Doanh nghiệp với bài toán xây dựng vùng nguyên liệu

Đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến, nguồn nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của nhà máy cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Sự gián đoạn về nguồn cung ứng nguyên, vật liệu hay các sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đáp ứng các đơn hàng, cũng như sự phát triển bền vững của DN.

Công ty Cổ phần Thực phẩm GC thành công nhờ xây dựng được nguồn nguyên liệu bền vững. Ảnh: Văn Gia

Công ty Cổ phần Thực phẩm GC thành công nhờ xây dựng được nguồn nguyên liệu bền vững. Ảnh: Văn Gia

Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ, cơ hội vươn lên chiếm lĩnh thị trường ngày càng lớn thì việc chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu được DN rất quan tâm.

* Đóng vai trò tiên quyết trong hoạt động sản xuất

Công ty TNHH Phương Hoàng Minh (huyện Long Thành) chuyên cung ứng tinh bột khoai mì cho các nhà máy sản xuất bột ngọt trong khu vực. Tuy nhiên, hoạt động của DN này nhiều năm qua chưa đạt hiệu quả tối đa về công suất. Do nguồn nguyên liệu khoai mì còn phục thuộc vào thời vụ nên vẫn có những tháng DN chỉ duy trì công suất ở mức thấp nhất. Điều này ảnh hưởng lâu dài đến kế hoạch phát triển của DN.

Theo ông Hoàng Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phương Hoàng Minh, hạn chế trước nay là DN mới chỉ có công nghệ chế biến tinh bột khoai mì tươi nên phụ thuộc vào mùa vụ. Từ đó, công ty quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất tinh bột khô để có thể dự trữ được sản phẩm lâu dài. Cuối năm 2023, hồ sơ dự án đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho việc đầu tư của DN.

Cũng theo ông Phương, vấn đề hiện nay là việc khó khăn trong cung ứng nguyên liệu; diện tích trồng khoai mì của Đồng Nai đang thu hẹp nhanh do nhiều diện tích đất chuyển sang công nghiệp và dự án hạ tầng. Công ty đang nỗ lực để có thể xây dựng được nguồn nguyên liệu ổn định hơn, nhất là đi đến các địa phương khác hợp tác trong việc trồng mì và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Tương tự, Công ty TNHH Woosung Việt Nam (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 20 năm trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Nhà máy của DN này ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) và hệ thống đại lý rộng khắp khu vực miền Nam. Do nguồn nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi ngày càng khó khăn, nhất là những nguyên liệu thô, DN phải nhập khẩu. Những năm qua, DN đã cố gắng thực hiện các giải pháp nhằm tìm các nhà cung ứng nguyên liệu trong nước, nhất là tại các địa phương có sự phát triển về các sản phẩm nguyên liệu, nông sản.

Đại diện của DN cũng chia sẻ, việc tăng trưởng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi là điều vô cùng khó khăn, vì mức độ cạnh tranh rất lớn. Công ty cũng mang các sản phẩm của mình xuất khẩu sang thị trường các nước lân cận. Do đó, Woosung Việt Nam sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để hình thành chuỗi khép kín hướng tới phát triển bền vững.

* Chủ động hơn trong xây dựng vùng nguyên liệu

Đối với Công ty Cổ phần Thực phẩm GC (huyện Trảng Bom), Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Nguyễn Văn Thứ cho hay, tăng trưởng của DN trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 tương đối khả quan. Đầu năm, doanh thu xuất khẩu của DN tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. DN đang có đơn hàng cả năm với sản lượng và giá trị tăng cao. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường rất chuộng nha đam và thạch dừa của Việt Nam.

Trong chuỗi sản xuất khép kín, vai trò của các nhà cung cấp nguyên liệu luôn chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển bền vững, nhất là khi Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để tạo đà tăng trưởng, DN cho biết đang mở rộng quy mô, tạo vùng nguyên liệu bền vững. Đặc biệt, DN đã đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất với công suất được nâng lên 25 ngàn tấn cho nhà máy nha đam và 20 ngàn tấn cho nhà máy thạch dừa. DN còn liên kết chặt chẽ với nông dân tỉnh Ninh Thuận để có vùng nguyên liệu nha đam ổn định về số lượng, chất lượng phục vụ cho sản xuất. Nguồn cung này sẽ đáp ứng được 30% tổng nhu cầu của DN trong năm nay. Trong khi đó, phục vụ cho nhà máy thạch dừa là vùng dừa nguyên liệu rộng lớn ở tỉnh Bến Tre. Liên kết với nông dân xây dựng nguồn nguyên liệu, chủ động khi quy mô sản xuất, xuất khẩu gia tăng là kinh nghiệm mà DN này nắm bắt được trong thời gian qua.

Tương tự, nhiều năm qua, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) là DN xây dựng thành công vùng nguyên liệu cho sản xuất. Ngoài vườn ca cao 5 hécta đang làm điểm du lịch cộng đồng, DN cũng tổ chức được hàng chục câu lạc bộ trồng ca cao và quy hoạch vùng nguyên liệu hàng trăm hécta ở Đồng Nai và Tây Nguyên.

Thời gian qua, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai là đơn vị tiên phong trong hợp tác với nông dân, lâm trường để xây dựng vùng nguyên liệu gỗ hợp pháp. Đồng Nai có hơn 40 ngàn hécta rừng sản xuất, chủ yếu là cây keo lai. Hiện nay, tại các huyện Xuân Lộc và Định Quán, một phần diện tích này đang được ngành gỗ hợp tác với người trồng rừng, tuyển chọn và áp dụng các giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu gỗ hợp pháp, bền vững.

Những năm gần đây, các DN tại Đồng Nai rất chú trọng đến việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo cho sản xuất, xuất khẩu. Điều này mang lại hiệu quả cho cả nông dân và DN. Vì nông dân chỉ lo sản xuất tốt để có năng suất, chất lượng, còn đầu ra được DN bao tiêu, DN có nguồn nguyên liệu ổn định để ký kết hợp đồng lâu dài với đối tác.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/doanh-nghiep-voi-bai-toan-xay-dung-vung-nguyen-lieu-f6d5df8/