Độc đáo ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc lại có những món ăn truyền thống được chế biến theo cách thức khác nhau, mang hương vị đặc trưng riêng biệt, tạo nên nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của các đồng bào nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

1. Vào những ngày Tết, du khách có dịp ghé thăm và thưởng thức ẩm thực độc đáo của người dân tộc Cao Lan, xã Quang yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc chắc chắn sẽ là trải nghiệm tuyệt vời. Những món ăn dù giản dị nhưng lại mang hương vị vô cùng đặc biệt của người dân nơi đây.

 Bánh chim gâu, món ăn truyền thống của người dân tộc Cao Lan mỗi khi Tết đến Xuân về.

Bánh chim gâu, món ăn truyền thống của người dân tộc Cao Lan mỗi khi Tết đến Xuân về.

Nhắc đến món ăn ngon độc đáo, lạ mắt của người Cao Lan phải kể đến các loại bánh chim gâu, món ăn truyền thống của người dân tộc Cao Lan mỗi khi Tết đến Xuân về. Đúng như tên gọi, những chiếc bánh này có hình thù giống con chim, được làm từ gạo nếp nương gói trong lá dứa rừng, được gười dân Cao.

Theo các vị cao niên kể lại, món bánh chim gâu của người Cao Lan bắt nguồn từ sự tích nàng Slau Slam thương cảm con chim gâu mẹ chết bên đường trong lúc đi kiếm thức ăn cho đàn chim con. Nàng đã lấy thức ăn trong diều của chim mẹ mớm cho chim non, rồi dùng lá dứa rừng đan làm giỏ đưa chúng về nhà nuôi. Từ đó, nàng nghĩ ra cách làm loại bánh hình chim gâu từ lá dứa rừng để tưởng nhớ tình mẫu tử thiêng liêng.

Mặc dù nguyên liệu chính để làm bánh chim gâu chỉ là gạo nếp ngon, thế nhưng với cách chế biến cầu kỳ, món bánh chim gâu vẫn có những nét riêng biệt. Gạo nếp sẽ được vo sạch, để ráo thì gạo nếp được trộn cùng một chút muối để bánh có vị đậm đà. Hiện nay, để phù hợp với sở thích và khẩu vị, người ta còn thêm vào các nguyên liệu khác như đỗ xanh, thịt hoặc dùng các loại lá tự nhiên nhuộm màu cho bánh.

 Lá bánh được người Cao Lan tìm chọn rất kỹ lưỡng.

Lá bánh được người Cao Lan tìm chọn rất kỹ lưỡng.

Đặc biệt, bánh chim gâu sẽ được gói bằng lá dứa rừng, loại lá quen thuộc có hương vị thơm ngon. Lá sau khi hái sẽ được mang đi rửa sạch, để khô rồi tước bỏ phần gai và chẻ bỏ phần thân cứng. Tiếp đó, người làm bánh sẽ khéo léo đan lá dứa rừng thành hình chim gâu (còn được gọi là chim cu gáy). Đây cũng là công đoạn khó nhất, cầu kỳ nhất trong quá trình làm bánh.

Sau khi đan xong vỏ bánh, gạo nếp được nhồi đầy trong vỏ bánh cho chặt và đan kín lại trước khi mang đi luộc chín. Để bánh chim gâu ngon, chín đều và không bị nhão, người ta phải canh lửa và thêm nước thường xuyên sao cho chiếc bánh luôn ngập trong nước. Sau khi luộc trong khoảng 12 giờ đồng hồ, bánh chim gâu sẽ chín và được vớt ra để chỗ thoáng mát cho nguội, ráo nước.

 Những chiếc bánh nhỏ nhắn này cũng chứa đựng được tình yêu thương và sự quan tâm mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau.

Những chiếc bánh nhỏ nhắn này cũng chứa đựng được tình yêu thương và sự quan tâm mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau.

Không chỉ là một món bánh có hương vị hấp dẫn, bánh chim gâu còn được người Cao Lan gửi gắm những ý nghĩa lớn về tình mẫu tử. Ngoài ra, những chiếc bánh nhỏ nhắn này cũng chứa đựng được tình yêu thương và sự quan tâm mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau.

Ngày nay, người Cao Lan vẫn làm bánh chim gâu trong bữa ăn hằng ngày. Để tăng thêm hương vị cho món ăn, nhiều gia đình dùng đỗ xanh, thịt lợn làm nhân bánh. Trong các dịp lễ hội xuống đồng, khánh thành khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Đồng Dong, các món bánh nhỏ xinh với hình thù ngộ nghĩnh, bắt mắt được trưng bày tại gian hàng ẩm thực đã thu hút thực khách đến tham quan, thưởng thức, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc Cao Lan.

 Ngày nay, người Cao Lan vẫn làm bánh chim trong bữa ăn hằng ngày. Để tăng thêm hương vị cho món ăn, nhiều gia đình dùng đỗ xanh, thịt lợn làm nhân bánh.

Ngày nay, người Cao Lan vẫn làm bánh chim trong bữa ăn hằng ngày. Để tăng thêm hương vị cho món ăn, nhiều gia đình dùng đỗ xanh, thịt lợn làm nhân bánh.

Chị Nguyễn Thị Nụ du khách từ Ninh Bình chia sẻ: "Tết năm nay tôi không ăn Tết ở nhà, mà cùng gia đình đi chu du tại tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tại Vĩnh Phúc ngoài danh lam thắng cảnh rất đẹp ra còn có ẩm thực khiến tôi và gia đình không thể quên.

Khi gia đình tôi từ Tam Đảo về, có đi tham quan Thiền viện trúc lâm Tuệ Đức. Sau khi đi tham quan thiền viện, chúng tôi có tìm hiểu đặc sản ở Sông Lô. Tôi thấy mọi người nói Tết này thì nên đi xem trải nghiệm làm bánh chim gâu và thưởng thức nó rất ngon. Vậy là, gia đình tôi đã được một số bạn bè ở Sông Lô dẫn đi trải nghiệm tại một số đồng bào dân tộc Cao Lan. Cách làm bánh đã rất thú vị nhưng khi thưởng thức bánh thì thật là tuyệt vời. Tôi chỉ có thể nói một câu, 10 điểm cho chất lượng".

2. Cách mảnh đất Quang Yên, Sông Lô, không xa, người dân tộc Sán Dìu ở Tam Đảo lại có món bò tái kiến đốt vô cùng độc đáo. Bò tái kiến đốt là món ăn không chỉ có tên gọi lạ, mà còn có công thức chế biến kỳ công. Chỉ có ở Tam Đảo, du khách mới có thể thưởng thức món ăn này một cách đúng vị nhất và hầu như không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Vì vậy, nếu có một chuyến du lịch Tam Đảo, du khách không nên bỏ lỡ món ăn có một không hai này tại tỉnh Vĩnh Phúc.

 Những miếng thịt bò đem đi nướng vẫn còn những con kiến nhìn bắt mắt, độc, lạ.

Những miếng thịt bò đem đi nướng vẫn còn những con kiến nhìn bắt mắt, độc, lạ.

Những con bò mới mổ, thịt còn nóng, sẽ được cắt từng tảng đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng. Sau đó, người ta chọc cho lũ kiến trong tổ bung ra, bâu kín miếng thịt. Miếng thịt càng nóng, thơm càng kích thích lũ kiến. Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh, người dân nơi đây chỉ chọn những tổ kiến trên cây. Muốn miếng thịt khi chế biến có sự đa dạng, phong phú trong hương vị, người ta sẽ treo miếng thịt ở nhiều tổ kiến. Điều đặc biệt ở món ăn này là mỗi loại kiến khi đốt sẽ tạo ra một vị riêng.

Ví dụ như kiến vống đen đốt sẽ tạo ra mùi thơm hắc, kiến vống đỏ đốt thì tạo ra vị thơm chua chua, hay có những loại kiến cho vị ngọt, cay cay… Người sành ăn sẽ nhận ra, cảm nhận được sự khác biệt trong hương vị được tạo nên bởi mỗi loại kiến. Sau khi kiến bâu xong, thịt sẽ được đem rửa qua lớp nước muối loãng, để ráo rồi mới đem thui trên bếp than hồng tới khi chín tái. Những miếng thịt bò tái kiến đốt săn lại, chảy nước xèo xèo ngay trên bếp lửa, tỏa mùi hương thơm nức, kích thích vị giác của bất cứ ai.

Để miếng thịt bò không bị cháy quá mà vẫn chín đều, người đầu bếp phải nhanh tay lật thật đều cho hơi nóng từ than hồng thấm vào từng thớ thịt. Miếng thịt được coi là đạt chuẩn khi thịt tái hồng hào, không bị cháy sạm, bị đen. Sau đó thịt sẽ được đem thái mỏng, bày lên đĩa theo từng loại, từng món riêng biệt.

 Để miếng thịt bò không bị cháy quá mà vẫn chín đều, người đầu bếp phải nhanh tay lật thật đều cho hơi nóng từ than hồng thấm vào từng thớ thịt.

Để miếng thịt bò không bị cháy quá mà vẫn chín đều, người đầu bếp phải nhanh tay lật thật đều cho hơi nóng từ than hồng thấm vào từng thớ thịt.

Thịt tài bò kiến đốt là món công phu từ nguyên liệu, cách làm đến cả các nguyên liệu ăn kèm và cách ăn. Ngoài các loại rau sống ăn kèm thì không thể thiếu được chuối xanh và rau ngổ. Chuối xanh rửa sạch, để cả vỏ và thái lát cho vào bát nước cùng với một chút nước cốt chanh. Một số loại rau sống không thể không kể đến, đó là chuối chát, khế chua, rau ngổ và rau thơm…

Tương chấm món bò tái kiến đốt là một loại tương làm từ ngô và đậu, pha thêm gừng băm nhỏ và một chút đường. Khi ăn, thực khách đặt miếng thịt bò trên rau sống, tiếp theo là một lát chuối nhỏ và một chiếc rau ngổ. Sau đó cuốn chúng lại, nhúng vào bát nước chấm và thưởng thức.

Du khách sẽ cảm nhận mùi thơm độc đáo của thịt, vị chát, chua, ngọt hòa quyện rất thú vị. Món ăn này còn ngon hơn khi mà bạn được thưởng thức trong tiết trời mát lạnh của núi rừng Tam Đảo. Món ăn này được bán trong một số nhà hàng đặc sản, có giá khoảng từ 300.000 đến 500.000 đồng/kg.

Món ăn thơm ngon, độc đáo này cũng lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận năm 2022.

3. Ngoài món bò tái kiến đốt và bánh chim gâu, ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc rất phong phú và đa dạng. Nhiều món ăn nổi tiếng như xôi đen, bánh chưng gù (dân tộc Sán Dìu); món bún, cơm lam, rượu men lá (dân tộc Cao Lan); xôi ngũ sắc (dân tộc Dao)… được chế biến để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.

Những món ẩm thực truyền thống này đã góp một phần quan trọng trong hành trình khám phá, trải nghiệm của du khách khi đến Vĩnh Phúc tham quan, trải nghiệm.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-am-thuc-truyen-thong-cua-dong-bao-cac-dan-toc-o-vinh-phuc-post284329.html