Đọc lại bài thơ 'Cuộc chia ly màu đỏ' của Nguyễn Mỹ

'Cuộc chia ly màu đỏ' gần như là một bản tuyên ngôn của tình yêu thời cách mạng, một bài tùy bút bằng hình ảnh và nhạc điệu, khẳng định và cổ súy cho một quan niệm mới về tình yêu với ba nội hàm của một trật tự luận lý nhất quán: Yêu nhau thắm thiết - nhưng vì lý tưởng, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc - hy sinh hạnh phúc nhưng trong lòng vẫn thủy chung, tình yêu vẫn nguyên vẹn.

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đã bừng trên nét mặt
- Một rạng đông với màu hồng ngọc -
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai.
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những mắt lá si
Và người chồng ấy đã ra đi . . .

Cả vườn hoa đã ngập tròn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
"Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau..."

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét . . .
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly. . .

9/1964

Nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ (1935 – 1971).

Như chúng ta biết, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là đỉnh cao của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vốn là một biến động cực kỳ to lớn, có sức lay chuyển đến tận cùng mọi số phận, mọi tình cảm, mọi quan niệm sống của toàn dân ta. Sức thuyết phục và lôi cuốn của nó đã chi phối, tạo lập lại toàn bộ nếp sống của con người bằng cái mà ta gọi là ánh sáng của lý tưởng. Và tình yêu cũng nằm trong vầng hào quang đó.

"Cuộc chia ly màu đỏ" gần như là một bản tuyên ngôn của tình yêu thời cách mạng, một bài tùy bút bằng hình ảnh và nhạc điệu, khẳng định và cổ súy cho một quan niệm mới về tình yêu với ba nội hàm của một trật tự luận lý nhất quán: Yêu nhau thắm thiết - nhưng vì lý tưởng, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc - hy sinh hạnh phúc nhưng trong lòng vẫn thủy chung, tình yêu vẫn nguyên vẹn.

Tóm lại, đó là cách xử lý mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng vốn đã thành một định đề trong văn học cách mạng, một môtíp quá quen thuộc, không có gì phải nói thêm. Điều đáng nói ở đây là tại sao với một nội dung có vẻ khô cứng, đầy tính luận đề như thế, bài thơ lại thực sự là một cơ thể tươi xanh, tràn đầy sức sống và có khả năng lôi cuốn lòng người như vậy?

Có thể nói, Nguyễn Mỹ đã khéo gây ấn tượng cho ta ngay từ cái đầu đề. Bằng cách sử dụng một ẩn dụ táo bạo vừa chính xác về nội hàm, vừa tươi tắn, mạnh mẽ trong biểu cảm, bài thơ có ngay không khí hiện đại mà trong thơ ta trước đây ít xuất hiện, trừ vài trường hợp trong Thơ Mới. Cùng một cách đặt tên như tác phẩm sân khấu - điện ảnh nổi tiếng của Liên Xô "Bi kịch lạc quan", nhưng cái nhan đề của Nguyễn Mỹ rõ ràng giàu chất thơ hơn.

Thắp hương tri ân các Anh hùng - Liệt sĩ.

Bước vào bài thơ, ta dễ dàng thấy cách sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất mang dụng ý của tác giả:

Tôi nhìn thấy...
Gió nói tôi nghe...
Nhưng tôi biết…

Cách dùng ấy gây hiệu quả như thế nào chắc ai cũng rõ. Ở đây, từ góc độ trực tiếp, tác giả thoải mái để tường thuật lại một cách "mục sở thị" những gì mình nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy. Từ những tiếp nhận trực giác ấy, tác giả toàn quyền suy luận mà không sợ bị lạc lõng. Bài thơ là sự nối tiếp, đan cài giữa ba hình thức diễn đạt: Kể, tả và suy tưởng.

Ta bắt gặp ở đây một ngôn ngữ kể gọn và thưa thoáng, chỉ nhấn nhá vào những chi tiết cần thiết: Một cô gái mặc áo đỏ, tiễn chồng đi làm nhiệm vụ ở xa, giữa một buổi trưa cuối thu, trong một vườn hoa, cô cầm trong tay một chiếc nón, họ tới ngồi dưới một gốc si xanh, cô gái để rơi những giọt nước mắt, nhưng gương mặt thì sáng bừng, v.v... và v.v...

Dẫu sao, đó vẫn là những chi tiết có thực và cụ thể, không thể tùy tiện phóng túng, nhưng khi chuyển sang ngôn ngữ tả, và nhất là ngôn ngữ bình, có thể nói nhà thơ tín đồ của trường phái lãng mạn cách mạng này đã không ngần ngại tung ra những từ ngữ đẹp đẽ, sáng láng nhất, những hình ảnh rực rỡ nhất, những lý lẽ hùng hồn nhất. Những từ ngữ ấy dường như độc chiếm cả bài thơ, đến nỗi không cần thiết phải trích ra đây.

Vẻ đẹp của đối tượng miêu tả có một phần nằm trong khung cảnh khách quan có thể nhìn thấy, nhưng rõ ràng phần chính yếu là toát lên từ bên trong tâm hồn cao quý của nhân vật trữ tình trong thơ: Người con gái và người con trai đặt tình yêu riêng trong tình yêu lý tưởng. Và còn quan trọng hơn nữa là với một tâm hồn đồng điệu, người làm thơ, vừa là chứng nhân vừa là đồng nhân vật của thơ, đã để lòng mình cất lên những tiếng đồng cảm tuyệt vời.

Chính sự hòa điệu và cùng một đẳng cấp tâm hồn này khiến cho hai yếu tố khách thể và chủ thể của bài thơ hầu như quyện làm một và phát sinh một sức cộng hưởng tình cảm mạnh mẽ. Cường độ tình cảm mãnh liệt ấy phả vào từng từ ngữ, hình ảnh mang màu sắc lãng mạn, tạo ra một giọng điệu cuồn cuộn đủ sức tươi xanh hóa cả những mệnh đề triết lý, đủ sức thổi sức sống vào những con chữ đao to, búa lớn, vốn rất dễ gây cảm giác sáo rỗng.

Đó chính là khả năng đặc biệt của nhà thơ cao tay ấn này: Khả năng tình cảm hóa những gì khô cứng, ráo hoảnh thậm chí vô hồn - từ ánh nắng chan hòa cả vườn hoa, những cánh hoa nhỏ rung nhè nhẹ, còn gió thì cất tiếng thì thào như tiếng thủ thỉ tình tự bên tai người, nhưng là để nói một điều to tát như... một câu khẩu hiệu: "Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau...".

Đoạn bình trên đây trong bài thơ dẫu sao vẫn diễn ra trên cái nền thực của buổi tiễn đưa, nhưng đến đoạn cuối (gồm 8 câu) mới thực là triết lý chay. Tác giả vận dụng tất cả những dữ kiện đã có để phán đoán như đinh đóng cột về tương lai: Tình yêu của người ở lại sẽ sống mãi trong lòng người ra đi, trở thành niềm động viên và sức mạnh cho anh trong cuộc trường chinh:

"Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy"

Hai câu thơ có thể tiêu biểu cho giọng điệu của Nguyễn Mỹ trong bài thơ này. Điệp ngữ "cái màu đỏ" ba lần lặp lại trong chỉ hai dòng thơ hiển nhiên là muốn diễn đạt một điều khẳng định bất di bất dịch, một sự tô đi tô lại đến "quá tam ba bận" nghe có vẻ như tranh cãi, như "khiêu khích, gây sự" ấy đặt vào đây lại rất hợp. Lý sự chay đấy, nhưng người nói nhiệt tình quá, rút gan rút ruột quá, nên khiến ta bị huyễn hoặc, ta cảm động, và tin. Thế mới hay: nói như thế nào cũng quan trọng không kém nói cái gì.

Cũng cần nói thêm là trong lối viết đầy tính luận lý này, để thuyết phục người đọc, tác giả vẫn dùng thủ pháp cấu tứ: Triển khai ý tưởng khái quát trên những hình ảnh cụ thể có gốc thực - cái màu đỏ được giăng qua suốt bài thơ như một sợi chỉ bền nối từ chiếc "áo đỏ" đến những "bông hoa chuối đỏ tươi", tiếp đến "ánh lửa hồng" trong bếp, để rồi tiếp tục đi hun hút về phía trước. Cái màu đỏ có tính biểu tượng và ước lệ ấy chính là bộ xương vững chắc tạo nên thế đứng cho bài thơ, là điểm sáng chung đúc tinh anh của cả một thế hệ những con người sống, chiến đấu và yêu nhau trong ánh sáng của những lý tưởng đẹp đẽ, đầy sức quyến rũ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/doc-lai-bai-tho-cuoc-chia-ly-mau-do-cua-nguyen-my-i662111/