Doanh nghiệp Yên Bái chủ động nâng cao trình độ người lao động

Để sở hữu nguồn lao động phù hợp với nhu cầu, các doanh nghiệp (DN), chủ sử dụng lao động ở Yên Bái đã phối hợp với các cơ sở đào tạo cùng đào tạo, đào tạo lại để người lao động (NLĐ) có điều kiện hoàn thiện tay nghề và đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc.

Người lao động làm việc tại Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn luôn được đơn vị tạo điều kiện phát huy sáng kiến trong công việc.

Người lao động làm việc tại Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn luôn được đơn vị tạo điều kiện phát huy sáng kiến trong công việc.

Những năm qua, toàn tỉnh đã có 18.020 lượt NLĐ thuộc các DN được cử đi học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; 23.000 lượt NLĐ học tập nâng cao tay nghề; 5.500 lượt NLĐ thi tay nghề… Các DN cũng đã dành thời gian và kinh phí tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tay nghề cho gần 8.000 lượt NLĐ.

Ngoài ra, việc khơi dậy và phát huy sự sáng tạo của mỗi NLĐ được các DN đặc biệt chú trọng thông qua việc phát động các phong trào thi đua. Từ các phong trào thi đua sôi nổi, đã tạo động lực cho NLĐ nghiên cứu, sáng tạo ra những sáng kiến làm lợi nhiều tỷ đồng cho DN, góp phần hỗ trợ DN bứt phá vươn lên…

Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (viết tắt là Công ty Sứ) những năm trước đây phải nhập trường thạch Natri của Lào Cai với giá cao để sản xuất xương sản phẩm sứ điện. Tuy nhiên, bên cạnh giá thành cao thì nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất cũng gặp khó khăn do không chủ động nguồn nguyên liệu.

Trước khó khăn của Công ty, tháng 2/2021, anh Nguyễn Văn Nại - cán bộ điều hành sản xuất Xí nghiệp Sứ, Công ty Sứ đã đưa ra sáng kiến thay đổi tỷ lệ trường thạch Lào Cai sang trường thạch Yên Bái trong bài phối liệu xương. Với lợi thế, trường thạch Kani Yên Bái có giá thấp hơn cùng với nguồn nguyên liệu thạch Kani của nhiều công ty trên địa bàn tỉnh cung cấp phục vụ để Công ty sản xuất. Sáng kiến của anh Nại được Công ty đánh giá cao với hiệu quả ổn định tỷ lệ thu hồi và tính chất kỹ thuật của sản phẩm làm lợi cho Công ty 300 triệu đồng/năm.

Ông Vũ Ngọc San - Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Sứ cho biết: "Để chủ động nguồn lao động phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động, Công ty đã tích cực tổ chức cho NLĐ học tập nâng cao trình độ, học nghề và thường xuyên tổ chức các hội thi luyện tay nghề, cuộc thi thợ giỏi; thi đua "Lao động giỏi, sáng tạo với năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả” cùng với đó là phong trào thi đua áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất thu hút đông đảo NLĐ tham gia. Từ các phong trào thi đua đã tạo động lực để NLĐ phát huy năng lực, sở trường, góp phần đạt hiệu quả tối đa trong lao động”.

Trong điều kiện hội nhập sâu rộng, DN phải áp dụng nhiều công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu. Việc tuyển dụng đối tượng lao động phù hợp với vị trí việc làm không hề dễ, bởi kể cả NLĐ qua đào tạo vẫn còn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Ngoài Công ty Sứ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phong trào thi đua áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất thu hút đông đảo NLĐ tham gia. Qua đó, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác nâng cao chất lượng, trình độ của NLĐ.

Không trông chờ vào các cơ sở đào tạo nghề, những năm qua, các DN, chủ sử dụng lao động tích cực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng lao động. Thực tế cho thấy, sự tích cực vào cuộc của DN đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, NLĐ có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững luôn được các DN thu hút bằng những chế độ ưu đãi về lương bổng… Đặc biệt, để sở hữu nguồn lao động phù hợp với nhu cầu, các DN cũng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo cùng đào tạo, đào tạo lại để NLĐ có điều kiện hoàn thiện tay nghề và đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, trình độ của NLĐ, DN cần chủ động trong việc liên kết với các ngành, chính quyền và xây dựng kế hoạch đào tạo; chú ý xây dựng văn hóa DN, tạo môi trường làm việc thân thiện và chuyên nghiệp để thu hút được nhân viên giỏi. Bên cạnh đó, DN cần sáng tạo trong việc công nhận và khen thưởng công nhân để họ cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm, đồng thời tạo động lực cho NLĐ phấn khởi làm việc. Có như vậy mới đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng mà DN cần, góp phần tạo việc làm cho xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất cho DN và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Thu Hiền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/322942/doanh-nghiep-yen-bai-chu-dong-nang-cao-trinh-do-nguoi-lao-dong.aspx