Độc đáo trống đồng Lô Lô

Xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) giờ đây đã trở thành điểm đến đặc sắc với du khách trong và ngoài nước. Đó là điểm cực bắc của đất nước, nơi có cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng.

Người Lô Lô đánh thử trống đồng. Nguồn: baodantoc.vn.

Đến Lũng Cú, khách du lịch có cơ hội tới thăm Lô Lô Chải (phiên âm từ Lô Lô Trại, tức Làng Lô Lô), nơi sinh sống của hơn 100 hộ người Lô Lô và hơn 10 hộ người Mông. Đó là hai dân tộc ít người có nền văn hóa cổ và ấn tượng nhất ở Hà Giang.

Tại Lô Lô Chải có Làng Văn hóa với những homestay của người Lô Lô, nơi du khách có thể được trải nghiệm và cảm nhận nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Lô Lô …

Ai đó nói vui rằng đây là nơi duy nhất trên thế giới còn dùng trống đồng cổ. Thực ra, nhiều tộc ít người khác trên thế giới cũng vẫn giữ được tục đánh trống đồng trong các hội lễ truyền thống.

Tuy nhiên, giờ đây, Lô Lô Chải đúng là nơi duy nhất ở Việt Nam còn có tục đánh trống đồng khi có các hội lễ cổ truyền, các sự kiện văn hóa hiện đại cũng như trong các chương trình phục vụ khách nghiên cứu hay khách du lịch.

Về trống đồng Lô Lô, có nhiều điều độc đáo đáng tìm hiểu.

Nếu tổ tiên người Việt đã sáng tạo ra dạng trống H I hay trống đồng Đông Sơn, dạng trống đồng lưng eo đầu tiên có cỡ lớn, hoa văn đẹp và phong phú nhất như hai trống Ngọc Lũ, Sao Vàng hiện được gìn giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì tổ tiên người Lô Lô đã sáng tạo ra dạng trống đồng H IV, dạng trống đồng cuối cùng có cỡ vừa, dáng lùn, mặt trống khớp với tang và hoàn toàn không có tượng ếch như các dạng trống đồng trước nó. Không ngẫu nhiên, người Mông ở Hà Giang gọi dạng trống đồng H IV mà họ từng có là “trống Lô Lô”.

Tuy nhiên, trong lịch sử, người Lô Lô ở Lũng Cú đã từng dùng cả các dạng trống H I mà họ gọi là “trống trời” để cúng tế trời, trống trung gian giữa H I và H IV có tượng ếch gọi là “trống ếch” dùng trong lễ cúng thần đất và trống H IV gồm cặp “trống đực” và “trống cái” dùng trong đám ma.

Cùng sáng tạo và dùng trống đồng, nhưng nếu người Việt hiện không còn giữ được truyền thuyết về nguồn gốc trống đồng Đông Sơn thì người Lô Lô lại có hai truyền thuyết về nguồn gốc trống đồng.

Truyền thuyết thứ nhất kể: Sau một nạn lụt lớn, chỉ còn hai chị em ruột sống sót nhờ kịp chui vào hai chiếc trống đồng trôi nổi. Theo lời khuyên của vua trời, hai chị em lấy nhau để gây lại nòi giống. Khi già yếu, họ kể cho con cháu nghe sự tích hai chiếc trống và dặn khi họ qua đời thì các con phải đem trống ra đánh để đưa hồn bố mẹ lên trời. Từ đó, người Lô Lô có tục đánh trống đồng trong đám ma. Họ gọi chiếc trống to là trống mẹ hay trống cái, chiếc nhỏ là trống bố hay trống đực.

Trẻ em Lô Lô trong trang phục truyền thống. Nguồn: mia.vn.

Truyền thuyết thứ hai lại kể: Ngày xưa, một dòng họ Lô Lô gọi là họ Mồ (Trời-tức dòng họ vua) đã tạo ra trống đồng có dáng giống dáng người để dùng trong đám ma đưa hồn người chết về với tổ tiên. Họ lại tạo ra chiêng và trống da để dùng trong lễ mừng nhà mới, kèn môi và sáo đôi để dùng cho các cặp trai gái tỏ tình…

Với hai truyền thuyết trên, người Lô Lô lý giải vì sao cặp trống đồng mẹ và bố là nhạc cụ thiêng không thể thiếu trong đám ma Lô Lô; vì sao người Lô Lô coi trống đồng là biểu tượng cho tổ tiên của họ.

Họ cũng cho hay, xưa kia, mỗi dòng họ Lô Lô thường phải có đủ 3 cặp trống. Một cách lý giải cho rằng tục này bắt nguồn từ quan niệm mỗi người sống có ba linh hồn, một hồn trên đầu, một hồn ở bụng và một hồn ở hai chân. Sau khi chết, một hồn về với mẹ Đất, một hồn bay lên với bố Trời, còn một hồn phiêu diêu khắp nơi nhưng trú ngụ tại bàn thờ trong nhà.

Vì thế, trong đám ma, âm thanh 3 cặp trống sẽ đưa ba hồn về 3 nơi khác nhau. Một cách lý giải khác lại cho rằng, theo truyền thuyết, ông tổ đầu tiên của người Lô Lô có 6 người con trai là ông tổ của 6 nhánh Lô Lô ngày nay. Do trống đồng là biểu tượng cho tổ tiên, đám ma phải có 3 cặp gồm 6 chiếc trống tượng trưng cho 6 ông tổ đó.

Với cặp trống đồng phản ánh tâm thức Âm-Dương, người Lô Lô cũng có cách đánh trống đồng duy nhất chỉ thấy ở họ.

Họ đặt hay treo trống đực bên phải, trống cái bên trái ( tức trái với qui tắc nam tả- nữ hữu mà người Việt thường dùng), hai mặt trống quay mặt vào nhau và cách nhau khoảng 30 cm. Người đánh trống ngồi ở giữa, tay phải cầm một dùi đánh vào mặt trống, tay trái cầm một dùi gõ vào tang trống giữ nhịp.

Có ai đó lại nói người Lô Lô có tới 36 điệu trống đồng. Thực ra, đó là con số ước lệ chỉ số lượng lớn (như con số 36 chước, 36 điệu cười). Nhưng quả thực, người đánh trống đồng Lô Lô có thể tùy hứng đánh nhiều điệu khác nhau cho phù hợp với nội dung lời hát của thầy mo khi dẫn hồn người chết qua các miền đất khác nhau trên con đường dài trở về với tổ tiên hay với các các điệu múa mang tính nghi lễ chào khách, mời khách, tiễn khách trong đám ma...

Ngoài hai truyền thuyết trên, người Lô Lô còn có nhiều truyện cổ tích và thơ ca nói về trống đồng, cũng là một điều hiếm có khó tìm ở Việt Nam.

Trong các cổ tích đó, người Lô Lô đưa ra nhiều cách lý giải độc lạ về hoa văn trống đồng. Họ coi hình mặt trời ở giữa mặt trống là mắt của ông trời (điều thật lý thú bởi từ “mặt trời” của người Việt cũng có gốc là “mắt trời”); hình 12 tia mặt trời là 12 tia mắt của trời lần đầu tiên mở ra nhìn đàn khỉ-tổ tiên của người Lô Lô ra đời trong hang núi; hình đàn chim bay quanh mặt trời là đàn cò thường nhặt hạt lúa sót lại trên cánh đồng lớn ở vùng đất tổ tiên, khi cò bay cánh cò che nắng mặt trời tạo ra bóng tối cho vùng “đất ma” của tổ tiên (gợi nhớ tới biểu tượng cò trắng trên trống đồng Đông Sơn và trong ca dao Việt).

Tiếp đó, hoa văn vạch kẻ song song là biểu tượng cho vùng đồng cỏ, một nơi tổ tiên người Lô Lô từng sống; hoa văn sóng nước (chữ S hay xoáy ốc) thể hiện các con sông lớn mà tổ tiên họ từng vượt qua. Rồi hoa văn tam giác (răng cưa) ở chân trống thể hiện một vùng đất quê hương xưa, cũng là hình lá cờ biểu tượng cho vùng đất đó thường được làm giấy trong các nghi lễ cúng tổ tiên của họ.

Rồi vành hoa văn hình người-khỉ múa cách điệu trên mặt trống (một biến thể của hoa văn người-chim cách điệu, trên mặt trống Đông Sơn) thể hiện đoàn “ma cỏ”, tức đoàn người đeo mặt nạ làm bằng mo cau, toàn thân phủ kín cành lá hay cỏ rừng, múa để dẫn đường đưa hồn người chết về với tổ tiên trong đám ma Lô Lô.

Đặc biệt, người Lô Lô có quan niệm trống đồng chính là biểu tượng của con người, dáng trống mô phỏng và cách điệu dáng người (phụ nữ). Vì thế họ gọi chung mặt và tang trống là “đầu trống”, phần giữa là “thân trống”, phần dưới là “chân trống”, tức trống cũng có ba phần chính như cơ thể con người.

Điều lý thú là chính quan niệm trên lý giải sự tương đồng và tương ứng giữa hoa văn trống đồng Lô Lô với hoa văn nữ phục Lô Lô, nhất là nữ phục của nhóm Lô Lô Hoa, bộ nữ phục cầu kỳ nhất với màu sắc sặc sỡ và hoa văn phong phú nhất trong các bộ nữ phục của các tộc người ở Việt Nam.

Quả thực, các dải hoa văn trên tay áo gợi tới các dải hoa văn trên mặt trống. Các mảnh vải ghép nhiều màu hình tam giác, những hạt cườm, hình chim, cá trên khắp khăn áo, tất cả đều tương ứng với hoa văn răng cưa, các hàng nhũ đinh, các hình chim, cá trên mặt trống đồng Lô Lô.

Giờ đây, đến với người Lô Lô ở Lũng Cú, chúng ta có thể xem các cô gái Lô Lô múa trong tiếng trống đồng, từ đó ngắm cả nữ phục Lô Lô và hoa văn trống đồng Lô Lô.

Với những ai từng mong có dịp nghe trực tiếp tiếng trống đồng trong đời, một tin tốt là gần đây, nhà nước đã tặng cho người Lô Lô ở Lũng Cú một đôi phiên bản trống đồng mới do thợ Thanh Hóa đúc thay cho đôi trống cổ truyền đã quá cũ…

TẠ ĐỨC (Nhà dân tộc học)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doc-dao-trong-dong-lo-lo-10269186.html