Doanh nghiệp Việt 'đem chuông đi đánh xứ người'

Năm 2024, các doanh nghiệp lớn tiếp tục chiến lược đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài với kỳ vọng mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và tìm kiếm doanh thu, lợi nhuận.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mới đây đã trúng thầu năm dự án xây dựng nhà ở xã hội tại Kenya với tổng giá trị gần 100 triệu USD.

VinFast thâm nhập thị trường Ấn Độ trước ông lớn Tesla có thể tạo ra một số lợi thế cạnh tranh. Ảnh: P.MINH

“Chúng tôi tự tin khi vươn ra biển lớn”

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết châu Phi hiện có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là thị trường xây dựng lớn nhất, tiềm năng nhất ở tất cả châu lục trong những thập niên tới.

Trước mắt, Hòa Bình sẽ tập trung vào phân khúc nhận thầu xây dựng các dự án nhà ở xã hội, sau đó là các dự án cao cấp hơn.

Tham gia và thắng thầu các dự án tại nước ngoài là mục tiêu được Hòa Bình từng bước chuẩn bị từ quá trình tích lũy nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và hơn cả chính là sự quyết tâm.

“Chúng tôi hoàn toàn tự tin khi vươn ra biển lớn. Với thế mạnh của ngành xây dựng Việt Nam đã có tại thị trường nội địa” - ông Hải nói.

Chẳng hạn, trước đây các công trình cao tầng tại Việt Nam chỉ có đối tác ngoại thực hiện thì giờ đây các công ty nội địa hoàn toàn có thể đảm nhận. Việc áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, kinh doanh cũng giúp doanh nghiệp Việt tăng khả năng cạnh tranh về giá trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.

Đây là những lợi thế rất lớn khi bước vào thị trường xây dựng châu Phi, vốn có trình độ công nghệ, quản lý và kinh nghiệm thi công chưa cao.

Việc áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp Việt tăng khả năng cạnh tranh về giá trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.

Cũng trong những tháng đầu năm 2024, VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ.

Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu trị giá 500 triệu USD trong vòng năm năm, công suất dự kiến 150.000 xe/năm, tạo cơ hội việc làm cho 3.000-3.500 người dân.

Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Giám đốc VinFast Ấn Độ, cho biết: “Khởi công nhà máy của VinFast tại Thoothukudi là bước đi nhắm tới mục tiêu chuyển hóa xanh và bền vững của chính phủ Ấn Độ.

Đồng thời, đây là một trong những thị trường trọng điểm trong kế hoạch mở rộng ra toàn cầu của VinFast. Việc đầu tư xây dựng nhà máy tại bang Tamil Nadu không chỉ nắm bắt cơ hội từ thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới mà còn phục vụ cho bàn đạp xuất khẩu ra thế giới.

VinFast đã có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 50.000 xe tại Indonesia. Tại nhà máy này, có thể nhanh chóng chuyển các dòng xe tay lái nghịch của VinFast tới thị trường Úc và nhiều nước khác.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng chiếm 31,5%; nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,5%. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Đầu tư ra nước ngoài 17 dự án mới

Bộ KH&ĐT cho biết trong hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 17 dự án mới. Tổng vốn đầu tư đạt hơn 25 triệu USD, bằng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế đến ngày 20-2, Việt Nam có 1.716 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 22,12 tỉ USD. Trong đó, tập trung nhiều nhất vào các ngành như khai khoáng chiếm 31,5%; nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,5%.

Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào 24,8%; Campuchia 13,2% và Venezuela 8,3%.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó, Canada dẫn đầu với 150,3 triệu USD, chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư.

Khác biệt, đi trước đối thủ

Khởi động thành công tại thị trường Trung Quốc với quán cà phê đặc trưng Việt Nam vào năm 2022, ông vua cà phê Trung Nguyên đã tiếp tục xây dựng quán cà phê thứ hai tại Thượng Hải. Trung Nguyên đặt tham vọng rất lớn mở 1.000 quán cà phê tại thị trường tỉ dân này.

Chưa dừng tại đây, Trung Nguyên cũng đã khởi động mô hình cà phê nhượng quyền tại Mỹ. Mô hình này sẽ được nhân rộng không chỉ tại cường quốc số 1 thế giới mà còn phát triển tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Pháp và các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Sau thất bại tại thị trường Campuchia, Thế Giới Di Động (TGDĐ) đang có nhiều thành công khi đầu tư tại thị trường Indonesia.

Chỉ sau hai năm, TGDĐ đã mở được 50 cửa hàng. TGDĐ đặt tham vọng mở rộng chuỗi cửa hàng tại Indonesia vì hấp lực quy mô dân số và thu nhập bình quân đầu người thị trường này lớn hơn Việt Nam.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc điều hành TGDĐ, cho biết TGDĐ Indonesia tiềm năng vì thị trường điện máy, điện thoại tại nước này còn sơ khai, doanh thu của ngành này hiện chỉ hơn phân nửa của Việt Nam.

“Chúng tôi cũng nhận thấy dịch vụ ở Indonesia chưa hiệu quả. Trong khi TGDĐ đã có những dịch vụ đã làm rất thành công ở Việt Nam. Và đó là lợi thế, sự khác biệt của các cửa hàng điện máy TGDĐ tại Indonesia” - ông Hiểu Em nhận định.

TS Majo George, giảng viên cấp cao tại ĐH RMIT Việt Nam, nhận định việc mở nhà máy tại Ấn Độ thể hiện tham vọng của VinFast đối với thị trường xe lớn thứ ba thế giới.

“Việc VinFast thâm nhập thị trường Ấn Độ trước ông lớn Tesla có thể tạo ra một số lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, kế hoạch này giúp VinFast tận dụng các chính sách thu hút đầu tư của chính phủ Ấn Độ với mục tiêu trở thành trung tâm xuất khẩu ô tô lớn của thế giới.

Nếu xây dựng được một chiến lược tiếp thị hiệu quả, cùng với cam kết chuyển đổi sang xe điện của chính phủ Ấn Độ, VinFast có quyền kỳ vọng vào doanh số bứt phá tại thị trường này” - TS Majo George nói.•

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-viet-dem-chuong-di-danh-xu-nguoi-post778830.html