Doanh nghiệp nhỏ lo lạc hậu về công nghệ

Một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp (DN) có thể nâng sức cạnh tranh đó là đầu tư, sử dụng các công nghệ sản xuất hiện đại, năng suất cao và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, phần lớn các DN vừa và nhỏ hiện nay vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu.

Doanh nghiệp nhỏ rất thiếu các điều kiện để đổi mới máy móc, công nghệ. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành Cơ khí, chế tạo ở TP.Biên Hòa

Doanh nghiệp nhỏ rất thiếu các điều kiện để đổi mới máy móc, công nghệ. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành Cơ khí, chế tạo ở TP.Biên Hòa

Nguyên nhân được cho là thiếu vốn để tái đầu tư sản xuất, nhiều DN vẫn chưa tính được đường dài. Bên cạnh đó là nguy cơ máy móc công nghệ cũ từ nước ngoài đổ dồn về Việt Nam ngày càng nhiều.

* Thiếu vốn cho tái đầu tư đổi mới công nghệ

Đại diện một DN ngành Cơ khí, chế tạo sản phẩm, cấu kiện ngành Công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho chế biến gỗ nội thất và ngành nghề điện tử, điện lạnh… cho hay, nỗi lo lớn nhất hiện nay của đơn vị là nguy cơ ngày càng tụt hậu về công nghệ. Với doanh số bán hàng khoảng 1 triệu USD mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, DN dành đến 30% số lãi để tái đầu tư vào máy móc nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

“Là DN khởi nghiệp, để có thể cạnh tranh được với các DN cùng ngành nghề, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài và hàng ngoại nhập thì điều quan trọng là sản phẩm làm ra phải đáp ứng được nhu cầu của đối tác cả về số lượng, chất lượng. Nhưng để được như vậy, DN cần phải nâng cao năng suất bằng cách đầu tư vào máy móc, công nghệ. Những chiếc máy đơn giản nhất cũng phải đầu tư ít nhất vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, DN cần thời gian tích lũy, nhiều lúc cơ hội vụt qua” - chủ DN này cho hay.

Tương tự, ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín (TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất các loại máy móc để xử lý chất thải trong chăn nuôi và xử lý nước thải đô thị, xử lý rác… cũng “ngán ngại” khi nói về nguồn kinh phí để nâng chuẩn quy trình sản xuất. DN của ông hiện đang chuẩn bị đưa vào sử dụng một số loại máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất nhưng rất tốn kém. Trong khi đó, để vay được vốn từ ngân hàng thì thủ tục rất lâu và cần có tài sản thế chấp. Trước tình thế này, nhiều DN đã tính đến giải pháp vay vốn từ các công ty tài chính với việc thế chấp ngay máy móc mà mình có nhưng lãi suất lại rất cao và lợi nhuận vì thế được chia nhỏ ra, càng ảnh hưởng về lâu dài.

Đó là 2 trong số rất nhiều câu chuyện của DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Cũng chính vì thiếu nhiều yếu tố để phát triển, từ vốn tới mặt bằng sản xuất nên nhiều DN phải “bóc ngắn cắn dài”, chưa lo được những chiến lược xa hơn, kéo theo việc bỏ lỡ các cơ hội hợp tác. Bởi nếu có vốn đầu tư công nghệ mới, chất lượng sản phẩm sẽ chuẩn hơn và vấn đề chăm lo cho người lao động cũng ổn định hơn.

Không chỉ vậy, các DN còn có mối lo khác là công nghệ lạc hậu từ nước ngoài tràn về Việt Nam. Khi các nước có nền sản xuất tiên tiến hơn chúng ta siết chặt công nghệ thì sẽ có hiện tượng xuất khẩu công nghệ thấp, dịch chuyển nhà máy này về Việt Nam. Đặc biệt là đối với Trung Quốc, theo các DN, các nước lân cận hiện đại hóa nền kinh tế thì việc đẩy công nghệ cũ qua nước khác là điều tất yếu. Do đó trong quản lý, Nhà nước cần cẩn trọng.

* Cần loại bỏ dần công nghệ cũ

Để hội nhập sân chơi toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì yêu cầu đặt ra là phải nâng cấp trang thiết bị sản xuất, kinh doanh để có thể tiết giảm được nhiều loại chi phí. Một số DN đã chủ động thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng rất ít so với yêu cầu thực tế, do đó cần thiết phải thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ tại các DN, đẩy lùi, loại bỏ dần các thiết bị công nghệ cũ.

Một nghiên cứu mới đây từ Sở KH-CN cho thấy, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 là -56,05%. Đối tượng điều tra là các DN có nguồn nhân lực từ 100 lao động trở lên.

Chỉ số âm này đã phản ánh thực tế DN trong giai đoạn này có khả năng hấp thụ công nghệ, làm chủ công nghệ còn chậm; thời gian chuyển giao công nghệ (hoặc thời gian nghiên cứu, cải tiến máy móc, thiết bị hoặc công nghệ) kéo dài, dẫn đến tốc độ đổi mới công nghệ diễn ra chậm. Đa số DN chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ. Đầu tư của DN cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn rất thấp.

Trên bình diện cả nước, bức tranh đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng khá mờ nhạt so với các nước trong khu vực khi số bằng phát minh sáng chế, số sáng chế áp dụng để thương mại hóa ở Việt Nam đều ở khoảng cách khá xa so với các nước. Nguyên nhân có thể lý giải, mức chi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) ở Việt Nam phụ thuộc vào vai trò của Nhà nước, hầu như thiếu bàn tay của khu vực tư nhân ở thị trường KH-CN. Điều này cần được thay đổi càng sớm càng tốt.

Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư U&I (UniGroup), trong các yếu tố để DN phát triển thì những vấn đề nội tại như nguồn vốn, chiến lược phát triển, yếu tố con người chiếm khoảng 50%, còn lại là những yếu tố bên ngoài, từ môi trường xã hội, thể chế, chính sách… Để nâng cao hiệu quả, sức mạnh của nền kinh tế thì DN một mặt cần nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ, mặt khác Nhà nước cần phải có cơ chế, chiến lược để thúc đẩy DN trong hoạt động này.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202011/doanh-nghiep-nho-lo-lac-hau-ve-cong-nghe-3030302/