địa phương có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lớn, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều cơ sở chế biến gỗ. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn, đa phần các cơ sở này đều nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất mang tính thời vụ, hình thành tự phát và ít có sự liên kết từ khâu trồng rừng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, máy móc, dây chuyền sản xuất phần lớn đã lạc hậu, công suất thấp, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và giá trị xuất khẩu.

Nhiều cơ sở chế biến gỗ sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu nên chất lượng sản phẩm, năng suất thấp.

Huyện Sơn Động có 108 cơ sở chế biến gỗ (trong đó có 20 DN) còn lại của hộ gia đình, song không có cơ sở nào chế biến sâu mà hoàn toàn là băm dăm, ván bóc. Những tháng gần đây, rất nhiều cơ sở phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do không có đơn hàng hoặc không đủ nguyên liệu sản xuất.

Anh Lý Văn Mạnh, chủ một cơ sở băm dăm tại xã Tuấn Đạo cho biết: “Trong năm 2023, hầu như chúng tôi không nhận được đơn hàng. Dịp này có đơn hàng trở lại nhưng do giá xuất khẩu sản phẩm xuống thấp buộc DN phải hạ giá mua gỗ nguyên liệu. Người trồng rừng thấy gỗ rẻ nên chưa khai thác, vì thế DN thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu, có thời điểm phải dừng hoạt động”.

Tương tự, tại huyện Lục Ngạn có 4 DN và 80 cơ sở chế biến gỗ là cá nhân, hộ gia đình song đều sản xuất ván bóc, băm dăm. Toàn huyện có 6 máy băm và hơn 100 máy bóc gỗ. Công ty TNHH Hùng Mười ở thôn Bến Huyện, xã Nam Dương là DN chế biến gỗ xuất khẩu có quy mô lớn nhất huyện song sản phẩm vẫn đơn thuần ở dạng thô, sơ chế.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Công ty, trước đây, thị trường tiêu thụ thuận lợi, đơn hàng nhiều, giá sản phẩm cao, các đối tác không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm. Nhưng khoảng 2 năm nay, trong khi đơn hàng ít, giá bán xuống thấp thì thị trường lại yêu cầu chất lượng cao hơn, các sản phẩm gỗ dăm phải đáp ứng tiêu chuẩn đều, không nát vụn, không lẫn tạp chất...

Còn theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến lâm sản Hùng Mạnh ở Cụm công nghiệp Già Khê, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam), thời gian qua, nhiều đối tác từ Úc, châu Âu liên hệ với DN tìm kiếm nguồn hàng gỗ ép phủ phim nhưng họ đưa ra yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn sản phẩm, DN không thể đáp ứng hoặc nếu đáp ứng được thì chi phí cho sản xuất rất cao. Điều này đặt ra bài toán đối với các cơ sở sản xuất phải nâng công suất, giảm nhân công và đầu tư máy móc thiết bị hiện đại thì mới có thể cạnh tranh.

Cần đầu tư có chiều sâu

Bắc Giang hiện có gần 1 nghìn cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, gồm 77 cơ sở của tổ chức và 915 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân. Sản phẩm chủ yếu gồm ván bóc, ván dán, cốp pha, dăm băm, đồ mộc dân dụng, than hoa. Ngoài phục vụ nhu cầu cho ngành xây dựng và đồ gia dụng trong nước, một số DN chế biến đã xuất khẩu trực tiếp sản phẩm là ván ép, ván dán, than hoa.

Bắc Giang hiện có gần 1 nghìn cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, gồm 77 cơ sở của tổ chức và 915 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân. Sản phẩm chủ yếu gồm ván bóc, ván dán, cốp pha, dăm băm, đồ mộc dân dụng, than hoa.

Năm 2023, giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn tỉnh đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, một trong những rào cản lớn đối với các DN chế biến gỗ của tỉnh là công nghệ chế biến ván ép, ván dán còn thấp, thậm chí đã lạc hậu. Do hạn chế về vốn đầu tư nên cơ bản các DN sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc, mẫu mã sản phẩm đơn điệu. Cả tỉnh chưa có DN nào đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao như các loại gỗ để làm nội thất, ngoại thất, đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hình thành tự phát, quy mô sản xuất nhỏ; chưa có sự liên kết chuỗi từ trồng rừng, khai thác, chế biến. Đồng thời, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu sự gắn kết giữa các DN ngành gỗ. Việc đầu tư sản xuất của DN còn mang tính cầm chừng, chưa phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh. Trình độ nguồn nhân lực trong hoạt động chế biến gỗ thấp, thiếu kinh nghiệm cũng như khả năng vận hành những dây truyền chế biến gỗ với công nghệ hiện đại...

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, đa dạng của thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các DN chế biến gỗ cần phải đầu tư dây chuyền sản xuất mới, hiện đại như: Công nghệ xử lý biến tính gỗ, tạo các vật liệu composite gỗ, dây chuyền chế biến gỗ tự động với độ chính xác cao, công năng đa dạng… Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển để tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, độc đáo, từ đó thu hút sự quan tâm của thị trường quốc tế. Đây là mấu chốt để các sản phẩm gỗ của Bắc Giang nâng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hà Minh Quý, tỉnh khuyến khích DN sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và các công nghệ nhân tạo, thân thiện môi trường. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục quan tâm công tác quản lý và khai thác gỗ theo hướng bền vững là yếu tố quan trọng để xuất khẩu sản phẩm gỗ, tạo niềm tin cho khách hàng quốc tế. Nhà nước sẽ cùng với DN xây dựng hệ thống quản lý rừng bền vững và chuỗi cung ứng gỗ theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.

Đồng thời, cần tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới, xây dựng các mối quan hệ đối tác lâu dài với khách hàng. Song hành với đó, các DN nên quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần hình thành đội ngũ công nhân, kỹ thuật, nhà quản lý có kiến thức, kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/418842/doi-moi-cong-nghe-che-bien-go-de-tang-suc-canh-tranh.html