Đọc sách đang biến thành 'một môn thể thao'

Các thử thách, xây dựng mục tiêu đang dần biến việc đọc sách trở thành một môn thể thao có hàng triệu người tham gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Cailin.

Suzanne Skyvara, Phó giám đốc truyền thông tại mạng xã hội Goodreads cho biết chỉ sau một tuần công bố “Thử thách đọc sách năm 2024”, đã có 4,4 triệu người đăng ký tham gia. Con số này vẫn còn tiếp tục tăng lên và dự kiến vượt qua mốc 7,6 triệu người năm 2023.

Có thể thấy việc đọc sách ngày càng được thúc đẩy bởi các thử thách trên nền tảng số. Nhiều độc giả cũng đang có thói quen xây dựng mục tiêu đọc trong năm mới, chia sẻ nó trên các trang mạng cá nhân. Hoạt động đọc dần mang theo tinh thần giải trí tương thích với các thiết bị điện tử nhiều hơn.

Xây dựng mục tiêu cho việc đọc

Giống một môn thể thao, việc đọc trong mắt nhiều người cũng có mục tiêu, các giai đoạn. Mục tiêu có thể được xây dựng từ những bình diện chung thường thấy như tên tác giả, bộ sách, thể loại, chủ đề. Bên cạnh đó, cũng có một số bạn trẻ lại xây dựng mục tiêu đọc dựa trên những cuốn sách đã “tích trữ” từ năm trước nhưng chưa mở ra.

Nguyễn Minh Hạnh (25 tuổi, Long Biên, Hà Nội) là một người thường xuyên đi ra các hội sách. Mỗi lần Hạnh có thể mua từ 8 đến 12 cuốn sách để đọc trong cả năm sắp tới. Tuy nhiên, Hạnh chưa bao giờ đọc hết được số sách mới cả. Mỗi năm tủ sách của Hạnh ngày một nhiều hơn. Đối với bạn trẻ này việc đọc hết được số sách đã mua cũng là một thử thách và mục tiêu đọc trong năm 2024.

“Hiện nay mình có khoảng hơn 20 cuốn chưa đọc. Mỗi lần tới hội sách thấy giá rẻ nên mua nhiều. Sách chưa đọc mình cất riêng một ngăn nhưng ngăn đó đã chật, mình để sang cả ngăn khác. Dù vậy năm nào mình cũng mua sách hai đợt. Năm 2024 này, mình đã lập danh sách một số cuốn sẽ đọc trong kho sách và đưa chúng lên reading challenge của Goodreads”, Hạnh chia sẻ.

Cũng trên nền tảng xã hội này, một số độc giả đặt mục tiêu lên tới 100, 200 hay 5.000 cuốn sách. Họ đơn giản chọn một con số thật lớn để nổi bật trên mạng. Mục tiêu đã được đặt ra nhưng đọc hay không là một việc khác. Trước vấn đề này, một số bạn trẻ chia sẻ rằng là một người tham gia thử thách chỉ cần vượt qua số sách bản thân đã đọc năm trước là được không cần tập trung vào việc đọc để cạnh tranh cùng người khác.

Một bạn trẻ đang lựa chọn sách ở Fahasa Long Biên. Ảnh: Đức Huy.

“Mỗi người sẽ có một cách dùng mạng xã hội khác nhau, từ đó, cách họ đối diện với thử thách đọc cũng khác nhau. Sẽ có những người muốn đọc thật nhiều, nhưng sẽ có người chỉ đặt mục tiêu vào cuốn mình thích. Bản thân mình thấy trung bình mọi người thường đặt ra khoảng 12-20 cuốn sách để đọc trong một năm”, Phương Linh (26 tuổi, một freelancer tại Đống Đa) cho biết.

Cả Hạnh và Linh đều công nhận rằng các thử thách mục tiêu này phần nào tác động đến thói quen đọc của họ. Số sách đọc trong một năm của họ nhiều hơn khi có một không gian rộng lớn để chia sẻ về kiến thức mới bản thân nhận được. Cho tới nay, số sách ước tính được mọi người đặt ra trong thử thách của Goodreads là hơn 200 triệu cuốn sách. Trung bình mục tiêu của mỗi người là 40 cuốn sách/năm.

Các thử thách đọc giúp công ty sách dễ quảng bá hơn

Chia sẻ về việc giới trẻ hưởng ứng thử thách đọc, đại diện Saigon Books, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, chia sẻ rằng thử thách đọc sách hàng năm cũng là cách hữu hiệu để hình thành thói quen đọc sách cho bản thân. Nó đã khích lệ tinh thần đọc trong cộng đồng. Việc nhiều người mua sách - đọc sách cũng góp phần giúp các công ty sách kinh doanh tốt hơn và nhờ vậy, tiếp tục đầu tư để xuất bản những cuốn sách có giá trị.

Còn theo ông Lê Thanh Sơn (Trưởng nhóm nội dung Công ty Cổ phần Sách Bách Việt), thử thách đọc là một hình thức sáng tạo và mang tính chất quần chúng cao. Không những thế, thử thách này còn cho thấy sức mạnh của mạng xã hội khi được sử dụng vào mục đích lan tỏa giá trị tốt đẹp.

“Với tư cách là những người làm sách, chúng tôi nhận thức được nhiều ý nghĩa và bài học từ reading challenge. Nhưng văn hóa không thể chỉ xuất phát từ thượng tầng hoặc là nỗ lực một phía. Văn hóa phải đến từ phong trào trong quần chúng, phong trào quần chúng đủ mạnh sẽ tự động thành văn hóa. Và theo lẽ dĩ nhiên, các đơn vị xuất bản như Bách Việt sẽ phải có một sự đáp ứng tích cực để phục vụ độc giả”, ông Thanh Sơn cho biết.

Những cuốn sách được lựa chọn nhiều trong reading challenge trên Goodreads. Ảnh: Goodreads.

Cách đây vài chục năm, thế hệ 9x, 8x cũng đã thành lập các câu lạc bộ đọc sách ở các trường đại học để chia sẻ những đầu sách hay. Nhưng để một sinh viên Đại học Xây dựng tìm được một sinh viên Đại học Tài chính có cùng tần số, cùng gu đọc sách rất khó. Ngày nay, chúng ta có mạng xã hội, một điều kiện thực sự thuận lợi cho các độc giả toàn quốc và thậm chí cả ở nước ngoài có thể tìm thấy nhau. Nhờ đó, các cuốn sách được giới thiệu rộng rãi hơn, tiết kiệm chi phí quảng bá hay làm sự kiện trực tiếp khi ra sách mới.

Có nhiều cách khác nhau đã được áp dụng để làm mới thử thách đọc hàng năm. Chẳng hạn một số độc giả lựa chọn đọc theo chủ đề tháng: huyền ảo, kinh dị, trinh thám, lãng mạn… Có những độc giả lựa chọn đọc lại series mình yêu thích, theo màu sắc. Đơn giản hơn hết là đọc bất cứ cuốn sách nào có trong tầm tay. Thử thách đọc đang dần đi vào văn hóa của ngành xuất bản và trở thành hoạt động thường niên thú vị với hàng triệu người tham gia.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/doc-sach-dang-bien-thanh-mot-mon-the-thao-post1455318.html