Doanh nghiệp nhà ở chưa hết khó, đại gia ngoại đua 'rót tiền'

Mùa báo cáo tài chính quý II đến nay đã cơ bản khép lại, xét về tổng thể, thị trường bất động sản đã xuất hiện nhiều hơn những mảng sáng. Tuy nhiên, nếu nhìn chi tiết vào từng con số, thì chặng đường phía trước của doanh nghiệp nhà đất còn lắm chông gai.

Xét riêng về khối các doanh nghiệp phát triển nhà ở, khảo sát cho thấy trong số 40 doanh nghiệp tiêu biểu trên thị trường nửa đầu năm 2023, thì có tới gần 1/3 “cài số lùi” về lợi nhuận hoặc thua lỗ. Chỉ một số ít lãi lớn, với con số nghìn tỷ đồng, phần nào góp phần “làm đẹp” cho bức tranh tổng thể.

“Sức khỏe” bấp bênh

Đánh giá về “sức khỏe” thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết, doanh nghiệp trong ngành đang đối diện với nhiều thách thức trong 6 tháng qua. Số đơn vị giải thể tăng vọt 30,4%, trong khi thành lập mới giảm gần 2/3 với cùng kỳ năm 2022.

Khó khăn khiến danh sách các doanh nghiệp báo lỗ trước thuế tiếp tục nối dài, với loạt tên tuổi nổi bật như Danh Khôi (NRC) lỗ 1,5 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai (QCG) lỗ 11 tỷ đồng, UDEC (UDC) lỗ 13 tỷ đồng, Licogi (LIC) lỗ 18 tỷ đồng, DRH Holdings (DRH) lỗ 39 tỷ đồng, LDG Group (LDG) lỗ 78 tỷ đồng, Becamex TDC (TDC) lỗ 281 tỷ đồng...

Doanh nghiệp phát triển nhà ở vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong năm 2023.

Doanh nghiệp phát triển nhà ở vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong năm 2023.

Đình đám nhất trong danh sách doanh nghiệp "cài số lùi" về lợi nhuận có thể kể đến Novaland (NVL), dù đã thoát lỗ trước thuế nhờ có nguồn thu nhập khác ngoài mảng kinh doanh chính, tuy nhiên, sau khi khấu trừ thuế, đại gia địa ốc lớn nhất miền Nam đã lỗ hơn 200 tỷ đồng trong quý II.

Thời gian qua, việc liên tục được gỡ vướng tại các dự án trọng điểm khiến Novaland tự tin có lãi trở lại trong nửa cuối năm 2023, nhưng làm được hay không vẫn phải đợi thời gian trả lời.

Đáng nói, trong khi danh sách các doanh nghiệp đi lùi về lợi nhuận hoặc thua lỗ chiếm số lượng áp đảo thì các nhà phát triển dự án có lãi nghìn tỷ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tiền dường như chỉ chảy vào số ít các “ông lớn” đầu ngành, trong đó Vinhomes (VHM) dẫn đầu khi lãi trước thuế 12.533 tỷ đồng.

Tiếp theo là các tên tuổi khác như Vingroup (VIC) 3.672 tỷ đồng, Sunshine Homes (SSH) 570 tỷ đồng, Nam Long (NLG) 320 tỷ đồng, Tài chính Hoàng Huy (TCH) 211 tỷ đồng...

Nhìn vào các con số, dễ nhận thấy chỉ riêng hai doanh nghiệp “họ Vin” đã chiếm quá nửa lợi nhuận của ngành, đây cũng chính là yếu tố “làm đẹp” cho bức tranh tài chính ngành bất động sản trong quý vừa qua của năm 2023. Có thể nói, thị trường quý II không mấy khả quan hơn quý I.

Khối ngoại đua "rót tiền"

Rõ ràng, sự lệch pha quá lớn giữa số lượng doanh nghiệp địa ốc lỗ và lãi cho thấy thị trường bất động sản nói chung, hay phân khúc nhà ở nói riêng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Trong bài viết hồi giữa tuần, VnBusiness dẫn lời ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, từng ví von thị trường bất động sản như đang ở trong một cơn bão, doanh nghiệp quy mô càng lớn sẽ càng chịu nhiều áp lực. Và, một trong những khó khăn lớn nhất hiện tại của các chủ đầu tư là dòng tiền.

Dù không bị siết, nhưng tín dụng ngân hàng vẫn chịu nhiều điều kiện "khó như leo cột mỡ”, trong khi áp lực lãi suất vẫn chưa thực sự được giải tỏa, buộc các chủ đầu tư phải xoay xở theo hướng khác.

Một trong số đó là khuyến mại kích cầu, thậm chí đưa ra chiết khấu chưa từng có giảm giá đến một nửa giá trị sản phẩm nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt. Nhưng ngay cả việc này cũng đang chưa thực sự đem lại hiệu quả cao bởi tâm lý “phòng thủ” của nhà đầu tư, khách hàng vẫn ngự trị.

Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp đã lựa chọn bắt tay, thậm chí là “bán mình” cho khối ngoại. Kết quả thăm dò chỉ ra số lượng doanh nghiệp đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia... tìm hiểu để mua bán, sáp nhập dự án nhà ở trong nước đang tăng mạnh.

Một trong những thương vụ hợp tác gây nhiều chú ý thời gian qua là việc Kim Oanh Group bắt tay với Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) để phát triển một loạt dự án nhà ở, trong đó dự kiến xây khoảng 40.000 căn nhà ở xã hội. Riêng năm 2023 sẽ giới thiệu ra thị trường 4.800 sản phẩm nhà ở xã hội thấp tầng và cao tầng tại Bình Dương và Đồng Nai.

Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng bắt tay với Marubeni (Nhật Bản). Hai bên hợp tác đầu tư, trước mắt là một dự án tọa lạc tại trung tâm TP Thủ Đức, tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng.

Bà Đặng Hoa Quỳnh, đại diện Ocean Capital tại Việt Nam - đơn vị tư vấn về quỹ đất, cho hay các nhà đầu tư ngoại gia nhập thị trường Việt Nam đang dành nhiều sự quan tâm đến phân khúc nhà ở. Đa phần các chủ đầu tư mới đều ưu tiên phát triển dự án tầm trung, hướng đến đối tượng người mua nhà ở thực, tức mức giá căn hộ bán ra khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2.

Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường gặp khó, dòng vốn ngoại từ mua bán, sáp nhập được kỳ vọng sẽ trở thành “lối thoát hiểm”, giúp các doanh nghiệp địa ốc hồi phục. Những cái “bắt tay tỷ đô” giữa khối nội và khối ngoại cũng là cơ hội để tăng nguồn cung cho thị trường.

Tuy nhiên, có một thực tế là quá trình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản hiện còn không ít vướng mắc. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý cần nhanh chóng gỡ vướng về pháp lý, quỹ đất, đồng thời cần có một kênh xúc tiến đầu tư bất động sản chuyên biệt để kết nối, hỗ trợ các đối tượng tham gia thị trường.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/doanh-nghiep-nha-o-chua-het-kho-dai-gia-ngoai-dua-quot-rot-tien-quot-1094903.html