Độc đáo tục 'cướp' ông đầu rau cầu may mắn ở lễ hội chùa Keo

Chùa Keo 400 năm tuổi tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình lần đầu tiên tổ chức lễ khai bút ban chữ đầu xuân, phục dựng lại trò rối cạn chầu Thánh bị thất truyền.

Ngày 15/2, hàng nghìn người dân và du khách nườm nượp trảy hội chùa Keo mùa Xuân, dự lễ khai bút và tham gia hoạt động tín ngưỡng văn hóa dân gian: múa rối cạn chầu Thánh ở chùa Keo, được khôi phục lại sau nhiều năm bị thất truyền, gián đoạn.

Lần đầu tiên, thay vì chỉ diễn ra một ngày duy nhất vào mùng 4 Tết, năm nay hội chùa Keo mùa Xuân được tổ chức kéo dài 4 ngày, từ ngày 13-17/2 (mùng 4 - 7 tháng Giêng âm lịch), với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh và các trò chơi dân gian phục vụ người dân và du khách.

Khai bút ban chữ, khôi phục lại múa rối cạn chầu thánh ở chùa Keo bị thất truyền

Lễ hội tại chùa Keo Thái Bình thu hút hàng nghìn người. Ảnh: Khánh Linh

Rất nhiều người dân tại Thái Bình từ sáng sớm đã cùng với gia đình, người thân, có mặt tại chùa Keo thắp hương hành lễ và chờ đến lễ khai bút đầu xuân.

"Mỗi năm chùa Keo mở hội 2 lần, hội Xuân và lễ hội chùa Keo mùa Thu (diễn ra vào tháng 9 Âm lịch). Năm nay được biết lễ hội xuân tổ chức kéo dài 4 ngày với nhiều hoạt động hấp dẫn cả phần lễ và phần hội, thêm gia đình em gái tôi ở miền nam bốn năm rồi mới về ăn Tết quê nên hôm nay tôi thuê hẳn xe ô tô 16 chỗ đưa mọi người đi lễ Phật, dự lễ khai chỉ rồi vào lễ Thánh. Gia đình tôi đi hội đầu xuân năm mới cầu cho cả năm mưa thuận gió hòa, bình an mạnh khỏe. Các cháu đang đi học dự lễ khai bút hiểu thêm được tục lệ này, sau đó xin chữ cầu mong học hành đỗ đạt...", chị Tươi quê ở Thái Bình vui vẻ nói.

Khai bút là nét đẹp trong văn hóa người Việt. Ảnh: Khánh Linh

Đại đức Thích Thanh Quang, trụ trì chùa Keo cho biết: "Điểm nhấn của lễ hội năm nay là lần đầu tiên tại sân Tam Quan Ngoại diễn ra lễ khai bút đầu xuân và trò múa rối cạn chầu Thánh được phục dựng và trình diễn sau mấy chục năm bị thất truyền, gián đoạn, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người dân địa phương…".

Múa rối cạn chầu Thánh được phục dựng và trình diễn sau mấy chục năm bị thất truyền. Ảnh: Khánh Linh

Trong những ngày diễn ra lễ hội lần đầu tiên chương trình khai bút ban chữ, thu hút hàng ngàn phật tử, người dân và du khách tham dự.

Du khách tham dự sẽ được mừng tuổi vở, bút và được ban chữ mình mong muốn. Ảnh: Khánh Linh

Theo Đại đức Thích Thanh Quang, lễ khai bút được thực hiện vào đêm giao thừa 2024, sau khai bút, bốn bức đại tự "Nam thiên thánh tổ", "Lý triều quốc sư", "Quốc thái dân an" và "Phong hòa vũ thuận" sẽ được dâng trình đức Thánh trong cung cấm và được thờ ở đó. Khai bút ban chữ lần đầu tiên được tổ chức quy mô tại lễ hội chùa Keo. Du khách tham dự sẽ được mừng tuổi vở, bút và được ban chữ mình mong muốn.

Sau khi bốn bức đại tự được kéo lên trang trọng, UBND huyện Vũ Thư trao thưởng cho các cháu học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Sau đó phật tử, người dân và du khách xin chữ của các ông đồ ngồi cho chữ ở sân Tam Quan ngoại.

Độc đáo tục “cướp” ông đầu rau cầu may

Ngay sau lễ khai chỉ mở cửa đền Thánh để người dân và du khách vào hành lễ, là hoạt động chạy giải thổi cơm thi.

Ông Nguyễn Hữu Khang, Trưởng ban khánh tiết lễ hội chùa Keo mùa Xuân 2024 cho biết: "Trong các trò chơi dân gian độc đáo tại lễ hội mùa xuân, không thể không kể đến chạy giải thổi cơm thi là cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp. Không chỉ là điểm hẹn của những thanh niên trai tráng, khéo léo trong làng Keo để làm ra mâm cơm dâng lên lễ Thánh mà hội thi này luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi hào hứng, phấn khởi của du khách thập phương, tạo tinh thần, khí thế phấn khởi, hứa hẹn một năm nhiều thuận lợi và may mắn"

Người dân làng Keo tin rằng tham gia hội thi là được Đức Thánh phù hộ nên tục lệ này đã được người dân nơi đây đời nối đời trao truyền qua bao thế hệ và năm nào cũng tranh tài. Đa phần nhiều năm, với sự xuất sắc của các đội thi, cả 4 mâm cơm đều được lựa chọn dâng lên lễ Thánh. Đây là niềm vui mừng, phấn khởi của làng Keo trong ngày đầu xuân mới.

Lễ hội còn diễn ra tục cướp ông đầu rau. Ảnh: Khánh Linh.

Điểm độc đáo ở hoạt động này đó là khi cơm vừa chín được xới ra để ban tổ chức chấm điểm, sau đó dâng lên cúng Phật, Thánh thì cũng là lúc người dân chen lấn xô đẩy chen nhau vào nơi tổ chức thi thổi cơm (được quây bảo vệ bằng hàng rào ống tuýp nước) nhằm "cướp" ông đầu rau (ba viên đất nung bắc làm bếp).

Theo quan niệm của người dân làng Keo từ xưa đến nay, ai nhanh tay "cướp" được ông đầu rau mang về nhà mình cả năm sẽ sung túc, gặp nhiều may mắn. Vậy nên khi các giáp vừa dụi lửa tắt bếp cũng là lúc người dân đeo sẵn găng tay vải dày, chen lấn xô đẩy hòng "cướp" cho bằng được. Lực lượng an ninh phải vất vả vãn hồi trật tự.

Anh Nguyễn Thái Minh, 28 tuổi, ở huyện Vũ Thư đi lễ chùa nhanh tay "cướp" được một ông đầu rau bèn cất ngay vào bao chuẩn bị sẵn ôm khư khư, bỏ luôn việc vãn cảnh chùa, săn ảnh. "Tôi biết tục lệ "cướp" ông đầu rau khá lâu rồi. Nhiều năm đi hội Xuân nhưng năm nay tôi mới may mắn "cướp" được một ông đầu rau. Hi vọng năm nay công việc, làm ăn gặp nhiều may mắn...", anh Minh hồ hởi./.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doc-dao-tuc-cuop-ong-dau-rau-cau-may-man-o-le-hoi-chua-keo.html