Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, dòng vốn có đi đúng hướng?

Bên cạnh việc giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp yếu, liệu dòng vốn có đi đúng hướng?

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, hạ sâu lãi suất, tìm mọi cách bơm tín dụng ra nền kinh tế có thể dẫn đến tình trạng vốn tín dụng được chuyển tới các lĩnh vực có tính đầu cơ, từ đó khiến một số thị trường tăng giá "bong bóng" trở lại. Do vậy, tăng trưởng tín dụng chỉ nên ở liều lượng hợp lý để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế.

Lãi suất huy động sẽ còn giảm

Từ đầu tháng 7 đến nay, theo thống kê, đã có 26 ngân hàng giảm lãi suất huy động, mức giảm phổ biến là 0,2%/năm, một số ngân hàng giảm mạnh từ 0,5% - 0,8%/năm… Các mức lãi suất đã trở về gần như tương đương cách đây một năm.

Hiện nay, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng cao nhất là 4,75%/năm được áp dụng tại các ngân hàng có quy mô nhỏ như: PGBank, NCB, Oceanbank, Saigonbank, SCB… Ở kỳ hạn này, nhóm Big 4 (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) áp dụng mức lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường là 3,3%/năm.

Các chuyên gia cho rằng BĐS là lĩnh vực rủi ro, dựa vào tín dụng ngân hàng sẽ gây nhiều hệ lụy.

Lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 12 tháng dao động từ 6,3% – 7,6%/năm, như CBBank (7,6%), GPBank (7,5%/năm), NCB (7,5%/năm), OceanBank (7,4%), Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank cùng niêm yết lãi suất ở mức 6,3%/năm…

Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng rất thấp, chỉ ở mức 0,21%/năm (ngày 26/7), tức là gần như các ngân hàng không có nhu cầu vay của nhau. Lãi suất huy động giảm càng là cơ sở để các ngân hàng tính đến bài toán hạ lãi suất cho vay.

Ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc OCB cho hay: "Cho vay qua đêm đang ở mức dưới 1%, thể hiện sự dư thừa thanh khoản trên thị trường. Đây là động lực để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp".

Với các doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu, hiện đang gặp khó khăn với các khoản vay trả chậm, một số ngân hàng đã triển khai các gói vay theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.

"Ngay tại thời điểm này, các doanh nghiệp có thể tiếp cận chương trình tín dụng hỗ trợ xuất nhập khẩu của Agribank với mức lãi suất gần như quay trở về mặt bằng của năm 2022, chỉ ở mức trên dưới 6%/năm", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank thông tin.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng dành các gói ưu đãi hàng chục ngàn tỷ đồng, với lãi suất cho vay từ 7,5%/năm với doanh nghiệp và 8,5%/năm với khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, doanh nghiệp đang rất khó khăn do cầu tiêu dùng và đầu tư suy yếu, nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc vay vốn đầu tư hay mở rộng sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, lãi suất giảm, nhưng quan trọng là nhu cầu vay từ doanh nghiệp và người dân chưa lớn. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ hơn 4,7%, bằng khoảng 50% cùng kỳ năm ngoái khiến Chính phủ sốt ruột “thúc” ngành ngân hàng giảm thêm lãi vay, bơm tiền ra nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản “khát vốn”

Số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng được NHNN công bố gần đây cho thấy, tín dụng vào kinh doanh bất động sản (BĐS) trong 5 tháng đầu năm tăng 14%. Trước đó, tính đến hết quý I/2023, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có bất động sản tăng 2,19% (kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%); tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng mạnh nhất với 13,39%.

Như vậy, lo lắng của các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở. Bởi, theo các doanh nghiệp BĐS, họ đang rất “khát” vốn do kênh huy động vốn như trái phiếu, cổ phiếu đang gặp khó khăn, trong khi thị trường BĐS “đóng băng”. Tình trạng "khát vốn" của các doanh nghiệp BĐS hiện nay sẽ nghiêm trọng hơn khi áp lực đảo nợ trái phiếu từ cuối năm 2022 đến hết năm 2024 rất lớn, do đó có khả năng hấp thụ vốn cao.

Nhìn ở góc độ tích cực, BĐS là lĩnh vực có sức lan tỏa cao nếu dòng vốn rót vào các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực như BĐS nhà ở, BĐS khu công nghiệp… Tiếp vốn cho bất động sản hồi phục là một trong những giải pháp cần thiết để làm ấm nóng nền kinh tế hiện nay.

Thực tế, lãnh đạo các ngân hàng khẳng định, ngành BĐS vẫn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành, nghề khác, nên các ngân hàng vẫn dành room tín dụng để tài trợ cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho các nhu cầu mua nhà ở thực sự, BĐS khu công nghiệp.

Thế nhưng, BĐS là lĩnh vực rủi ro, dựa vào tín dụng ngân hàng sẽ gây nhiều hệ lụy. Vì vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh việc ngân hàng phải có giải pháp hạ lãi suất để kích cầu vốn sản xuất - kinh doanh, cần có giải pháp làm ấm lại thị trường trái phiếu, cổ phiếu để giảm tải cho tín dụng. Đáng mừng là thị trường chứng khoán phục hồi tốt từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Mặt bằng lãi suất tiếp tục rẻ đang hỗ trợ tốt 2 thị trường này, vấn đề còn lại là niềm tin của nhà đầu tư.

Mới đây, NHNN yêu cầu các ngân hàng có giải pháp quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/doanh-nghiep-san-xuat-kinh-doanh-kho-khan-dong-von-co-di-dung-huong-1094243.html