Doanh nghiệp Việt: Những tiềm năng và ứng dụng công nghệ trong vận hành

Tại Việt Nam, trong khi 54% người lo lắng AI sẽ thay thế công việc của họ, thì có đến 90% người sẵn sàng giao càng nhiều việc càng tốt cho AI để giảm bớt khối lượng công việc - theo báo cáo Work Trend Index 2023 từ Microsoft...

Ông Nguyễn Quang Hưng trình bày về triển vọng nền kinh tế Việt Nam sau những biến động vĩ mô vừa qua.

Ông Nguyễn Quang Hưng trình bày về triển vọng nền kinh tế Việt Nam sau những biến động vĩ mô vừa qua.

Ngày 15/6/2023 vừa qua, Talentnet và đối tác chiến lược Mercer đã tổ chức thành công sự kiện CEO Chat: “Con người - Công nghệ: Tương thích để tăng trưởng bền vững” với sự tham gia của hơn 70 lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao (C-level) tại Việt Nam.

Đây được xem là cơ hội để lãnh đạo doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ và trao đổi xoay quanh các công nghệ đột phá đang thay đổi bối cảnh kinh doanh và thảo luận cách thức để doanh nghiệp có thể cân bằng công nghệ và con người nhằm thúc đẩy những thay đổi giá trị. Đồng thời, sự kiện cũng là dịp kết nối các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam - những người cùng cam kết xây dựng một tương lai phát triển bền vững nhưng vẫn đảm bảo vị thế cạnh tranh và lợi nhuận cho tổ chức.

Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Quang Hưng, chuyên gia Kinh tế của Dragon Capital, Việt Nam dự đoán sẽ có sự thăng hạng trong quy mô nền kinh tế với độ mở nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới, mặt hàng xuất khẩu chiếm 3,1% so với toàn cầu (so với 10 năm trước chỉ chiếm 0,4%). Ông nhận định: “Tăng trưởng kinh tế đạt mức 5,5%. Dù không đạt được chỉ tiêu đề ra nhưng với những diễn biến khả quan cũng như tỉ lệ lạm phát được dự đoán ở mức bằng 0, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài và có những dấu hiệu tươi sáng cho nền kinh tế.”

Bài trình bày của bà Nguyễn Quỳnh Trâm - Tổng giám đốc của Microsoft Việt Nam đã đưa ra các số liệu để chứng minh việc áp dụng công nghệ vào công việc là điểu không thể thiếu trong bối cảnh hiện tại. Theo báo cáo đến Work Trend Index 2023 của Microsoft trên 31.000 người ở 31 quốc gia, 76% người lao động Việt Nam không đủ thời gian và năng lượng để hoàn thành công việc. Trung bình 1 người mất tầm 1 ngày (trong cả tuần làm việc) để chỉ kiểm tra email, nghe điện thoại và xử lý tin nhắn. Vì vậy, liên minh AI - người lao động cần hình thành. Việc thành thạo kỹ năng ứng dụng công nghệ sẽ giúp người lao động giảm bớt khối lượng công việc và tăng năng suất. Báo cáo cũng chỉ ra, 94% lãnh đạo sẽ dùng AI để hỗ trợ người lao động những công việc liên quan đến hành chính, giấy tờ chứ không phải thay thế con người.

Với sự phát triển của AI cũng như thời đại số, ông Lionel Low Giám đốc Giải pháp khách hàng tại Mercer đưa ra những thay đổi mà doanh nghiệp cần lưu ý trong bối cảnh công nghệ như hiện nay. Theo ông, việc cá nhân hóa trải nghiệm nhân viên và sự thấu cảm là yếu tố cần được đề cao hàng đầu với 91% doanh nghiệp dự định ứng dụng công nghệ nhân sự và tự động hóa để có cách tiếp cận thấu hiểu con người hơn - theo báo cáo Mercer’s 2022 Global Talent Trends được khảo sát trong 10.910 nhân viên, Nhân sự và Giám đốc điều hành từ 13 ngành và 16 quốc gia.

Tọa đàm CEO tại sự kiện với các diễn giả khách mời là CEO của AIA Vietnam, Pharmacity và Talentnet.

Tọa đàm CEO tại sự kiện với các diễn giả khách mời là CEO của AIA Vietnam, Pharmacity và Talentnet.

Trong phần tọa đàm với chủ đề Tái thiết kế chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh mới, bà Trần Tuệ Tri, CEO của Pharmacity đã đưa ra mô hình 3C để giúp doanh nghiệp xây dựng một nền văn hóa kiên cường:

Clarity: sự rõ ràng, minh bạch khi trao đổi với nhân viên;

Culture: văn hóa chuyển đổi và hợp tác, chia sẻ và trách nhiệm, thế hệ lãnh đạo sẽ làm gương;

Commitment: cho nhân viên thấy rõ lộ trình thăng tiến và phát triển bản thân.

Dù vẫn còn nhiều thách thức, các diễn giả đều tin khó khăn chỉ là nhất thời. Bà Tiêu Yến Trinh cho biết: “Chúng ta nói nhiều về công nghệ cao (high tech) nhưng đừng quên những trải nghiệm có chiều sâu và cảm xúc (high touch). Nhờ sự bổ trợ của công nghệ, những trải nghiệm chân thực và cá nhân hóa được hình thành mới có thể tạo nên những giá trị lớn (high value) cho doanh nghiệp. Chúng ta có lực lượng lao động trẻ và có tính tò mò, dám trải nghiệm và làm khác đi so với những gì hiện có. Đây là lợi thế lớn để phát triển giữa những biến động kinh tế - xã hôi - công nghệ, nếu doanh nghiệp biết tận dụng. Bản thân doanh nghiệp cũng cần phát huy hơn nữa tầm nhìn “shared economics” (nền kinh tế chia sẻ), nghĩa là cùng chia sẻ giá trị, mục tiêu và thành quả với người lao động để cộng hưởng với nhau tạo nên thành công.”

Thu Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-viet-nhung-tiem-nang-va-ung-dung-cong-nghe-trong-van-hanh.htm