Doanh nghiệp thủy sản lo ngại nhiều quy định mới của Nghị định 37

Trong các nội dung mới của Nghị định 37, các DN hải sản đặc biệt quan tâm đến một số quy định khiến DN băn khoăn, lo ngại về việc tuân thủ bởi có nhiều điểm bất cập và không hợp lý.

Ngày 4-4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP (NĐ37), có hiệu lực từ ngày 19-5, bổ sung một số điều của NĐ26/2019/ NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Ngày 5-4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP (NĐ38), có hiệu lực từ ngày 20-5 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Nội dung của 2 nghị định nêu trên có nhiều điểm mới, trong đó có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến việc thực thi pháp luật về thủy sản của các DN thủy sản. Do đó, ngày 23-4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị phổ biến một số quy định mới tại NĐ37 và NĐ38 cho các doanh nghiệp hội viên.

Trong các nội dung mới của 2 nghị định trên, các DN hải sản đặc biệt quan tâm đến một số quy định khiến DN băn khoăn, lo ngại về việc tuân thủ bởi có nhiều điểm bất cập và không hợp lý.

Thứ nhất, bất cập tại NĐ37, phần sửa đổi, bổ sung Điều 70 liên quan đến kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam. Đồng thời, NĐ37 bổ sung Điều 70a về kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu container nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo đó, các DN cho rằng, việc tuân thủ quy định thông báo, khai báo hồ sơ trước khi cập cảng 72 giờ đối với tàu nước ngoài và 48 giờ đối với tàu containertheo quy định tại 2 điều trên là không khả thi, vì cả 2 mốc thời gian này quá dài, không phù hợp cho những chặng vận chuyển ngắn của tàu và container, vì nhiều DN nhập khẩu nguyên liệu từ các nước Đông Nam Á, thời gian tàu vận chuyển hàng đến cảng Việt Nam chỉ chưa đầy 2 ngày (48 giờ).

Với hàng hóa nhập khẩu bằng container, khi hàng lên tàu ở cảng xuất thì doanh nghiệp mới có thông tin để làm hồ sơ, chứng từ vậy thì doanh nghiệp nhập khẩu không có cách nào để khai báo trước 48 giờ hay 72 giờ như quy định. Do đó, các DN cho rằng sẽ phù hợp hơn nếu quy định thông báo trước thời điểm thông quan thay vì thông báo trước khi cập cảng.

Ngoài ra, DN đề nghị làm rõ là DN sẽ phải báo cáo/khai báo với “cơ quan thẩm quyền”nào, đồng thời đề nghị thống nhất form mẫu khai báo, vì trong điều 70a đề nghị khai báo Thông tin về lô hàng theo Mẫu số 17B.KT Phụ lục IV ban hành theo Nghị định, nhưng trong phụ lục lại không có form mẫu này, thay vào đó lại có form mẫu 25.

Yêu cầu nộp giấy chứng nhận thuyền trưởng cũng là một thủ tục phức tạp và khó khăn đối với DN nhập khẩu, vì nội dung giấy chứng nhận của thuyền trưởng phải thể hiện các thông tin về tàu khai thác đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam, gồm: tên tàu, số đăng ký tàu (IMO/hô hiệu quốc tế/đánh dấu bên ngoài/số đăng ký RFMO nếu có), quốc gia treo cờ, số giấy phép khai thác thủy sản, loại ngư cụ, thời gian khai thác và khu vực khai thác, ngày, địa điểm cập bến đầu tiên của tàu, trong đó xác nhận thủy sản được khai thác tuân thủ đầy đủ luật pháp hiện hành, các biện pháp quản lý, bảo tồn.

Với nhiều nội dung như trên, nhà nhập khẩu khó có thể đáp ứng và DN có thể sẽ bị mất nguồn cung cấp hàng vì thủ tục phức tạp này.

Thứ hai, tại điều 70b, mục 6, điểm c của NĐ37 qui định: "Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu".Trong khi đó, NĐ38 chỉ đề cập đến việc xử phạt hành vi trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước nhưng không đề cập đến cụm từ “cùng một lô hàng xuất khẩu”.

Quy định này đang gây hoang mang cho DN vì không biết khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu” trong cùng một lô hàng được hiểu như thế nào mới đúng? Vì 2 nghị định trên và cả ở Luật Thủy sản hiện hành cũng không có định nghĩa cụ thể về hành vi “trộn lẫn nguyên liệu”.

Thực tế, đối với DN hải sản việc sản xuất ra thành phẩm của một lô hàng có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng, từ các nguồn khác nhau như khai thác và NK là hoàn toàn bình thường, miễn sao DN truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, có đầy đủ các giấy SC, CC…

Đặc thù nhiều DN hải sản làm hàng phối trộn hoặc những sản phẩm GTGT điển hình như hải sản xiên que bao gồm nguyên liệu từ cá ngừ, cá dũa... có loài xuất xứ từ khai thác trong nước, có loài từ nguồn nhập khẩu, mặc dù truy xuất được từng loại nguyên liệu nhưng quy định “không trộn lẫn nguyên liệu” trong NĐ37 khiến DN lo ngại.

Một số DN băn khoăn với khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu”, vì hầu hết DN đều xuất thủy sản “thành phẩm” chứ không phải thủy sản “nguyên liệu”.

Hơn nữa, khuyến nghị của EU là: không được gian lận tráo đổi nguyên liệu NK và nguyên liệu khai thác trong nước, chứ không phải là cấm trộn lẫn nguyên liệu. Do vậy, DN đề nghị cần làm rõ khái niệm trộn lẫn nguyên liệu trong điều khoản này, nếu không thì DN không thoát được vi phạm.

Ngoài ra, liên quan đến trách nhiệm kê khai/khai báo của DN được đề cập trong NĐ37, các DN kiến nghị việc thực thi thủ tục kê khai cần được đơn giản hóa bằng một phần mềm để giảm bớt thời gian và công sức cho DN trong việc này.

Trước những băn khoăn, lo lắng trên, các DN làm hàng hải sản đang trông chờ các cơ quan thẩm quyền liên quan sớm hỗ trợ giúp DN hiểu đúng và có thể tuân thủ những quy định tại NĐ37.

Đức Mạnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/doanh-nghiep-thuy-san-lo-ngai-nhieu-quy-dinh-moi-cua-nghi-dinh-37-post113578.html