Doanh nghiệp – 'trợ thủ' đắc lực của nền kinh tế

Phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, kết hợp ban hành các cơ chế, chính sách linh hoạt, mang tính đột phá, sau 25 năm tái lập, Vĩnh Phúc vươn lên trở thành tỉnh phát triển công nghiệp của cả nước với hơn 13.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động, nằm trong top các địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương. Khẳng định vị trí “đầu tàu”, tạo động lực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh chính là các DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1(VPIC 1) không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 3.000 lao động mà còn có đóng góp không nhỏ cho thu ngân sách và công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Sau gần 29 năm hợp nhất, ngày 1/1/1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX. Khi ấy, nền kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn, với 91 DN, vốn đăng ký chỉ khoảng 57 tỷ đồng, công nghệ lạc hậu, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt dưới 100 tỷ đồng, các lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa phát triển, thu nhập của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.

Xác định “Phát triển công nghiệp là nền tảng, phát triển dịch vụ - du lịch là mũi nhọn, coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”, ngay sau khi tái lập, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp.

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn.

Nhờ đó, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước liên tục chảy vào Vĩnh Phúc, các DN tăng dần quy mô, số lượng qua từng năm.

Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp (KCN) với quy mô 50 ha (KCN Kim Hoa-Mê Linh), nhiều KCN dần được hình thành như KCN Quang Minh, Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện… thu hút hàng nghìn DN đầu tư SXKD góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách của tỉnh.

Giai đoạn 2011 - 2020 tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI ước đạt 2,66 tỷ USD và vốn thực hiện của các dự án DDI ước đạt trên 27.122 tỷ đồng chiếm 32% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh.

Tỷ lệ giá trị sản xuất công nghiệp đóng góp từ các dự án đầu tư trực tiếp khoảng trên 75% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong đó lĩnh vực FDI đóng góp khoảng 56-70%.

Đóng góp của các dự án đầu tư trực tiếp cho ngân sách nhà nước chiếm khoảng trên 70%, trong đó FDI đóng góp trên 65% tổng thu ngân sách nhà nước.

Hơn thế nữa, các dự án đầu tư trực tiếp đã giải quyết việc cho trên 137 nghìn lao động trực tiếp góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn.

Năm 2009, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh cán mốc 10 nghìn tỷ đồng; năm 2016, đạt trên 30.000 tỷ đồng, đưa Vĩnh Phúc lên vị trí thứ 2 ở miền Bắc về thu ngân sách.

Giai đoạn 2016- 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 7,099%/năm. Riêng năm 2019 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,05%; thu ngân sách vượt mốc 35.000 tỷ đồng. Ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là động lực cho phát triển kinh tế.

Năm 2021, chịu tác động không nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vươn lên vượt khó của cộng đồng DN, Vĩnh Phúc đã “gặt hái” được nhiều thành công.

Ước năm 2021, toàn tỉnh có 1.150 DN thành lập mới, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số DN quay trở lại hoạt động là 360 DN, tăng 37,8% so với cùng kỳ. Ước đến hết năm 2021, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng, đạt trên 104% dự toán.

Sự nỗ lực của các DN không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn có đóng góp quan trọng vào thu NSNN, công tác an sinh xã hội.

Từ năm 2020 đến nay, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với trách nhiệm vì cộng đồng, nhiều DN đã trích một phần lợi nhuận, ủng hộ tiền mặt, trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch.

Theo báo cáo tổng hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh, từ 1/5/2021 đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có 136 cơ quan, đơn vị, DN, cá nhân đăng ký ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Ủy ban MTTQ các cấp với tổng giá trị thành tiền hơn 39 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp nhận hơn 14,5 tỷ đồng từ 23 cơ quan, đơn vị, DN, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ tỉnh công tác phòng, chống dịch. Đa phần nguồn hỗ trợ trên là từ các DN trong và ngoài tỉnh.

Tiêu biểu như Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1(VPIC 1), Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc Việt Nam (TAL), Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc…

Là một trong những DN có nhiều thành công, đóng góp cho kinh tế của tỉnh, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1(VPIC 1), KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) chia sẻ:

Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân, người lao động, VPIC ngày càng phát triển, lớn mạnh. Chúng tôi nhận thấy mình càng phải có trách nhiệm với công tác an sinh xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế.

Sau 20 năm thành lập và phát triển, VPIC 1 hiện có 5 xưởng sản xuất với tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 3.000 lao động, có những đóng không nhỏ vào số thu ngân sách của địa phương.

Bài, ảnh: Hồng Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/71982/doanh-nghiep--%E2%80%9Ctro-thu%E2%80%9D-dac-luc-cua-nen-kinh-te.html