Độc đáo bánh dày ngô của người Mông

Đối với đồng bào Mông, ngô là cây trồng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế. Từ cây ngô, đồng bào Mông chế biến thành nhiều món ăn với hương vị đậm đà, trở thành văn hóa ẩm thực độc đáo, mang bản sắc của người Mông, một trong số đó có món bánh dày ngô.

Nếu như bánh dày truyền thống của người Mông được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo thì bánh dày ngô lại được làm từ hạt ngô nếp già. Hạt ngô nếp được chọn phải là ngô nếp vùng cao không pha tạp, hạt đều, bắp to, màu trắng sữa đục. Chính vì yêu cầu khắt khe không bị pha lẫn bởi những giống ngô khác khi cây đơm hoa thụ phấn nên ngô nếp của đồng bào Mông thường là ngô nếp nương, trồng ở những nương rẫy độc lập để cây ngô tự thụ phấn, không lẫn với các giống ngô khác.

Hạt ngô nếp nương sau khi thu hoạch đem tẽ nhỏ, phơi dưới nắng giúp hạt ngô khô hơn, kết tinh được nhiều tinh bột hơn lại vừa là phương pháp bảo quản tránh mốc, mọt khi chưa dùng đến. Hạt ngô nếp đồ làm bánh dày được giã thủ công, do vậy khi hạt ngô phơi cũng phải đủ nhiệt độ để khi xay xát hạt ngô không bị nát mà vẫn giữ được vị thơm ngon và độ dẻo cho bánh.

Để làm bánh, người dân đem hạt ngô nếp già ngâm trong nước cho đến khi hạt mềm, sau đó xay nhỏ, tách bỏ vỏ và mày ngô. Tiếp đó mang đi đồ chín rồi đem giã.

Giã bánh phải là những người đàn ông khỏe mạnh, thường là hai thanh niên đứng hai bên để giã bánh, giã liên tiếp đến khi ngô nhuyễn đều, càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, dính quyện lấy nhau.

Khi giã xong, bột ngô vẫn còn nóng thì nặn bánh thành miếng hình tròn to bằng bàn tay. Để tạo vị cho món bánh thơm ngon, người Mông lấy vừng đen rửa sạch, rang trên chảo gang, đem về giã qua rồi lăn chung vào bánh.

Món bánh dày ngô của người Mông.

Bánh ăn ngon khi vừa làm xong, còn nóng. Với vị ngọt của ngô, bùi thơm của vừng, bánh dày ngô tạo nên hương vị rất riêng biệt không lẫn với loại bánh nào khác. Những ngày sau, khi bánh không còn mềm dẻo, có thể cắt thành những miếng nhỏ mang rán hoặc nướng cả chiếc bánh cạnh bếp lửa rồi chấm mật ong rừng hay đường phên đun chảy càng làm dậy lên hương vị thơm ngon của ẩm thực vùng cao.

Bánh dày ngô thường được đồng bào Mông làm vào những dịp lễ, tết hoặc những ngày quan trọng của gia đình như đám cưới, đám ma. Tuy đơn giản, không cầu kỳ nhưng bánh dày ngô chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo, nhất là các giá trị về ẩm thực, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Mông.

Thủy Tiên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doc-dao-banh-day-ngo-cua-nguoi-mong-3169121.html