Doanh nghiệp vẫn khó vay vốn dù ngân hàng thừa tiền

Việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Phát biểu tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp (DN) - ngân hàng chiều 21-9 tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận: Nền kinh tế đang trải qua khoảng thời gian khó khăn khiến khả năng hấp thụ vốn của DN còn thấp, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm. Tính đến ngày 15-9, tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ đạt gần 12,6 triệu tỉ đồng, tăng 5,56%. Điều này có nghĩa ngân hàng đang có nhiều tiền để cho vay

Khó vay, thời gian xét duyệt quá lâu

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI), cho hay việc tiếp cận vay vốn với các DN nhỏ và vừa khá khó khăn do thủ tục rườm rà, thời gian xem xét vay dài. “Với khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xét duyệt vay vốn mất 1-3 tháng. Còn với khoản vay trung hạn, dài hạn thời gian xét duyệt đến ba tháng, thậm chí có khoản vay sáu tháng” - ông Sơn dẫn chứng.

Từ thực tế trên, ông Sơn đề nghị các ngân hàng áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt vay vốn và cần có quy định rõ ràng về thời gian xét duyệt vay vốn.

Chủ tịch HAMI cũng cho biết việc vay vốn từ các nguồn tài trợ dự án trung, dài hạn phải chịu phí trả trước hạn quá cao với 1%-5%. “Chúng tôi trả nợ trước hạn mà bị phạt trả phí trước hạn, tức nếu có nguồn thu từ dự án để trả nợ thì sẽ bị phạt. Tôi đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn hoặc nếu có chỉ 1%” - ông Sơn nhấn mạnh. Ngoài ra, ông đề xuất ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ để bảo đảm cho DN hoạt động bình thường.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), nhắc đến việc một số chính sách hỗ trợ vẫn chưa đồng bộ. Đơn cử với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, DN lớn thụ hưởng tốt nhưng các DN vừa và nhỏ lại chưa được tiếp cận nhiều.

 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận nền kinh tế đang trải qua khoảng thời gian khó khăn khiến khả năng hấp thụ vốn của DN còn thấp, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm. Ảnh: MT

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận nền kinh tế đang trải qua khoảng thời gian khó khăn khiến khả năng hấp thụ vốn của DN còn thấp, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm. Ảnh: MT

“Có đơn vị được 5-7 ngân hàng mời chào vay vốn. DN làm ăn tốt là khách quý của ngân hàng, trong khi công ty nhỏ và vừa thì lại không vay được” - bà Ngân nêu thực tế.

Tương tự, bà Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty cổ phần Hawee, cho biết đơn vị này sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, các linh kiện, nguyên liệu đầu vào. Thời gian vừa qua, tỉ giá có biến động tương đối lớn tác động không nhỏ đến DN do chi phí đầu vào tăng.

Mặt khác, việc hấp thụ vốn của DN phụ thuộc vào tình hình của các đối tác đầu ra, trong đó có các DN bất động sản, xây dựng. Nhưng các đơn vị này hoạt động kinh doanh, đầu tư có phần suy giảm. Vì vậy, đại diện Hawee mong muốn có sự đồng hành của các ngân hàng về cơ chế tín dụng ưu đãi.

Cần ổn định tỉ giá, có gói lãi suất phù hợp với từng ngành nghề

Ông Nguyễn Việt Hùng, phụ trách tài chính kế toán của Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh, cho hay quy mô doanh thu hằng năm của công ty đạt trên 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn này cầu của thị trường giảm kéo theo sức khỏe của DN suy yếu.

Ông cũng cho rằng khi mặt bằng lãi suất giảm nhưng tỉ giá có xu hướng biến động tăng tương ứng, ảnh hưởng trực tiếp tới phía DN, đặc biệt là các DN nhập khẩu. Vì vậy, ông đề nghị phía cơ quan chức năng có biện pháp phù hợp để ổn định tỉ giá.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Trọng Hoa, Công ty TNHH Vật tư và Kết cấu thép, nói thị trường tiêu thụ sắt thép Việt Nam tám tháng đầu năm giảm sâu. Nguyên nhân là thị trường bất động sản đóng băng bởi các chính sách tín dụng bất động sản siết chặt; thị trường trái phiếu DN gặp khó khăn… Ngoài ra, sức mua yếu trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, ảnh hưởng hậu dịch COVID-19…

Vì vậy, ông Hoa kiến nghị phía ngân hàng tiếp tục ban hành các gói lãi suất, chính sách ưu đãi đến từng ngành nghề cụ thể, đặc biệt là đối với ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép xây dựng để tiếp tục giảm bớt chi phí tài chính cho DN.

Ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay

Trước ý kiến của các DN, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank, cho hay ngân hàng chia sẻ với DN về việc đã trả nợ trước hạn còn phải trả phí. Tuy nhiên, ông Sơn mong DN thấu hiểu.

“Chúng tôi huy động vốn của người dân và phải trả lãi cho người dân. Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể, chúng tôi vẫn linh hoạt nguồn tiền, miễn - giảm lãi để hài hòa lợi ích giữa DN và ngân hàng” - ông Sơn nói.

Còn Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cam kết từ nay đến cuối năm sẽ đồng hành với DN, giảm lãi suất cho vay. “Chúng tôi sẽ giảm 1.850 tỉ đồng lợi nhuận để hỗ trợ các khoản vay hiện hữu” - ông Tùng nói.

Ngoài ra, ông Tùng nhắc đến câu chuyện không thể hạ chuẩn tín dụng vì lo nợ xấu sẽ phát sinh khiến chi phí vốn ngân hàng của ngân hàng có thể tăng lên. “Chi phí vốn thấp là do tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp. Nếu không duy trì được chuẩn mực cấp tín dụng, sẽ tăng chi phí vốn và ảnh hưởng đến quyền lợi của những khách hàng tốt trong tương lai” - ông Tùng nói.

Về việc giải ngân vốn cho DN chậm, đại diện Vietcombank nói ngân hàng sẽ rà soát để có những thay đổi phù hợp.

Tạo điều kiện thuận lợi cho bất động sản

Phát biểu tại hội nghị, đại diện NHNN cho biết cơ quan này đã bốn lần liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5%-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới đã giảm hơn 1% so với cuối năm ngoái.

Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định. Đồng thời, tổ chức tín dụng xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng có văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.

Đại diện NHNN cũng cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng tại chương trình hỗ trợ lãi suất 2%; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-van-kho-vay-von-du-ngan-hang-thua-tien-post752630.html