Doanh nghiệp ngành Công Thương mong gỡ khó về nguồn vốn để ổn định sản xuất

Các doanh nghiệp ngành Công Thương mong các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới, gỡ khó nhằm phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

Có chính sách hỗ trợ thúc đẩy các ngành xuất khẩu phục hồi

Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trình bày tham luận từ góc nhìn của ngành kinh tế xuất khẩu cạnh tranh với nhiều quốc gia khác nhau và có thị trường phát triển tại hội nghị, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, cần tiếp cận chính sách tiền tệ theo phương pháp so sánh và đối chiếu với các quốc gia cạnh tranh khác, để xem xét ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành, qua đó có được những kiến nghị liên quan đến mục tiêu đẩy mạnh các ngành xuất khẩu.

Ông Trường cho biết, do dữ liệu được tập đoàn thu thập từ số liệu hoạt động của các doanh nghiệp tập đoàn dệt may là chính, với quy mô chỉ là 5% lao động toàn ngành dệt may và kim ngạch xuất khẩu chỉ trên 8% của toàn ngành; các dữ liệu tài chính chủ yếu dựa trên Báo cáo hợp nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, do đó với hạn chế này tham luận của tập đoàn có thể có cái nhìn chưa tổng thể về toàn bộ vĩ mô của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, nút thắt ở đâu, nguyên nhân gì để đề xuất, kiến nghị các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thứ nhất, so sánh tương quan tỷ giá hối đoái giữa nội tệ các nước xuất khẩu dệt may trong Top 5 các nước xuất khẩu dệt may của thế giới. Trong 2 năm 2022, 2023, sau đại dịch COVID-19 và trở lại phục hồi, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Banglades, Thổ Nhĩ Kỳ thì đều có xu thế kích thích xuất khẩu.

Bốn quốc gia này sử dụng công cụ khá mạnh đó là giảm giá đồng nội tệ để xuất khẩu. Trong 2 năm 2022, 2023, nước giảm giá đồng tiền tệ nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 50%); thứ hai, Banglades giảm 21% trong 2 năm, Trung Quốc giảm 11% từ 6,2 nhân dân tệ xuống 7,2 nhân dân tệ, và Việt Nam khoảng hơn 3%.

Đứng riêng về tương quan tỷ giá hối đoái, 2 năm 2022, 2023, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong Top 5 khoảng 15%. Đó cũng là một trong những nguyên nhân 2 năm 2022, 2023, ngành xuất khẩu dệt may giảm đến 10%, và là nước giảm nhiều nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may.

Thứ hai là về chính sách lãi suất và tín dụng. Nhìn chung hiện nay lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam, với Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện nay, mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu.

Riêng Banglades hiện nay lãi suất khoảng 8%, nhưng họ lại lạm phát trên 10%, nên xét về lãi suất thực dương thì Việt Nam đang là lãi suất thực dương nhất trong các nước xuất khẩu dệt may.

Tại Việt Nam lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 của Vinatex trên Báo cáo hợp nhất tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%.

Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%. Và đứng trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1, 2/2024 đến thời điểm này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023.

Điểm đặc biệt là trong tất cả các doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp không khó trong tiếp cận tín dụng khi có đơn hàng vì bản chất doanh nghiệp dệt may có đơn hàng thì có lời, nhưng trong suốt 18 tháng qua ngành khó khăn là ngành sản xuất nguyên liệu.

Trong đó ngành sợi toàn thế giới đa phần lỗ, không chỉ riêng ở Việt Nam. Năm 2022 tiếp cận vốn dễ, năm 2023 khó hơn và đặc biệt vừa rồi, cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi xem xét hạn mức tín dụng 2024 đối với các doanh nghiệp ngành sợi rất khó khăn.

Hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Năm 2023 tính chung giá trị tài sản đảm bảo này các khoản vay chỉ khoảng 20%, còn năm nay yêu cầu phải 100% hoặc là áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đối với nhóm sợi hiện nay nhiều đơn vị đối với ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thì vay khoảng 7%, ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước thì khoảng 9%. Đây là về chính sách lãi suất và tín dụng.

Về chính sách hỗ trợ khác thì hiện nay các nước như Trung Quốc đang duy trì hỗ trợ rất mạnh giá điện. Đối với ngành sợi, Trung Quốc hiện nay đang áp dụng 4 cent/kw, chỉ bằng 50% của Việt Nam và áp dụng hỗ trợ 50% giá vận tải nội địa, kể từ 1/3/2023 khi mở cửa đến giờ.

Với Banglades vẫn đang áp dụng chính sách không bắt buộc bảo hiểm y tế và lương tối thiểu rất thấp, 15 USD/tháng. Chính từ cái nền này, nhìn từ góc độ của ngành dệt may xuất khẩu (ý kiến này có thể phù hợp với các ngành xuất khẩu nói chung) thì hiện nay việc kinh doanh, câu chuyện toàn cầu thua lỗ ở ngành sợi là có, nó cũng tương tự như ngành hàng không mấy năm của dịch COVID-19.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Nếu không có sự hỗ trợ, chúng ta có thể mất ngành sợi. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Trường nhận định: "Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi.

Ngành sợi của chúng ta hiện nay có 10 triệu cọc sợi. Giá trị tài sản như đầu tư mới khoảng 6 tỷ đôla, giá trị còn lại khoảng 3 tỷ đôla và hiện nay mỗi năm đang trả ngân hàng khoảng 300 triệu đôla.

Nếu chúng ta giảm hạn mức thì nghe có thể an toàn về phương diện ngắn hạn, nhưng thực ra mất an toàn về vốn dài hạn vì không sản xuất thì không có tiền trả vay dài hạn trước đây.

Bên cạnh đó, ngành sợi cũng đang duy trì 150.000 lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỷ đôla, đặc biệt ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu đôla tiền điện.

Đại diện các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính

Có nhiều huyện như huyện Định Quán, Đồng Nai, 60% doanh thu ngành điện đến từ nhà máy sợi. Nếu chúng ta tiếp tục huy động công suất với tỷ lệ thấp thì sẽ rất khó khăn.

Ông Trường cho rằng, đây là câu chuyện của chu kỳ kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp sợi đều bị như vậy nên cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sợi trong năm 2024.

Theo ông Trường, hiện nay lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó. Mặt khác, thực tế thị trường năm 2023 khó khăn hơn nhiều so với năm 2021, 2022 do Trung Quốc mở cửa và họ là quốc gia cạnh tranh lớn nhất của thế giới. Đến tháng 12/2023, báo cáo của Trung Quốc cũng mới chỉ huy động được 60% công suất ngành dệt may nên họ tiếp tục chính sách hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ huy động này.

Theo đó, ông Trường cho rằng: Câu chuyện về có chính sách hỗ trợ như thời kỳ COVID-19 đối với giai đoạn phục hồi này cũng hết sức quan trọng cho các ngành xuất khẩu.

Ba doanh nghiệp đứng trên bờ vực đã sản xuất ổn định

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường cho biết, năm 2023, dù gặp nhiều thách thức nhưng Tập đoàn đã vượt qua những khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực như: Doanh thu cộng hợp đạt hơn 57.000 tỷ, lợi nhuận xắp xỉ 3.500 tỷ, nộp ngân sách 1.700 tỷ.

Tập đoàn đã bảo đảm công ăn việc làm cho gần 20.000 lao động, với thu nhập bình quân là 13,6 triệu đồng/người/tháng.

Trong năm 2023, Tập đoàn cũng đã sản xuất được hơn 3,1 triệu tấn phân bón các loại, 3,4 triệu lốp ô tô, 330.000 tấn chất tẩy rửa và một số sản phẩm hóa chất khác. Một số sản phẩm có sự tăng trưởng đáng kể, trong đó ure tăng 17%, DAP tăng 35%, supe lân tăng 15%, chất tẩy rửa tăng 18%...

Các sản phẩm của Tập đoàn đã góp phần vào ổn định cung cầu thị trường, đặc biệt là sản phẩm phân bón góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường: Ba doanh nghiệp phân đạm đứng trên bờ vực đã sản xuất ổn định. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hiện Tập đoàn đang có số dư nợ tại các ngân hàng khoảng 15.000 tỷ đồng, hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín dụng loại A, trả nợ đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi.

Riêng đối với 3 đơn vị yếu kém thuộc 1 dự án yếu kém của ngành công thương gồm: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai, trong quá trình cơ cấu lại các đơn vị này, khối ngân hàng thương mại đã có sự giúp đỡ rất nhiều trong việc bảo đảm vốn và dòng tiền.

Đây là 3 đơn vị âm vốn chủ sở hữu, thua lỗ nhiều năm, dẫn đến tình trạng rất khó để thỏa mãn các yêu cầu về tín dụng để được cấp vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng đã tham gia vào việc hỗ trợ rất nhiều để cho 3 đơn vị này hoạt động ổn định, duy trì được dòng tiền.

Đặc biệt là nhờ có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thì Ngân hàng VDB cũng đã tái cơ cấu lại các khoản vay của 3 đơn vị này, từ việc hạ lãi xuất vay từ 11% về 8,55% tại VDB, đồng thời kéo dài thời gian trả nợ thêm và xóa lãi phạt trên lãi chậm trả, nhờ đó 3 đơn vị này 3 năm liền đã hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.

Năm 2022, tổng lợi nhuận của 3 đơn vị: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai đạt được 2.700 tỷ, năm 2023 đạt 1.300 tỷ và riêng 2 tháng đầu năm 2024, các đơn vị cũng hoạt động ổn định và có lãi, công suất huy động sản xuất là hơn 90% công suất thiết kế.

Có thể nói, việc cơ cấu lại các khoản vay của 3 đơn vị hạ lãi suất các khoản vay về 8,55% cùng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng VBD và các ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện cho 3 đơn vị có thể đứng trên bờ vực trở thành đơn vị sản xuất ổn định.

Trong 3 năm liền, riêng 2 đơn vị sản xuất ure mỗi năm sản xuất ra xấp xỉ 1 triệu tấn ure cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đạm Hà Bắc bây giờ cũng quay trở lại dương vốn chủ sở hữu được 600 tỷ đồng.

Tính đến ngày 29/2/2024, tổng cộng 3 đơn vị: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai đã trả nợ cả gốc và lãi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam được 12.138 tỷ trên tổng nợ vay ban đầu là 10.600 tỷ.

Do cơ cấu và sắp xếp lại mà đơn vị có dòng tiền và sản xuất lại ổn định, duy trì việc làm cho người lao động, có dòng tiền trả nợ cho chính các ngân hàng.

Tính đến ngày hôm qua 13/3, cả 3 đơn vị Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai công suất hoạt động đều trên 90% công suất máy móc thiết bị.

Ngành công nghiệp hóa chất được Đảng, Chính phủ xác định là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thực hiện Quyết định số 1265/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2025", trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ triển khai đầu tư, mở rộng các hạng mục cũng như thực hiện việc di dời ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa.

Tranh thủ cơ hội phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, Tập đoàn sẽ tập trung vào sản xuất một số nguyên liệu như Acid phosphoric để phục vụ cho ngành bán dẫn, cũng như hydro xanh hoặc các hóa chất cơ bản phục vụ cho các ngành công nghiệp khác.

Để thực hiện chủ trương, khởi động muối mỏ kali tại Lào, thời gian tới nhu cầu vốn của các thành viên trong Tập đoàn sẽ rất lớn, Tập đoàn mong muốn tiếp tục nhận được dự quan tâm, đồng hành của các tổ chức tín dụng để có đủ nguồn vốn triển khai các dự án.

Trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, Tập đoàn đã xây dựng các giải pháp để thực hiện Quyết định số 1265/QĐ-TTg của Thủ tướng và mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các tổ chức tín dụng để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nganh-cong-thuong-mong-go-kho-ve-nguon-von-de-on-dinh-san-xuat-308631.html