Độc đáo nghề 'ăn ong' ở U Minh Hạ

Từ thời đi khẩn hoang, mở đất, cây tràm đã có mặt khắp nơi trên vùng đất U Minh Hạ - Cà Mau. Người dân miệt rừng đã U Minh nghĩ ra cách gác kèo để ong về xây tổ, từ đó, nghề gác kèo ong đã ra đời. Ngày 20.12.2019 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề gác kèo ong ở huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia theo Quyết định số 4613/QĐ-BVHTTDL.

Xây nhà cho ong

Theo lời kể của những người có thâm niên trong nghề gác kèo, ngày xưa, khi mới đến khẩn hoang, người ta chỉ biết đi tìm tổ ong có sẵn để lấy mật. Lâu dần, bằng những kinh nghiệm dân gian, người dân miệt rừng U Minh nghĩ ra cách gác kèo để dụ ong về xây tổ, từ đó ra đời nghề gác kèo ong. Thông thường, vào mùa ong hạn (khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm), những đàn ong mật bắt đầu đi tìm nơi xây tổ,

Đây cũng là lúc thợ gác kèo ong chuẩn bị bộ kèo, gồm thân kèo, trụ đỡ và cây nạng “xây nhà” cho ong. Muốn ong đến làm tổ, người gác kèo truyền tai nhau nhiều kinh nghiệm từ vị trí gác kèo sao cho cả sáng và chiều đều có ánh mặt trời chiếu, kèo phải được gác theo hình mái nhà và thời gian gác kèo tốt nhất là từ lúc mặt trời mọc đến 9 giờ sáng. Biết tập tính loài ong chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà, người gác kèo phải biết chọn cây tràm thấp và trổ bông kéo dài đủ cho ong lấy mật; kế đến chọn hướng gió, và khoảng trống để ong bay lên đi lấy mật và đáp xuống dễ dàng.

Để cắt được những tổ ong đầy mật, những người thợ gác kèo ong phải cắt những miếng rễ gừa, đập nhuyễn, phơi khô, sau bó thành đuốc hun khói. Tuy nhiên, để hạn chế nạn cháy rừng, ngày nay thợ ăn ong đã biết cách chế tạo bình hun khói dùng thay đuốc. Khi ong bay ra khỏi tổ, thợ gác kèo phải nhanh tay dùng dao cắt “cục mứt” (phần chứa nhiều mật) mang về và để lại một phần tổ cho đàn ong tiếp tục công việc xây tổ của mình.

Khi cắt được những miếng tàn ong đầy mật mang về, những người gác kèo ong dùng tay vắt lấy mật. Mỗi tổ ong thường “ăn” được 3 - 4 lần thì ong bỏ đi nơi khác. Mỗi lần ăn ong, người ta có thể lấy được hàng chục lít mật. Nhiều lão nông ở miệt rừng U Minh hạ kể lại rằng: trong những thập kỷ 40, 50 của thế kỷ trước, mật ong lấy về người ta chỉ biết chứa trong mái vú, mái bâu. Mật ong là thứ nguyên liệu quý trong y học, chế biến thực phẩm. Ong non là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Những năm trúng mùa, người ta còn dùng ong non để nấu cháo, làm gỏi, làm mắm ong. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận sản phẩm mật ong U Minh Hạ là nhãn hiệu tập thể. Phần còn lại của tổ ong (gọi là sáp) làm nguyên liệu sản xuất đèn cầy, đèn thắp sáng. Sở dĩ nghề gác kèo ong còn được gọi là nghề “ăn ong” là vì mỗi khi lấy mật ở tổ, thợ ăn ong thường thưởng thức ngay một phần mật và tàng ong non để thẩm định chất lượng của mật. Vì tập quán của con ong là khi lớn lên sẽ tách đàn làm tổ ong mới, tiếp tục cho mật, vào mùa khô mật ong nhiều và chất lượng tốt hơn mùa mưa, vì mùa mưa là mùa sinh sản, ong ít làm mật, lượng nước trong mật nhiều.

Nghề ăn ong của người dân U Minh hạ ngày càng được nhiều người biết đến
Nguồn: ITN

"Ăn ong" thời công nghệ

Hiện nay, một trong những truyền nhân của nghề ăn ong nổi tiếng là chàng thanh niên Phạm Duy Thái ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Năm nay 21 tuổi nhưng Thái đã có thâm niên “ăn ong” 6 năm. Hiện nay, Thái đã có một kênh Youtube đăng tải thông tin về sản vật, đời sống nơi đất rừng U Minh hạ. Đồng thời, những clip đăng tải về các chuyến đi ăn ong đã giúp kênh của em có hơn 12.000 lượt theo dõi.

Thái kể, khi bắt đầu làm nghề, mỗi tháng em chỉ thu được khoảng 20 lít mật ong, mà đầu ra cũng khó tìm. Cái khó ló cái khôn, Thái nghĩ ra việc lập một kênh Youtube lấy tên là “Săn bắt rừng tràm” và đăng tải những clip độc đáo nơi mình sinh sống. Mỗi lần "ăn ong", Thái vừa làm vừa ghi hình, làm đến đâu, em giải thích cho khán giả tới đó để mọi người cùng đồng hành. Khi tận mắt được chứng kiến quá trình lấy mật, lượng khách của Thái ngày càng tăng. Hiện nay, Duy Thái gác kèo ong trên 40ha đất của gia đình và thuê của người dân địa phương. Vào mùa “ăn ong”, em thu được khoảng 100 lít mỗi tháng nhưng không đủ cung cấp cho các đơn đặt hàng. Kênh Youtube của Duy Thái còn giúp bán khoảng 200 lít mật mỗi tháng cho người dân tại địa phương. Đặc biệt, em còn chế tạo ra bình phun khói chuyên dùng giúp việc việc bắt ong thuận lợi hơn.

Năm 2019, trước vấn nạn cháy rừng ngày một báo động, Thái tham khảo thiết kế của bình phun khói được cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ cho người đi “ăn ong”, đồng thời lên mạng đặt mua các mạch điện tử, mô tơ về tìm tòi, lắp ráp thành bình phun khói chuyên dụng. So với bình phun khói thông thường, bình do Thái sáng tạo có ưu điểm là dùng được các nguyên vật liệu có sẵn, rác thải tái chế như vỏ hộp sữa, lá chuối khô, lá dừa khô để tạo khói và đẩy khói đi được xa hơn. Nhiều người biết đến đặt mua bình phun khói nhưng Duy Thái không làm bán. tuy nhiên, em đã chia sẻ chi tiết cách làm bình lên kênh Youtube của mình và cũng chế tạo thêm bình phun khói để tặng những người thân quen.

Vũ Châu- Trọng Nghĩa

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/doc-dao-nghe--an-ong-o-u-minh-ha-i306559/