Doanh nghiệp xuất khẩu thép kỳ vọng 'thoát' thuế chống bán phá giá tại Thái Lan

Nếu chứng minh được không bán phá giá, 10 nhà sản xuất, xuất khẩu thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu của Việt Nam sẽ không còn bị áp mức thuế tới hơn 60%, giống như vụ việc Thái Lan chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn hồi năm 2020.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) mới đây nhận được thông tin về việc Bộ Ngoại thương Thái Lan (DFT) đã khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 9/2015, DFT đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu của Việt Nam. Cuối tháng 3/2017, DFT ban hành quyết định cuối cùng trong vụ việc, áp thuế chống bán phá giá từ 4,3% - 60,26% đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm và từ 6,2% - 40,49% đối với thép phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam. Mức thuế chống bán phá có hiệu lực trong vòng 5 năm.

Doanh nghiệp xuất khẩu thép kỳ vọng không còn bị áp thuế chống bán phá giá tại Thái Lan (Ảnh: TL)

Doanh nghiệp xuất khẩu thép kỳ vọng không còn bị áp thuế chống bán phá giá tại Thái Lan (Ảnh: TL)

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, DFT đã gửi bản câu hỏi và yêu cầu các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan của Việt Nam nộp bản trả lời trước 16h30 ngày 2/5/2022 (giờ Bangkok).

Các nhà sản xuất, xuất khẩu thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam được nêu tên trong danh sách điều tra rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá là: Tập đoàn Hoa Sen, CTCP Thép Nam Kim, Công ty TNHH MTV Tôn Hòa Phát, CTCP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, CTCP Maruichi Sun Steel, CTCP Tôn Đông Á, CTCP Đại Thiên Lộc, Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam, Công ty Thép Miền Nam.

Các nhà sản xuất, xuất khẩu thép phủ màu của Việt Nam được nêu tên được nêu tên trong danh sách điều tra rà soát cuối kỳ là: Tập đoàn Hoa Sen, CTCP Thép Nam Kim, Công ty TNHH MTV Tôn Hòa Phát, CTCP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, CTCP Maruichi Sun Steel, CTCP Tôn Đông Á, CTCP Đại Thiên Lộc, Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam, Công ty Thép Miền Nam, CTCP Tôn mạ màu Fujiton.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan phối hợp trả lời bảng câu hỏi và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của DFT. Đồng thời, thường xuyên liên lạc với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, vụ việc này sẽ diễn ra suôn sẻ như hồi năm 2020 - Thái Lan chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn từ ngày 7/6. Theo đó, DFT cho biết, sau 6 năm áp dụng biện pháp tự vệ, ngành sản xuất nội địa Thái Lan đã được cải thiện, không có bằng chứng về thiệt hại hay đe dọa nghiêm trọng gây ra cho ngành sản xuất nội địa do nhập khẩu tăng, vì vậy không cần thiết phải mở rộng việc thực thi các biện pháp bảo vệ chống lại hàng nhập khẩu.

Đây là vụ việc Thái Lan đã khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ từ năm 2014, đã trải qua 3 lần rà soát, mức thuế tự vệ trước khi biện pháp được dỡ bỏ lần lượt là 21.00% - 20.87% - 20.74% của giá CIF trong 3 năm từ 7/6/2017 - 6/6/2020.

Đức Nguyễn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-thuong/doanh-nghiep-xuat-khau-thep-ky-vong-thoat-thue-chong-ban-pha-gia-tai-thai-lan-1084602.html