Doanh nghiệp và nhà đầu tư hướng đến giải pháp phát triển bền vững, có trách nhiệm

Trước những thách thức từ biến đổi khí hậu, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đang hướng đến các giải pháp phát triển bền vững, có trách nhiệm hơn.

Việt Nam đã có cam kết về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành những chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, cũng như định hướng thu hút đầu tư thế hệ mới.

Mô hình nông nghiệp tái sinh như một giải pháp giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu

Định hướng này đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân để có thể đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa nền kinh tế carbon thấp và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi, áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh như một giải pháp giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo thu nhập, hướng đến ngành nông nghiệp bền vững, phát thải thấp.

Là doanh nghiệp hàng đầu về thực phẩm, Nestlé tập trung vào các nhóm giải pháp về giảm khí thải nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng, cũng như thực hiện vai trò thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương thức canh tác nông nghiệp bền vững nhằm xây dựng hệ thống thực phẩm tái sinh, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực bền vững, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường sinh kế và đa dạng sinh học.

Chia sẻ tại sự kiện gặp gỡ 50 doanh nghiệp đầu tư ESG 2023 diễn ra mới đây, ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam - cho biết: “Nông nghiệp bền vững theo cách tiếp cận của chúng tôi là canh tác thuận tự nhiên. Lâu nay, để tăng năng suất cây trồng, người nông dân đã sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu một cách không kiểm soát, ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất trồng. Nếu tiếp tục phương thức canh tác này có thể sẽ không còn thực phẩm cho các thế hệ tương lai. Vì thế, chúng tôi khuyến khích người nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh – một phương thức dựa trên chất lượng đất và cây trồng. Chúng tôi tin rằng phương thức này có thể giúp bảo vệ được hành tinh của chúng ta”.

Cũng giống như Nestlé với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, Sanofi có nhiều hoạt động triển khai tại Việt Nam với kết quả tích cực, như: Giảm thiểu 16 tấn rác thải nhựa/năm, giảm 500 tấn rác thải giấy/năm, giảm 58 tấn PVC, lõi aluminum và chất thải vỉ/năm…

Theo ông Kevin Doak - Tổng giám đốc Ngành hàng Chăm sóc Sức khỏe Người tiêu dùng của Sanofi Việt Nam, hơn 3 năm qua, việc phát triển kinh tế của Sanofi luôn hướng tới việc trung hòa carbon vào năm 2025. Hiện tại nhà máy sản xuất của Sanofi đã dừng sử dụng sản phẩm từ nhựa tích trữ nước mưa để sản xuất. Thay vào đó, công ty sử dụng vỏ trấu để tái tạo thành nguồn năng lượng xanh, sạch.

Tương tự như Sanofi, tập đoàn DKSH cũng xem phát triển bền vững là một trong những giá trị cốt lõi nhằm góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để làm được điều này, DKSH đã và đang thực hiện các dự án khác nhau nhằm tối ưu và “xanh hóa” quy trình vận hành của doanh nghiệp nhằm xây dựng một hành tinh xanh hơn cho tất cả mọi người.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-va-nha-dau-tu-huong-den-giai-phap-phat-trien-ben-vung-co-trach-nhiem-256892.html