Đọc vị 'red flag' về công ty từ buổi phỏng vấn

Nhận biết những dấu hiệu xấu trong buổi phỏng vấn giúp ứng viên có cái nhìn rõ ràng hơn về nơi ứng tuyển để cân nhắc và đưa ra quyết định đúng đắn.

 Chấp nhận một công việc dù có "quan ngại" làm tăng khả năng nghỉ việc về sau. Ảnh: Pexels.

Chấp nhận một công việc dù có "quan ngại" làm tăng khả năng nghỉ việc về sau. Ảnh: Pexels.

Theo một khảo sát của CareerBuilder với người lao động, 2/3 người làm khảo sát nói rằng họ chấp nhận công việc dù biết vị trí đó không phù hợp và khoảng 1/2 trong số đó đã nghỉ việc trong 6 tháng đầu tiên.

Nhiều lý do khiến điều này xảy ra, bao gồm việc bạn không nhận ra những biểu hiện kém chuyên nghiệp của công ty khi tham gia phỏng vấn hoặc công ty cố tình che giấu những "red flag" (tạm dịch: Tín hiệu nguy hiểm).

Harvard Business Review chỉ ra một số "red flag" các ứng viên cần đề phòng khi đi phỏng vấn việc làm. Tuy nhiên, những cảnh báo này không khuyến khích bạn tỏ thái độ khi gặp nhà tuyển dụng, chỉ để nhắc bạn chú ý để suy nghĩ kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng lao động.

Xếp lịch phỏng vấn lộn xộn, vô tổ chức

Các công ty và nhà tuyển dụng đều bận rộn nên những tình huống bất ngờ có thể xảy ra và buộc phải dời lịch. Tuy nhiên, nếu lịch phỏng vấn bị dời quá nhiều lần, điều này chứng tỏ nhiều vấn đề không ổn đang xảy ra tại công ty.

Nhà tư vấn nghề nghiệp Susan Peppercorn nói rằng thời gian của ứng viên và nhà tuyển dụng đều quan trọng như nhau. Nếu nhà tuyển dụng liên tục dời lịch, đó là dấu hiệu cho thấy họ không tôn trọng ứng viên.

Bà Peppercorn khuyên các nhà tuyển dụng phải ý thức được việc này để sắp xếp lịch trình tốt hơn. Nếu không, những ứng viên tiềm năng sẽ bỏ đi.

Nhà huấn luyện điều hành Caroline Stokes đồng tình với ý kiến của bà Susan Peppercorn. Bà nói thêm rằng dời lịch liên tục đồng nghĩa với việc nhà tuyển dụng không ưu tiên ứng viên hoặc vị trí đó.

"Nếu bạn bị 'bơ' trong một khoảng thời gian đáng kể (trên một tuần), đó là một tín hiệu cho thấy nhà tuyển dụng vô tổ chức và không có khả năng kết nối với ứng viên", bà Stokes nhấn mạnh.

 Những hành vi độc hại trong buổi phỏng vấn chính là một dấu hiệu xấu. Ảnh: Inc. Magazine.

Những hành vi độc hại trong buổi phỏng vấn chính là một dấu hiệu xấu. Ảnh: Inc. Magazine.

Không tôn trọng người khác

Mọi tổ chức đều có những bất đồng hoặc thất vọng giữa các phòng ban. Khi tham gia phỏng vấn việc làm, bạn hãy để ý xem người phỏng vấn bạn nói về những vấn đề đó theo cách xây dựng hay chỉ trích, phán xét một cách tiêu cực.

Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, bạn cần cân nhắc vì các phòng ban trong công ty đang rơi vào trạng thái thiếu hợp tác, phối hợp cùng nhau. Cảm giác an toàn khi làm việc cũng ở mức thấp.

Bà Caroline Stokes nói thêm nếu bạn tham gia một cuộc phỏng vấn với 2 người trở lên, đây là cơ hội tốt để quan sát sự tương tác giữa các thành viên trong ban phỏng vấn.

Các thành viên tương tác với nhau thế nào, họ có ngắt lời nhau hay không. Nếu trong cuộc phỏng vấn, một người có xu hướng "thống trị" cuộc trò chuyện, khiến những người khác không nói được, đó cũng là một "red flag" cảnh báo môi trường làm việc của công ty này thiếu tính chuyên nghiệp và tôn trọng lẫn nhau.

Trả lời không rõ ràng hoặc không nhất quán

Trong suốt quá trình phỏng vấn, ứng viên sẽ gặp các bên liên quan như quản lý, nhân sự, đó là những người quan trọng và có ảnh hưởng đến công việc của bạn nếu bạn trúng tuyển vào công ty.

Do đó, ứng viên nên chuẩn bị câu hỏi dành cho những người phỏng vấn và lắng nghe ý kiến của họ, từ đó xem xét liệu những câu trả lời bạn nhận được từ nhà tuyển dụng có rõ ràng, nhất quán và chính xác hay không.

Bà Susan Peppercorn khuyên khi không nhận được những câu trả lời thỏa đáng từ nhà tuyển dụng, ứng viên cần tiếp tục đặt câu hỏi cho đến khi nhận được thông tin mong muốn.

Nếu nhà tuyển dụng tiếp tục đưa ra những câu trả lời thiếu nhất quán hoặc không trả lời câu hỏi, ứng viên cần cân nhắc kỹ vì đây chính là một tín hiệu thiếu tích cực.

Công việc khác với mô tả ban đầu

Công ty đột ngột thay đổi phạm vi, vai trò công việc bạn đang ứng tuyển sẽ khiến công việc trở nên kém thú vị và bạn cũng sẽ không còn hứng thú làm việc.

Ứng viên cần đảm bảo công việc bạn nhận được trong buổi phỏng vấn không có gì thay đổi so với mô tả công việc ban đầu. Nếu có sự thay đổi, bạn cần đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng để nắm rõ thông tin.

Khi người tuyển dụng không thể trả lời vấn đề này, rất có thể đây là một minh chứng cho việc họ không trao đổi rõ ràng với nhà quản lý hoặc các bên liên quan. Việc thiếu kết nối cũng chứng minh tổ chức đó không biết rõ họ cần làm những gì.

Câu hỏi hoặc nhận xét không phù hợp

Đầu năm 2022, chương trình truyền hình Super Pumped đã đề cập "văn hóa huynh đệ" độc hại ở môi trường công sở thông qua việc ông Travis Kalanick, cựu CEO của Uber, luôn bắt đầu buổi phỏng vấn ứng viên bằng câu hỏi "Cậu có muốn vào Uber không? Vậy cậu có phải tên khốn không?". Thời điểm đó, nếu muốn được nhận, ứng viên phải trả lời bằng đáp án duy nhất là "có".

Có thể bạn sẽ không bị tra hỏi khiếm nhã như vậy, nhưng nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể đưa ra những câu hỏi thiếu phù hợp, hoặc nêu những nhận xét kỳ lạ, thậm chí độc hại.

Nếu bạn nhận được một câu hỏi hoặc lời nhận xét mang tính phân biệt độ tuổi, giới tính, chủng tộc, đây chính là một cảnh báo.

 Thiếu kết nối sẽ tạo ra những buổi phỏng vấn tồi tệ. Ảnh: CareerCast.

Thiếu kết nối sẽ tạo ra những buổi phỏng vấn tồi tệ. Ảnh: CareerCast.

Thiếu kết nối

Một buổi phỏng vấn hoàn hảo cần có sự tương tác, gắn kết giữa hai bên và giúp ứng viên lẫn nhà tuyển dụng cảm thấy thoải mái, tràn đầy năng lượng và hào hứng về khả năng làm việc của nhau.

Khi buổi phỏng vấn thiếu đi năng lượng, nhà tuyển dụng dường như không quan tâm điều ứng viên nói, bị phân tâm, không cười hoặc đặt câu hỏi như một cái máy, đó là dấu hiệu cho thấy ứng viên đang rơi vào buổi phỏng vấn đầy "red flag".

Nhà tư vấn nghề nghiệp Susan Peppercorn nhận định những buổi phỏng vấn thiếu năng lượng thường bắt nguồn từ việc nhà tuyển dụng đã tìm được ứng viên phù hợp từ trước đó.

"Nếu ai đó đang phỏng vấn bạn nhưng họ biết chắc họ đã tìm được ứng viên mong muốn, khả năng cao là họ sẽ không nhiệt tình với bạn nữa", bà Peppercorn nhận định.

Trong khi đó, nhà huấn luyện điều hành Caroline Stokes nêu rằng nếu tham gia những cuộc tuyển dụng có 2 vòng phỏng vấn trở lên, ứng viên cần để ý xem liệu năng lượng của 2 vòng phỏng vấn có gì khác biệt hay không.

Nếu như năng lượng buổi phỏng vấn sau có sự thay đổi đột ngột so với vòng đầu, lý do có thể là nhà tuyển dụng đã tìm được người phù hợp, nhưng họ không muốn "hủy kèo" để chắc chính linh cảm của họ là đúng. Bà Stokes nhấn mạnh đây là tín hiệu của việc nhà tuyển dụng không biết cách trao đổi hiệu quả với ứng viên.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doc-vi-red-flag-ve-cong-ty-tu-buoi-phong-van-post1367080.html