Đôi điều cảm nhận về báo chí Hàn Quốc

Hàn Quốc được mệnh danh là xứ sở Kim chi, rượu Sochu và những cánh rừng Ngân hạnh màu vàng trải dài vào mùa thu... thì ai cũng biết. Xứ sở này còn là 'cường quốc' công nghệ thông tin và truyền thông. Bởi vậy, trong chuyến công tác của Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam vào thượng tuần tháng 11/2023 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nói rằng mục đích chuyến đi của đoàn là giao lưu, học hỏi việc áp dụng công nghệ thông tin mới vào hoạt động báo chí; để nâng tầm hoạt động báo chí của hai nước, theo thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo hai bên. Mục đích cuối cùng là phục vụ ngày càng tốt hơn công chúng của mỗi nước trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay.

Nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo Báo Etoday - Ảnh: PV

Hôm chúng tôi đến thăm, khi ngang qua các phòng làm việc của của báo Etoday - Hàn Quốc đóng ở Seoul, tất cả phóng viên, biên tập viên của tòa báo đồng loạt đứng dậy vỗ tay chào đón Đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam.

Lãnh đạo báo - ông Dong Min Shin cho biết, báo Etoday được thành lập vào năm 2006, theo mô hình là đơn vị truyền thông nằm trong số 12 đơn vị của một tập đoàn kinh tế lớn. Tờ báo chuyên về kinh tế, chủ yếu đăng thông tin về kinh tế Hàn Quốc, đặc biệt đi sâu vào phân tích thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, diễn đàn kinh tế, thông tin về chuyển động của nền công nghiệp...

Báo Etoday có 100 nhân viên được phân bổ ở 14 phòng, ban, mỗi ngày sản xuất được trên 400 tin, bài. Tuy không phải là tờ báo lớn ở Hàn Quốc nhưng báo có lượng bạn đọc tương đối lớn, ổn định ở cả ấn phẩm báo in và báo điện tử. Doanh thu hiện tại của tờ báo từ 70% ở báo in, còn lại 30% là báo điện tử.

Lãnh đạo báo Etoday cho biết thêm dự kiến sắp tới sẽ cân bằng nguồn thu báo in và báo điện tử là 50/50, còn con số cụ thể doanh thu bao nhiêu, phía bạn trả lời đó là bí mật của doanh nghiệp và không ai trong tòa báo này có thể tiết lộ ra ngoài... Có lẽ đó là điều thường gặp trong các cơ quan báo chí tư nhân. Các con số về doanh thu như quảng cáo, số lượng phát hành báo và các nguồn thu khác của tòa báo thuộc bí mật doanh nghiệp.

Lãnh đạo Etoday chia sẻ rằng sắp tới tờ báo của họ sẽ mở một diễn đàn kinh tế Việt- Hàn tại Việt Nam và mong có sự hỗ trợ, tương tác thông tin với báo chí Việt Nam. Chứng kiến không khí làm việc ở tờ báo này, chúng tôi nhận thấy họ làm việc rất chuyên nghiệp; ai làm việc ấy, cắm cúi vào công việc, chạy đua với thời gian để cập nhật trên báo điện tử và công nghệ in, phát hành báo để kịp đến tay người đọc vào mỗi sáng sớm.

Cũng như không khí chuyên nghiệp bắt gặp ở tòa báo Etoday, khi đến thăm Đài truyền hình MBC - một đài của tư nhân - mới thấy cơ sở vật chất của đài được trang bị hiện đại, nhà làm việc của đài trải dài trên một diện tích rộng lớn ở Seoul. MBC là một trong ba đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, mà tại đại bản doanh có hơn 2.000 người làm việc, chưa kể nhân sự ở các công ty con của tập đoàn chuyên sản xuất chương trình đa phương tiện.

Đường phố Seoul ngập tràn sắc vàng của cây Ngân hạnh...

Cùng sắc đỏ của những cây Phong - Ảnh: PV

Người được phân công đưa Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đi thăm Đài Truyền hình MBC ví von rằng, khuôn viên của MBC bằng khoảng 20 sân vận động quốc gia. Thế mà trong những căn nhà cao tầng, người làm việc nêm kín các tầng của nhà làm việc, ai vào việc nấy. Ở đây có rất nhiều phòng thu, phim trường. MBC cũng là đài đã sản xuất nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có bộ phim khi chiếu ở Việt Nam được nhiều người ưa thích là “Nàng Đê Chang Kưm”.

Đại diện MBC chỉ vào một tấm hình của một nhà báo giơ tay cao thể hiện quyết tâm và nói rằng chủ trương nhất quán của MBC là tôn vinh lòng can đảm của người làm báo khi họ dấn thân để thông tin tận cùng sự thật vì cuộc sống của cộng đồng. MBC là đài từng đưa tin vụ việc phát ngôn của người đứng đầu chính quyền Hàn Quốc được xem là thiếu chuẩn mực khi ở nước ngoài rất tai tiếng, từ đó dẫn đến phóng viên của MBC không được chào đón, nghĩa là không cho lên chuyên cơ mỗi khi người đứng đầu Hàn Quốc công du nước ngoài.

Chưa nói đến nội dung, các trường quay, phim trường của MBC được đánh giá là hiện đại nhất ở Hàn Quốc hiện nay. Thiết bị kỹ thuật của MBC hầu hết được đặt mua ở Nhật Bản, lắp ráp ở Mỹ đạt chuẩn quốc tế về thiết bị phát thanh truyền hình. Vận hành bộ máy sản xuất tin tức, chương trình giải trí lên tới hơn 2.000 người trên nền tảng phát sóng truyền hình có đầu thu và đăng tải trên các mạng xã hội, MBC vẫn sống khỏe trong thời kỳ cạnh tranh thông tin giữa báo chí với mạng xã hội nhờ ngày càng có nhiều khán thính giả đăng ký xem các kênh của đài này.

Đầu tư thích đáng cho công nghệ giải trí

Thăm Studio CJENM thứ 13 của Tập đoàn truyền thông - giải trí CJENM vừa mới xây dựng hoàn thành vào tháng 3, đưa vào sản xuất tháng 4.2022, chúng tôi nhận thấy các tập đoàn công nghệ truyền thông của Hàn Quốc đã đầu tư thích đáng cho công nghệ giải trí, có phim trường được giàn dựng cho một bộ phim lên đến hàng trăm tỉ đồng (tính theo VND). Ngoài ra còn có phim trường ở ngoài trời là những cánh rừng ôn đới chạy dài tít tắp chân trời.

Một cảnh trong phim trường của Tập đoàn truyền thông - giải trí CJENM - Ảnh: PV

Theo Phó giám đốc Studio CJENM Jae Hyung Kang, dù mới đưa vào khai thác nhưng phim trường mới này đã sản xuất được hơn 30 bộ phim truyện và MV âm nhạc. Vì lý do bản quyền, phía CJENM yêu cầu các thành viên trong đoàn công tác không đăng báo và mạng xã hội hình ảnh các Studio đang quay phim mới chưa công chiếu, như bộ phim nói về tàu vũ trị NASA có dự toán đầu tư phim trường tàu vũ trụ lên đến trên 150 tỉ đồng (tính theo VND). Là những người làm báo, chúng tôi đồng ý với bạn ngay từ đầu về yêu cầu này. Riêng về phong cảnh của phim trường thì vị đạo diễn Studio nói rằng khách có thể chụp ảnh vô tư.

Cảm nhận của chúng tôi khi được tham quan một số phim trường của CJEMN, thấy rằng ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc đã đi quá xa so với Việt Nam và nhiều nước khác. Hôm đó từ Seoul, qua theo dõi diễn đàn Quốc hội Việt Nam, có một thông tin làm nhiều người bất ngờ. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Quốc hội Phú Yên) cho biết, ban nhạc Black Pink (Hàn Quốc) sang biểu diễn ở Việt Nam chỉ có 2 đêm đã thu hơn 13 triệu USD.

Trong khi đó, trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa được phê duyệt năm 2016, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD, năm 2030 phấn đấu đạt 31 triệu USD. Như vậy, chỉ hai đêm diễn của Black Pink đã bằng một nửa tổng doanh thu của nghệ thuật biểu diễn năm 2030 mà chúng ta phấn đấu. Đó là điều rất đáng suy nghĩ!

Vậy phải đổi mới như thế nào, cần học hỏi người ta ra sao là việc cần làm, chứ bây giờ là thời điểm nào rồi mà dư luận trong nước vẫn còn làm khổ nhau bằng cách tụng ca quá mức hay chê bai, mạt sát bộ phim “Đất rừng phương Nam” - bộ phim vừa mới công chiếu làm cho người xem không biết đâu mà lần.

Có một cách làm độc đáo nữa trong công nghệ giải trí là khi chúng tôi được đến thăm Công viên Bầu trời (Sky), cũng có tên gọi khác là công viên Mặt trời. Khởi nguyên đây là khu đất làm kho chứa xăng dầu và bãi đổ rác của thành phố.

Đi dạo trong công viên, nghe thuyết minh qua ống nghe cá nhân, tôi nghĩ, đôi khi những ý tưởng kinh doanh lại bắt đầu từ những điều giản đơn. Một trong những điều làm nên “Kỳ tích sông Hàn” là việc lãnh đạo thành phố Seoul biến một kho chứa xăng dầu và bãi rác một thời thành một công viên lớn, thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các bạn đồng nghiệp Hàn Quốc tại Nhà Xanh (Dinh Tổng thống và nhà ở của Tổng thống Hàn Quốc) - Ảnh: PV

Bây giờ đến thăm Công viên Bầu trời, du khách có thể vào các “thùng chứa dầu” trước đây để thưởng thức âm nhạc, mỹ thuật, luyện tập thể thao... do người ta đã cải tạo bên trong thành những nhà hát, nơi trưng bày mỹ thuật, hay là là nơi tập luyện, thi đấu thể thao...Còn dưới những ngọn núi chứa rác thải ô nhiễm một thời nay được phủ lên một rừng cây xanh có nhiều lối đi, vườn hoa đẹp mắt.

Kỳ diệu hơn, cả một ngọn đồi lau trắng bạt ngàn, là nơi người ta mở những lối đi, thỉnh thoảng có điểm nghệ thuật sắp đặt là những con thú được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau để thu hút khách du lịch đến đây thăm thú, check in. Từ công viên bầu trời, nằm bên sông Hàn còn là nơi có thể ngắm nhìn thành phố Seoul với những chiếc cầu duyên dáng bắc qua sông và thành phố thật lung linh khi mặt trời tắt nắng, phố bắt đầu lên đèn...

Còn mãi trong tôi lời chia sẻ của Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng hôm tiếp đón Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam sang thăm Hàn Quốc: “Quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc hiện nay đang là thời điểm rất tốt đẹp về mọi mặt. Báo chí Việt Nam cũng như báo chí Hàn Quốc phải làm cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, xứng tầm với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sau hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quan hệ hai nước”.

Vâng, chúng tôi hiểu, chuyến đi của Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đến Hàn Quốc lần này cũng không ngoài mục đích thắt chặt thêm quan hệ hợp tác giữa nền báo chí hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả và lâu dài, góp phần vào quan hệ hữu nghị, hợp tác của hai nước ngày càng đơm hoa, kết trái...

Minh Tứ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/doi-dieu-cam-nhan-ve-bao-chi-han-quoc/181421.htm