Độc đáo phong tục thờ cây mía ngày Tết của người Tày

Từ xa xưa, cây mía đã gắn bó mật thiết với đời sống của người Tày ở Cao Bằng. Không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, cây mía còn mang ý nghĩa về mặt tâm linh, nét đẹp trong phong tục thờ cúng mỗi dịp Tết đến xuân về.

Cây mía ngày Tết không chỉ đơn thuần là sản vật thờ cúng tổ tiên mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh của người Tày ở Cao Bằng.

Vào ngày Tết, bên cạnh mâm ngũ quả tượng trưng cho âm dương - ngũ hành, các gia đình người Tày ở Cao Bằng thường tìm và mua lấy hai cây mía thật to, thẳng để dựng bên bàn thờ tổ tiên. Cây mía được chọn phải có cả thân và ngọn, khúc đều, không bị sâu đục, các mắt đang nhú mầm được xem là tốt nhất. Nếu như việc mua muối đầu năm mang ý nghĩa vị mặn của muối giúp xua đuổi những điều kém may mắn trong năm cũ và đem lại no đủ, tốt lành trong năm mới thì sự ngọt ngào của cây mía lại có ý nghĩa đem đến tài lộc với mong ước tổ tiên sẽ phù hộ và ban phúc cho gia đình.

Bà Nông Thị Mới, tổ 2, thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình) vẫn giữ phong tục thờ cây mía vào mỗi dịp tết. Bà Mới cho biết: Phong tục này có từ xa xưa, ngay khi còn nhỏ tôi được theo mẹ ra chợ chọn mua mía để đặt bên bàn thờ mỗi khi Tết đến xuân về. Trước khi cây mía được đặt bên bàn thờ, người Tày quê tôi thường buộc lá thật gọn gàng, uốn thành hình vòng cung như sự kết nối hai thế giới âm dương, là chiếc cầu dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới, sum vầy cùng con cháu trong những ngày đầu tiên của năm mới.

Cũng theo quan niệm của người Tày, cây mía được xem là nấc thang kết nối giữa con người với thế giới hư vô, thể hiện cho các bước phát triển của một kiếp người từ khi sinh ra, lớn lên, lập gia đình và kết thúc sự tồn tại bằng cách nở hoa. Hình ảnh bông mía được xem là sự kết thúc cũng là khởi đầu một cuộc sống mới. Bởi vậy, việc sử dụng cây mía trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên được xem là sự trọn vẹn thủy chung, là nấc thang gắn kết với tổ tiên trên trời, vừa thể hiện cho ước nguyện về một năm mới vạn sự hanh thông, ngọt lành và nhiều tài lộc...

Tỉ mỉ chọn cây mía có thân đẹp, thẳng để về chưng tết, bà Mông Thị Hiền, xóm Hợp Nhất, xã Lý Quốc (Hạ Lang) cho biết: Trong tâm thức của tôi, bàn thờ tổ tiên ngày Tết chưa bao giờ thiếu đi hình ảnh vươn cao của hai cây mía. Cây mía được xem là đòn gánh, chở những sản vật, là thành quả lao động mà chúng tôi làm được trong năm để gửi đến tổ tiên vào ngày tiễn ông bà về sau 3 ngày ăn Tết cùng con cháu. Có khi trên chặng đường đi nếu gặp phải cô hồn thì chính “đòn gánh” ấy là vũ khí để xua đuổi chúng hay qua những khúc sông vắng không cầu, không đò..., mía lại trở thành cây cầu để lộ trình của tổ tiên được thuận lợi.

Sau lễ cúng hóa vàng vào ngày mùng 3 Tết, nhiều gia đình đợi qua Rằm tháng Giêng mới bắt đầu hạ mía. Còn người dân quê tôi sẽ hạ mía ngay lúc đó, rồi róc vỏ, chặt thành từng khúc nhỏ để cả gia đình cùng thưởng thức. Lúc này, mía đang còn tươi mới sẽ ngọt hơn, mát hơn và được xem là “lộc”, mang lại một năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh cho gia đình.

Mía là một loại cây có hương vị ngọt thanh, thân rắn chắc, vươn thẳng mạnh mẽ. Vì thế, khi chọn cây mía làm sản vật thờ cúng, người Cao Bằng đã gửi vào đó những ước mong gắn liền với đặc trưng của nó. Chính vì vậy, cây mía ngày Tết không chỉ đơn thuần là sản vật thờ cúng tổ tiên mà trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh của Tày nơi đây.

Thu Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doc-dao-phong-tuc-tho-cay-mia-ngay-tet-cua-nguoi-tay-3167447.html