Doanh nghiệp nỗ lực giữ việc làm cho người lao động

Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai vẫn gặp khó khăn về đơn hàng do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Hầu như các DN chỉ sản xuất trong giờ hành chính, không tăng ca hoặc hoạt động cầm chừng.

Mặc dù thiếu đơn hàng, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) vẫn giữ việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất. Ảnh: L.Mai

Tuy vậy, nhiều DN vẫn nỗ lực tìm đơn hàng và thực hiện các giải pháp sản xuất để giữ việc làm cho người lao động (NLĐ).

* Thấu hiểu và chia sẻ

Từ những tháng cuối năm 2022, Công ty CP Kết cấu thép ATAD Đồng Nai (TP.Long Khánh) bị giảm đơn hàng, một số công nhân bị giảm giờ làm. Tuy nhiên, bước qua đầu năm 2023 đến nay, nhờ sự nỗ lực tìm đơn hàng từ các đối tác mới của Ban giám đốc công ty mà đơn hàng đã có trở lại, NLĐ được đi làm đầy đủ dù chưa được tăng ca nhiều như trước đây.

Ông Lê Hoàng Triều, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty cho biết, đầu năm 2023 đến nay, công ty có nhận một số đơn hàng để đảm bảo sản xuất và giữ việc cho 700 công nhân. “Hiện tại, DN vẫn cố gắng giữ mức thu nhập cho NLĐ và không có kế hoạch giảm việc hoặc cắt giảm lao động. Công ty phối hợp với Công đoàn đẩy mạnh các chính sách phúc lợi để chăm lo cho công nhân và nhận được sự tin tưởng, chia sẻ từ NLĐ” - ông Triều cho hay.

Công ty TNHH Cariyan Wooden (đóng chân tại Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất với trên 130 lao động. Những tháng qua, DN bị giảm đến 50% đơn hàng so với năm ngoái nhưng vẫn nỗ lực giữ việc làm cho NLĐ.

Sở LĐ-TBXH vẫn đang theo dõi sát sao tình hình lao động việc làm và sản xuất của các DN để có biện pháp hỗ trợ DN và NLĐ kịp thời. Ngoài ra, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đẩy mạnh các sàn giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động, giúp NLĐ bị mất việc làm sớm trở lại thị trường lao động.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn công ty cho hay, hiện đơn hàng của công ty vẫn tiếp tục giảm nhưng DN không có ý định cắt giảm lao động mà vẫn tìm khách hàng và lo việc làm cho NLĐ.

Ghi nhận tại các DN trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các DN vẫn bị giảm đơn hàng từ 20-50%. Khoảng thời gian đầu năm, các DN giày da, may mặc bị ảnh hưởng. Bước sang quý II-2023 thì tới lượt ngành gỗ khủng hoảng nặng nề, đơn hàng giảm rất nhiều. Một số DN có đơn hàng trở lại cũng nhỏ lẻ và sản xuất cầm chừng. Khó khăn là vậy, các DN vẫn nỗ lực vượt khó tìm đơn hàng ở những thị trường mới, dù lợi nhuận không cao nhưng có thể duy trì việc làm cho NLĐ.

Các DN cho biết, tình hình khó khăn chung nên không chỉ xuất khẩu không có đơn hàng mà ngay cả hàng nội địa cũng bán rất chậm, sức mua kém. Dù chịu nhiều áp lực về việc làm, tiền lương cho công nhân nhưng do NLĐ đa phần có tay nghề, gắn bó với DN lâu năm nên các công ty tập trung tìm thị trường mới để khai thác đơn hàng, nhằm giữ chân lao động. Có những DN đơn hàng giảm đến 50%, trong khi số lượng lao động lớn khiến áp lực bảo đảm việc làm và tiền lương càng đè nặng. Do đó, sự thấu hiểu, chia sẻ của NLĐ thời điểm này rất quan trọng để DN vượt khó, duy trì và ổn định sản xuất.

* Tìm các phương án sản xuất hợp lý

Thống kê của Công đoàn tỉnh, trên địa bàn tỉnh có trên 22 ngàn đoàn viên là NLĐ bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới khiến một số DN thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất, kinh doanh nên buộc phải giảm thời gian làm việc, ngừng việc hoặc thỏa thuận với NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và chấm dứt hợp đồng lao động.

Mặc dù thiếu đơn hàng, phải giảm giờ làm của NLĐ, song không xảy ra tình trạng DN ồ ạt cắt giảm lao động. Ngược lại, các DN sắp xếp các phương án sản xuất và chọn giải pháp chia đều việc cho công nhân, sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo thu nhập, chờ cơ hội thị trường phục hồi.

Đồng hành với đoàn viên, NLĐ, các cấp Công đoàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho NLĐ, nhất là lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập. Bên cạnh đó, cùng DN thực hiện các phương án sản xuất để giữ việc làm cho công nhân.

Công nhân Ngô Thị Hạnh (làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành, H.Vĩnh Cửu) cho biết: “Hiện tại, công ty vẫn kiếm đơn hàng để lo việc cho NLĐ và chưa thông báo cắt giảm lao động. Tôi cứ ráng làm việc chờ ngày DN có đơn hàng nhiều trở lại”.

Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho hay, trong 6 tháng đầu năm, nhiều DN trên địa bàn các khu công nghiệp ở TP.Biên Hòa giảm đơn hàng từ 10-15%. Một số DN phải bố trí cho NLĐ làm giãn ca, thậm chí có những đơn vị phải thỏa thuận với NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương để cố gắng duy trì tình hình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo điều kiện làm việc cho NLĐ.

“Hiện nhiều DN vẫn duy trì được việc làm cho NLĐ là một nỗ lực rất lớn. Ngoài ra, các DN thực hiện các chế độ về tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội đầy đủ cho NLĐ. Đồng hành cùng DN và NLĐ, tổ chức Công đoàn cũng tích cực hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng đến việc làm. Cùng với đó, nâng cao phúc lợi, bán hàng giảm giá, hỗ trợ vay vốn cải thiện đời sống nhằm chia sẻ khó khăn kịp thời với NLĐ” - bà Tuyết chia sẻ.

Để hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm trở lại thị trường lao động, các cấp Công đoàn đã tăng cường giới thiệu NLĐ đến các DN có nhu cầu tuyển dụng, giúp NLĐ sớm có việc làm ổn định. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động của DN và tìm các giải pháp giúp NLĐ đảm bảo việc làm, thu nhập. Công đoàn cũng tăng cường tham gia ổn định quan hệ lao động; đảm bảo an ninh, an toàn trong lao động, sản xuất.

Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên tuyền pháp luật lao động và nâng cao trình độ, tay nghề, tác phong làm việc, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho NLĐ.

Lan Mai

Chị NGUYỄN THỊ HOA, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Quadrille Việt Nam (TP.Biên Hòa): DN tìm đơn hàng để có việc làm cho công nhân

DN đang tìm các đơn hàng mới để NLĐ có việc làm và thu nhập, mặc dù đơn hàng này không có nhiều lợi nhuận. Phương châm hoạt động của DN là càng khó khăn thì càng phải đoàn kết để vượt qua, chứ không cắt giảm lao động, vì đây là lực lượng quan trọng đã đồng hành, gắn bó với DN lâu năm. Công đoàn cũng sẽ phối hợp với DN đẩy mạnh chăm lo và thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ.

Ông NGUYỄN TẤN HƯNG, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Cibao Việt Nam (TP.Long Khánh): DN vừa tuyển dụng trở lại 300 lao động

Nửa cuối năm 2022, Công ty TNHH Cibao phải cho hàng ngàn lao động giảm việc vì thiếu đơn hàng. Đến nay, công ty đã dần phục hồi sản xuất và mới đây còn tuyển thêm hơn 300 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa cung ứng cho khách hàng.

Để có đơn hàng trở lại, DN đã nỗ lực rất nhiều; như trước đây chỉ làm một mặt hàng thì nay nhận làm 2-3 mặt hàng để đảm bảo việc làm cho NLĐ. Ngoài ra, công ty thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ NLĐ. Hy vọng từ nay đến cuối năm, việc sản xuất tiếp tục khởi sắc để đời sống NLĐ được đảm bảo.

Thảo My (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/202307/doanh-nghiep-no-luc-giu-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-3170582/