Doanh nghiệp 'nín thở' sau mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu

Sáng 14/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Quang cảnh cuộc họp

Quang cảnh cuộc họp

Doanh nghiệp xăng dầu tự quyết định giá bán

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung, nên cần hợp nhất lại thành Nghị định mới để doanh nghiệp, người dân, các cơ quan điều hành thuận lợi trong việc nghiên cứu và thực thi.

Việc nghiên cứu, ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế cho các Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP) là cần thiết.

Dự thảo Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; đồng thời, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh 4 nội dung chính trong Dự thảo Nghị định, gồm: Vấn đề hệ thống, giá bán xăng dầu, quỹ bình ổn xăng dầu và quyền của doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, công tác điều hành giá xăng dầu do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện, cụ thể là Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá xăng dầu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu căn cứ giá cơ sở do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính công bố định kỳ để tổ chức giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân.

Với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua nhiều bước, thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân, trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý Nhà nước công bố rồi thực hiện theo.

Bên cạnh đó, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu căn cứ vào các yếu tố hình thành trong quá khứ với thời gian tương đối dài (chi phí kinh doanh, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được tính toán dựa vào số liệu của quý trước để áp dụng tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong quý sau) dẫn tới chưa sát với thực tế…

Để tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá, dự thảo Nghị định quy định Nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá, nhưng công bố các yếu tố hình thành giá và để doanh nghiệp tự quyết định giá. Theo đó, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần (nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu đề xuất 15 ngày/lần để đảm bảo tính ổn định), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định tại Nghị định để công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trên thị trường. Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.

Trường hợp chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Theo phương án này, việc tính toán chi phí hàng tháng của thương nhân được giảm bớt, đây là cải cách trong tính toán, giúp thương nhân kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí. Doanh nghiệp phải công bố giá đúng theo quy định, cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi minh bạch việc công bố giá của các doanh nghiệp; nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng sẽ bị cơ quan quản lý Nhà nước xử lý. Thương nhân hoàn toàn dự tính được các chi phí kinh doanh để xây dựng giá bán xăng dầu trong hệ thống của thương nhân và có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định tại Nghị định”, ông Phan Văn Chinh cho hay.

Về quỹ bình ổn xăng dầu, thời gian qua, việc trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo từng kỳ điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có ý kiến về việc bình ổn giá xăng dầu hiện nay được thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời gian cụ thể là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.

"Khi còn tồn tại quỹ bình ổn xăng dầu, mỗi lần điều hành điều chỉnh giá xăng dầu là doanh nghiệp xăng dầu lại 'nín thở', doanh nghiệp khó đoán định là khi nào chi, vì quỹ này còn điều hành cân đối đảm bảo nhiều yếu tố. Để cụ thể hóa quy định của Luật Giá về bình ổn giá xăng dầu, Nghị định quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Đơn cử, trường hợp xăng dầu thế giới tăng ở mức bao nhiêu USD/thùng trở lên và duy trì trong 15 ngày liên tục, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Luật Giá”, ông Phan Văn Chinh cho hay.

Thay đổi trong quy định về hệ thống kinh doanh xăng dầu

Về hệ thống kinh doanh xăng dầu, dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cần thiết phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, áp dụng kinh nghiệm đã làm thương nhân phân phối xăng dầu để nâng lên làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nội dung này quy định tại Điều 7 dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu của thương nhân đầu mối mới tham gia thị trường xăng dầu. Điều 28 của Nghị định quy định trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mới tham gia thị trường phải có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu là 100.000 m3, tấn xăng dầu/năm. Bên cạnh đó, quy định tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được tính trên lượng xăng dầu nhập khẩu, mua từ nhà máy lọc dầu trong nước; xăng dầu mua bán qua lại giữa các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không được tính vào tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, góp phần lựa chọn được doanh nghiệp có năng lực thực sự trong kinh doanh xăng dầu làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Theo ông Phan Văn Chinh, Luật Đầu tư và các Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã mở cho nhiều loại hình thương nhân kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu được mua từ nhiều nguồn từ đầu mối và bất kỳ thương nhân phân phối xăng dầu nào khác.

Trong hệ thống phân phối hiện nay gồm có: Thương nhân đầu mối, đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Có ý kiến cho rằng, thương nhân phân phối xăng dầu tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân bán lẻ và đa dạng hóa hệ thống. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua bán xăng dầu của các thương nhân phân phối xăng dầu vẫn thuộc tổng nguồn xăng dầu của các thương nhân đầu mối, không phát sinh thêm nguồn cung.

Do vậy, dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.

Về loại hình bán lẻ, hiện nay có đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Dự thảo Nghị định quy định chung là thương nhân bán lẻ xăng dầu, thực hiện bán lẻ xăng dầu dưới một trong ba hình thức: Nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu; nhận quyền bán lẻ xăng dầu cho một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu; mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu để bán lẻ tại hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu của thương nhân.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nin-tho-sau-moi-lan-dieu-chinh-gia-xang-dau-20240514095724932.htm