Doanh nghiệp Việt cần làm gì để tạo niềm tin trong chuỗi cung ứng công nghệ cao của khối FDI?

Cùng với tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao thì việc tham gia vào chuỗi cung ứng của họ cũng là điều mong mỏi của các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là các doanh nghiệp nội địa cần làm gì để nhà đầu tư ngoại tin tưởng, hợp tác lâu dài trong chuỗi cung ứng công nghệ cao này?

Trong nhận định mới nhất, Ts. Brown - Trưởng phòng nghiên cứu của Cushman & Wakefield (C&W) toàn cầu, cho rằng Việt Nam (một trong những thị trường mới nổi tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) có thể được hưởng lợi từ việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng.

Mối lo “rủi ro an toàn thông tin”

Đánh giá gần đây của C&W có chỉ rõ ngành sản xuất có giá trị cao ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng, với việc Chính phủ muốn tăng tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế từ 25% lên 30% vào năm 2030 bằng cách thu hút thêm đầu tư vào ngành này. Và Việt Nam có dư địa để đáp ứng sự tăng trưởng đó nhờ sự tập trung mạnh mẽ vào sản xuất điện tử.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ cao của khối FDI đang cần những DN Việt có đủ tầm chiến lược.

Ngoài ra, như khuyến nghị từ báo cáo công nghiệp của C&W, xu hướng của ngành công nghiệp cũng đang thúc đẩy nhu cầu thiết kế lại chuỗi cung ứng để kết hợp tính linh hoạt, tự động hóa và khả năng phục hồi cao hơn, đồng thời giảm chi phí đầu vào và hỗ trợ các sáng kiến bền vững táo bạo hơn.

Bên cạnh nhận định nêu trên, những ghi nhận trong gần 2 tháng đầu của năm 2024 cho thấy Việt Nam đang bước vào chu kỳ mới trong thu hút FDI chất lượng cao. Nhất là các dự án tập trung phần lớn ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó, nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao ở lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn…

Giới chuyên gia cũng dự báo năm nay có thêm những “đại bàng" FDI trong lĩnh vực bán dẫn từ Mỹ và các đối tác của họ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…sẽ tới Việt Nam rót vốn đầu tư.

Cùng với tín hiệu tích cực như vậy thì việc tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ cao của khối FDI cũng là điều mong mỏi của các doanh nghiệp (DN) Việt. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là các DN nội địa cần làm gì để tạo được niềm tin từ nhà đầu tư ngoại trong chuỗi cung ứng này?

Đơn cử như vấn đề về “rủi ro an toàn thông tin” là điều mà các DN FDI công nghệ cao vẫn còn khá băn khoăn khi muốn hợp tác lâu dài với DN Việt. Nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều sự cố về an toàn thông tin, có khá nhiều DN vừa và nhỏ ở Việt Nam trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương.

Từ cách đây 2 năm, trong đánh giá của BKAV nhấn mạnh đến tính dễ tổn thương này, cho thấy virus máy tính đã khiến DN Việt Nam thiệt hại khoảng 21,2 nghìn tỷ đồng. Hơn nữa, dữ liệu của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho thấy tổng cộng 13.900 vụ tấn công mạng ghi nhận tại Việt Nam trong năm 2023, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chính vì vậy, như nhận xét của Ts. Jonathan Crellin, Chủ nhiệm bộ môn An toàn thông tin tại Đại học RMIT: “Các tập đoàn đa quốc gia tiến vào Việt Nam thường phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ các DN Việt Nam nhỏ hơn. Điều này tạo ra một điểm yếu trong chuỗi cung ứng, trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến việc các công ty lớn rút lui khỏi Việt Nam vì họ phải đối mặt với rủi ro”.

Trong khi đó, theo Ts. Jonathan Crellin, các DN nhỏ thường có tiếng là không đầu tư nhiều nguồn lực vào an toàn thông tin, dẫn đến những biện pháp bảo đảm kém phát triển. Giải quyết vấn đề an toàn thông tin là rất quan trọng để ngăn chặn các mối đe dọa, cũng như duy trì sự phát triển và mở rộng công nghiệp của Việt Nam.

Cần những doanh nghiệp đủ tầm về chiến lược

Ngoài vấn đề nêu trên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao của các DN nội địa cũng là một thách thức lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ cao của khối FDI.

Chẳng hạn như với công nghệ chip bán dẫn mà nhiều “đại bàng” FDI đang nhắm vào Việt Nam để đầu tư. Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán DSC, việc thúc đẩy hệ sinh thái các đơn vị hỗ trợ cho các nhà sản xuất chip là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút các công ty sản xuất chip lớn. Nhất là ngày càng có nhiều DN Việt Nam có khả năng tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất chip.

Thế nhưng, như dữ liệu của DSC, hiện có khoảng 50 DN trong nước với hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip, tuy nhiên với nhu cầu nhân lực tại Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm thì khả năng đáp ứng là chưa đến 20%.

Ngay như việc cung ứng nhân lực cho các Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam của các tập đoàn lớn chuyên về công nghệ cao như Samsung, Apple, Marvell, NVIDIA và các tập đoàn khác cũng cho thấy đang có sự thiếu hụt, khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ sư công nghệ, đặc biệt là lao động có trình độ công nghệ thông tin và am hiểu về Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) hay Công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Cho nên, theo Ts. Chu Thanh Tuấn - một chuyên gia về quản trị nhân lực, việc nâng cao chất và lượng nguồn nhân lực Việt Nam để tham gia vào các trung tâm R&D của khối FDI cần có sự chung tay nỗ lực của cả Chính phủ, DN Việt và người dân.

Ts. Tuấn cho rằng Chính phủ có thể đóng vai trò chủ chốt bằng tạo ưu đãi cho đầu tư R&D, tạo ra các chính sách thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, và đầu tư vào các khu công nghệ và vườn ươm công nghệ. Các chính sách cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các công ty nước ngoài và địa phương cũng có thể có ích.

Ngoài ra, trong việc tạo niềm tin cho DN Việt khi tham gia chuỗi cung ứng công nghệ cao của khối FDI, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh chất lượng của DN Việt là điều cực kỳ quan trọng. Chất lượng ở đây là làm được cái gì, và đóng góp gì vào chuỗi cung ứng công nghệ cao.

“Tất nhiên là chúng ta cần những DN có đủ tầm về chiến lược, về nguồn nhân lực chất lượng cao, về đầu tư cho R&D, về đầu ra, có sản phẩm vững vàng, dám đương đầu với môi trường cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ ngoại ngay bên trong chuỗi cung ứng công nghệ cao của khối FDI tại Việt Nam”, ông Dũng khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng nêu rõ hành trình của các DN Việt trong chuỗi cung ứng công nghệ cao của khối FDI là rất rộng lớn, có rất nhiều cơ hội để khai thác. Cho nên, với những DN nội địa nào nếu biết tạo dựng được niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư ngoại thì việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng công nghệ cao của họ sẽ ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-viet-can-lam-gi-de-tao-niem-tin-trong-chuoi-cung-ung-cong-nghe-cao-cua-khoi-fdi-1098440.html