Độc giả có quay lưng với sách?

21.600 là tổng số lượt bạn đọc đến với sách tại các sự kiện hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Với một tỉnh miền núi, đây là con số đáng khích lệ, cho thấy kết quả của những nỗ lực quảng bá sách và văn hóa đọc của nhiều đơn vị, cấp ngành.

Điều này cũng cho thấy, độc giả không quay lưng với sách, quan trọng là cách thức truyền thông về sách sao cho hấp dẫn, thu hút.

Giám đốc Thư viện tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thủy cho biết, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, Thư viện tỉnh đã Phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao, Thư viện các huyện, thị xã, các trường học trên địa bàn, Tiểu đoàn 28 (Quân đoàn 3), Binh đoàn 15, Thành đoàn Pleiku, các sở ngành...để tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng phong phú. Đó là các hoạt động như: Lễ phát động điểm ngày hội đọc sách; trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách, phục vụ xe thư viện lưu động; các cuộc thi kể chuyện theo sách, cảm nhận về sách, bình sách; quyên góp sách, trưng bày các mô hình xếp sách nghệ thuật…Bên cạnh đó là hoạt động giao lưu giữa một số nhà thơ, nhà văn với người đọc trên địa bàn tỉnh; trả lời câu hỏi đố vui theo sách, đọc sách tự chọn…

Học sinh đọc sách tự chọn tại xe ô tô Thư viện lưu động của Thư viện tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lam Nguyên

Kết quả, số lượt luân chuyển sách đạt: 135.000 bản sách; số lượt bạn đọc sách là 21.600 lượt; lượt truy cập internet tại xe ô tô Thư viện lưu động đạt 9.500 lượt. Bạn đọc cũng tham gia giới thiệu, bình sách đối với 75 tác phẩm. Ngoài ra, có gần 7.000 bản sách các loại đã được quyên góp, trao tặng.

Tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa đọc gần đây, có thể nhận ra một phong trào đang dần đi vào chiều sâu. Việc tìm đến sách như một thú vui (giữa vô số sự “lôi kéo” của các kênh giải trí khác) đang trở thành nhu cầu tự thân của độc giả; đáng mừng là trong số đó có rất nhiều độc giả trẻ tuổi. Ví dụ, buổi ra mắt sách “Sự tích Chư Đang Ya” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức tại Thư viện tỉnh hồi cuối tháng 12-2023 đã thu hút đông đảo các em học sinh trên địa bàn tỉnh. Không chỉ nêu nhiều thắc mắc xung quanh cách lý giải tên của ngọn núi lửa triệu năm ở xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), các em còn mong đợi các cuốn sách về văn hóa Tây Nguyên được dịch sang tiếng Anh để bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về văn hóa-lịch sử vùng đất này.

Cũng chính lứa độc giả trẻ này đang cập nhật những xu hướng đọc mới mẻ, rất khác với lối truyền thống như: đọc trên môi trường mạng; đọc trên máy đọc sách Kindle, nghe sách nói (audio book)…Nắm bắt xu thế này, Thư viện tỉnh đã nhanh nhạy ra mắt các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok…) để quảng bá sách và văn hóa đọc hiệu quả hơn; đồng thời định hướng phát triển thêm kênh sách nói để phục vụ nhu cầu đa dạng của độc giả. Với những nỗ lực đổi mới trong “chiến lược” truyền thông, Thư viện tỉnh kỳ vọng sẽ phục vụ khoảng 800.000 lượt bạn đọc trong năm 2024, tăng gần 100.000 lượt so với năm 2023.

Đầu năm 2024, tình cờ có mặt tại Lễ hội đường sách Tết tại TP. Hồ Chí Minh càng thấy sức hút lớn của sách và không gian văn hóa mà sách mang lại cho một thành phố. Hàng ngàn người đã chọn du xuân tại các gian hàng sách được bố trí hết sức đẹp mắt với các chương trình giảm giá hấp dẫn. Chưa hết, hơn 16.000 cuốn sách được lì xì cho du khách trong dịp đầu năm mới đã tạo ra sức lan tỏa với kỳ vọng biến hoạt động lì xì Tết bằng sách, tặng quà bằng sách trở thành một nét văn hóa rất riêng.

Lễ hội đường sách Tết tại TP. Hồ Chí Minh đã tạo dựng một không gian văn hóa đầy sức hút. Ảnh: Lam Nguyên

Khó mà quay lưng trước một chương trình hấp dẫn đến vậy. Rõ ràng, đây là cách làm độc đáo để độc giả tìm đến với sách. Chợt ước Gia Lai cũng có một lễ hội tương tự. Dĩ nhiên, không thể so sánh về quy mô bởi những khác biệt lớn trong sự phát triển chung và trình độ dân trí giữa 2 địa phương, song điều gì cũng cần một khởi đầu. Nếu có thể tổ chức thì đây sẽ là một điểm nhấn thật sự ấn tượng trong sinh hoạt văn hóa của Phố núi.

Song đừng chỉ trông chờ vào nỗ lực của các cấp ngành trong quảng bá văn hóa đọc. Để xây dựng được thói quen đọc sách, gia đình phải tạo lập trước. Chỉ cần cha mẹ đặt chiếc điện thoại xuống, tạm gác bận rộn để cùng con đọc sách, hoặc hướng dẫn con tìm đọc một cuốn sách hay thì mới mong con tìm thấy niềm vui với việc làm giàu tri thức, làm phong phú tâm hồn từ sách. Một người bạn của tôi kể, cũng trong dịp Tết vừa rồi, chị rất vui khi nghe cô giáo chủ nhiệm giao “bài tập” như thế này cho con: Hãy dành một khoản tiền lì xì để mua một cuốn sách hay, sau đó giới thiệu với cô và cả lớp về nội dung cuốn sách. Quả là một cách hay để khuyến đọc.

Làm gì để tình yêu với sách ngấm dần vào tâm hồn con trẻ? Cách thức truyền thông như thế nào để đọc sách trở thành nét văn hóa ngày thường chứ không chỉ là phong trào trong một số dịp, ngày kỷ niệm? Nếu muốn, ta sẽ tìm cách trả lời những câu hỏi ấy. Sao cho mỗi người đọc đều đến với sách bằng một tình yêu chân thật và say mê.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/doc-gia-co-quay-lung-voi-sach-post277273.html