Đối mặt với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, Hàn Quốc tìm giải pháp 'sống vui' cho người già

Phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, Hàn Quốc đang nỗ lực giải phóng tiềm năng của nhóm dân số già.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc ngày càng sâu sắc hơn khi dữ liệu mới công bố cho thấy tỷ lệ sinh của nước này - vốn đã thấp nhất thế giới - đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới vào năm 2023, bất chấp hàng tỷ USD được Chính phủ Hàn Quốc chi ra cho chính sách khuyến khích các gia đình sinh thêm con.

Số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc có trong đời đã giảm xuống 0,72 trẻ/phụ nữ, cách khá xa mức 0,78 vào năm 2022 - theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc. Đây là tỷ lệ thấp nhất thế giới và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,1 trẻ em mà đất nước Đông Á này cần để duy trì dân số hiện tại là 51 triệu người.

Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc năm 2023 đã rơi xuống còn 0,72 trẻ/phụ nữ, thấp hơn mức thấp nhất thế giới cũng do nước này nắm giữ năm 2023 là 0,78 trẻ/phụ nữ - Ảnh: Guardian

Với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục kéo dài nhiều năm, Hàn Quốc dự kiến trở thành một xã hội siêu già vào năm 2025 khi những người trên 65 tuổi sẽ chiếm 20% trong tổng dân số 52 triệu người. Đến năm 2050, phân khúc này có thể tăng lên gần 44% dân số.

Vả lại, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết cứ 10 người già tại nước này thì có 6 người trở lên đang phải vật lộn với thu nhập không đủ. Số người già sống một mình cũng ngày càng tăng.

Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là Chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra các chính sách giải quyết sự thay đổi nhân khẩu học của đất nước và tạo ra nhiều cách cải thiện cuộc sống hơn nữa cho người già. Và một số ý tưởng sáng tạo đang được áp dụng.

Đưa các cụ trở lại… trường

Theo ghi nhận của Hàn Quốc, khoảng 3.800 trường tiểu học trên cả nước đã đóng cửa trong 40 năm qua do số lượng tuyển sinh giảm, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Các cụ bà vui vẻ đi học tiểu học cùng những cháu nhỏ tại Hàn Quốc - Ảnh: Al Jazeera

Một trường học ở quận Yangpyeong, tỉnh Kyunggi, chi nhánh Gosung của trường tiểu học Yangdong, thực sự đã hết học sinh vì gần như không còn trẻ nhỏ trong quận.

Năm 1994, trường chỉ còn lại 14 học sinh khi nhiều người dân địa phương chuyển lên thành phố và quy mô các hộ gia đình bắt đầu thu hẹp. Cuối cùng nó đã sáp nhập vào Yangdong - một trường học lớn hơn trong quận, trở thành chi nhánh Gosung của trường này.

Khi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước ngày càng sâu sắc, hiệu trưởng Hong Seok-jong của chi nhánh Gosung nảy ra ý tưởng nhận các cụ làm học sinh.

“Tôi nhận ra rằng có thể có những cụ bà ở làng này chưa bao giờ đến trường nên tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng tôi đăng ký cho họ. Tôi đã đi quanh làng và có những người nói rằng họ muốn theo học tại trường nếu có thể”, ông nói với hãng tin CNA.

Tỷ suất sinh của Hàn Quốc (đường màu xanh) thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới (đường màu cam) và cả nhóm các nước có thu nhập cao (đường nét đứt). Hàn Quốc trong nhiều năm là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới khi so sánh với các quốc gia khác. Biểu đồ trong ảnh dựa vào dữ liệu năm 2021, là dữ liệu so sánh toàn cầu mới nhất được Ngân hàng Thế giới cung cấp. Ảnh đồ họa: Reuters

Bốn bà cụ đăng ký vào năm 2021, bắt đầu học lớp 1 cùng với 13 cháu nhỏ. Trong số đó có bà Yoon Ok-ja, 82 tuổi, người chưa bao giờ có cơ hội đến trường khi còn nhỏ. “Tôi chỉ có thể viết tên mình và không có gì khác. Ở thế hệ của tôi, tôi mới 9 tuổi khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Trong Chiến tranh Triều Tiên, mẹ tôi, em trai và chị gái tôi đều chết. Chỉ có bố tôi, em gái tôi và tôi sống sót. Chỉ có ba chúng tôi thôi”, bà Yoon nói.

Ở Hàn Quốc vài thập kỷ trước, các bé gái thường không được học hành. Thay vào đó, họ phụ giúp bố mẹ kiếm sống hoặc ở nhà chăm sóc các em trong khi bố mẹ đi làm. Do đó, không ít người ở thế hệ bà Yoon cũng bị thất học.

Một "học sinh" khác, bà Chung Soon-duk, cũng 82 tuổi, cho biết bà cảm thấy rất vui khi cuối cùng cũng được đến trường, điều mà hồi còn trẻ bà không thể làm được vì bận làm việc ở trang trại. Bà nói: “Tôi bắt đầu vào năm đầu tiên, và bây giờ tôi tự hỏi mình sẽ sống ra sao trong ba năm vừa qua nếu tôi không đến trường?”.

Hiệu trưởng Hong Seok-jong cho biết niềm hạnh phúc và tâm trạng thỏa mãn mà các học sinh lớn tuổi cảm nhận thật bất ngờ. “Họ nói với tôi rằng 'Tôi rất hạnh phúc' và họ không nhận ra rằng mình có thể hạnh phúc đến thế. Khi nghe được những tâm sự đó, tôi nhận ra rằng chúng tôi đã đưa ra quyết định đúng đắn,” ông Hong nói.

Bước lên… sàn catwalk

Trong khi mô hình của trường Gosung đang được khuyến khích nhân rộng thì có một mô hình khác, trong lĩnh vực thời trang, cũng rất thú vị: Hiệp hội Người mẫu Cao tuổi Hàn Quốc đang cung cấp chương trình đào tạo cho những cụ ở độ tuổi 70 và 80, giúp họ có cơ hội trình diễn trên sàn catwalk.

Những "siêu mẫu" ở độ tuổi U70, U80 tại Hàn Quốc - Ảnh: SCMP

Hai giờ mỗi tuần, những người cao tuổi mong muốn tham gia sàn diễn thời trang gặp nhau tại một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập khoảng bảy năm trước.

Độ tuổi tối thiểu để trở thành học viên tại đây là 45 tuổi và những người tham gia được đào tạo bài bản trên sàn catwalk, mặc dù nhiều người coi đó là sở thích để luôn năng động và khỏe mạnh.

Sáng kiến này cho phép những người lớn tuổi Hàn Quốc như Park Woo-hee, ở độ tuổi ngoài 70, thực hiện ước mơ catwalk của mình.

“Tôi không thể trở thành người mẫu vì không đủ cao. Từ khi còn là học sinh tôi đã luôn muốn làm điều này. Bây giờ là lúc làm việc đó. Dù lùn nhưng tôi vẫn có thể làm người mẫu. Chỉ cần đam mê là làm được”, bà Park chia sẻ.

Cụ Ha Yoon Jeong, 84 tuổi, người cũng tham gia một buổi trình diễn thời trang gần đây, đã gia nhập hiệp hội khoảng một năm trước, nói với CNA rằng hoạt động này khiến bà cảm thấy có động lực để thức dậy mỗi sáng.

"Điều đó thật tuyệt. Khi làm điều này, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn, trẻ trung hơn và dễ chịu. Những bà mẹ như tôi không dễ làm được điều này nhưng được con gái giới thiệu và tôi rất thích”, bà nói.

Huấn luyện viên Kim Moo-young, vốn là một cựu người mẫu, kể rằng ban đầu không dễ dàng gì để ông huấn luyện các học viên U70, U80 do khoảng cách tuổi tác giữa thầy trò.

“Đó là điều khó khăn về mặt tâm lý. Nhưng khi dạy các học viên cao tuổi này, tôi thấy các cụ đam mê hơn rất nhiều và sự sẵn lòng học hỏi của họ cũng cao hơn nhiều so với các học viên trẻ. Giống như chúng tôi đã nhóm lại ngọn lửa trong họ vậy”, ông Kim nói.

Huấn luyện viên này đồng thời cho biết ông đã từ từ điều chỉnh phương pháp giảng dạy và giảm cường độ tập luyện trong khóa học kéo dài 9 tháng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo ông Kim, thật tiếc là không có nhiều nhu cầu về người mẫu cao tuổi ở Hàn Quốc, không giống như ở phương Tây, nơi những người ở độ tuổi 60 và 70 vẫn có thể tạo dựng tên tuổi trên sàn catwalk. Nếu không, những học viên cao tuổi của ông hoàn toàn có cơ hội kiếm tiền vì họ “trình diễn thực sự tốt”.

Nguyễn Khánh (theo CNA, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doi-mat-voi-ty-le-sinh-thap-nhat-the-gioi-han-quoc-tim-giai-phap-song-vui-cho-nguoi-gia-post286086.html