Doanh nghiệp Mỹ gấp rút trả nợ để tránh cú sốc lãi suất

Lãi suất ngày một tăng cao đang thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ gấp rút trả bớt các khoản nợ trước thời hạn, giữa lúc họ lên kế hoạch ứng phó với cơn suy thoái kinh tế tiềm tàng.

Để tránh phải trả chi phí lãi vay đang tăng cao hơn, nhiều doanh nghiệp Mỹ quyết định trả sớm các khoản nợ. Ảnh: Fox News

Để tránh phải trả chi phí lãi vay đang tăng cao hơn, nhiều doanh nghiệp Mỹ quyết định trả sớm các khoản nợ. Ảnh: Fox News

Giới lãnh đạo doanh nghiệp khắp các ngành kinh doanh ở Mỹ đang cảm nhận sức ép từ chi phí vay tăng cao hơn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Tuần trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư trong năm nay, lên biên độ từ 3,75- 4%.

Theo nhà cung cấp dữ liệu FactSet, lãi suất liên ngân hàng London (Libor) kỳ hạn ba tháng, một tỷ lệ tham chiếu được sử dụng trong các khoản vay thương mại, đứng ở mức 4,56% vào hôm 8-11, tăng mạnh với mức dưới 0,15% vào một năm trước đó. Lãi suất Libor kỳ hạn một tháng cũng tăng lên đáng kể. Lãi suất qua đêm có bảo đảm (Sofr) kỳ hạn ba tháng ở Mỹ cũng ở mức 4,22% vào hôm 8-11, tăng từ 0,04% vào cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ phải chạy đua ứng phó với một cơn suy thoái kinh tế tiềm ẩn, có thể khiến doanh thu của họ sụt giảm và ảnh hưởng đến tình hình tài chính của họ. Một số doanh nghiệp thực hiện các biện pháp để giảm chi phí hoạt động và chi phí lãi vay, trong khi các doanh nghiệp khác tìm cách tích trữ tiền mặt.

Hãng mỹ phẩm e.l.f. Beauty, có trụ sở ở bang California, đã lên kế hoạch thanh toán khoảng 25% khoản vay có kỳ hạn trong quí này. Hãng đang có 88,3 triệu đô la Mỹ nợ dài hạn trên bảng cân đối kế toán tính đến ngày 30-9, chủ yếu là các khoản vay có kỳ hạn với lãi suất thả nổi.

Hôm 8-11, Tập đoàn hóa chất DuPont, có trụ sở ở bang Delaware, thông báo trong năm nay sẽ trả 2,5 tỉ đô la Mỹ các khoản vay có hạn thanh toán năm 2023. Điều này sẽ giúp tập đoàn tiết kiệm chi phí trả lãi trước thuế hàng năm là 100 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, DuPont cũng có kế hoạch thanh toán thương phiếu khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ trong quí 4. Edward Breen, Giám đốc điều hành DuPont, nói: “Việc trả nợ sớm giúp giảm rủi ro chi phí tái cấp vốn trong môi trường lãi suất tăng”.

Trước đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed, e.l.f. Beauty đã trả lãi suất hàng năm là 4,9% cho các khoản vay, theo Mandy Fields, Giám đốc tài chính của công ty. Mức lãi suất đó, được điều chỉnh hàng quí, dự kiến tăng lên gần 6% trong quí hiện tại.

e.l.f. Beauty hiện có 85,3 triệu đô la Mỹ tiền mặt và các khoản tương đương tiền trên bảng cân đối kế toán tính đến ngày 30-9, cao hơn gấp đôi so với một năm trước đó. Doanh số bán hàng của e.l.f. Beauty vẫn tăng mạnh bất chấp lo ngại suy thoái khi các sản phẩm đại chúng của hãng, bao gồm son môi giá 3 đô la Mỹ, được hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ.

David White, giám đốc Công ty tư vấn tài chính doanh nghiệp FTI Consulting, cho biết các công ty có trái phiếu bị xếp hạng rác (không thể đầu tư), và đặc biệt là những công ty có nợ lãi suất thả nổi, đang tìm cách cắt giảm chi phí lãi vay với thái độ khẩn trương hơn so với các công ty được xếp hạng tín nhiệm nợ cao hơn (có nhiều tiền mặt và khả năng tiếp cận thị trường vốn).

Theo S&P Global Market Intelligence, tổng nợ của các công ty trong chỉ số chứng khoán S&P 500 đã báo cáo thu nhập quí 3 tính đến ngày 4 -11 không biến động nhiều so với một năm trước, chỉ tăng 0,3% lên mức trung bình hơn 9,3 nghìn tỉ đô la Mỹ. Các lĩnh vực bao gồm chăm sóc sức khỏe, nhu yếu phẩm tiêu dùng và công nghệ thông tin đã cắt giảm tổng nợ theo giá trị trung bình lần lượt là 5%, 2% và 1%. Nhưng các công ty trong các lĩnh vực khác, bao gồm tiêu dùng tùy ý và bất động sản, đã chứng kiến mức nợ trung bình của họ tăng lên trong quí vừa qua.

KAR Auction Services, công ty điều hành một nền tảng mua bán ô tô cũ và có trái phiếu bị xếp hạng rác, đã sử dụng 1,7 tỉ đô la Mỹ dòng tiền ròng sau thuế để trả nợ trước thời hạn.

Eric Loughmiller, Giám đốc tài chính KAR, cho biết công ty ông đang tìm cách cắt giảm chi phí để ứng phó sự suy giảm kinh tế vĩ mô và hướng tới hoạt động như một doanh nghiệp kỹ thuật số, gọn nhẹ hơn. Ông nói: “Nếu có sự lựa chọn, tôi sẽ giảm gánh nặng lãi suất và duy trì đội ngũ công nghệ hoạt động hết công suất”.

Trong quí 3, KAR đã hoàn tất một đợt chào mua công khai để mua lại 600 triệu đô la Mỹ trong tổng số 950 triệu đô la Mỹ trái phiếu đang lưu hành. Khoản nợ trái phiếu này có lãi suất coupon 5,125% và đáo hạn vào năm 2025. Ngoài ra, ba tháng trước đó, KAR đã trả khoản vay có kỳ hạn trị giá khoảng 900 triệu đô la Mỹ. Khoảng 2/3 khoản vay này có lãi suất 5% và sẽ đáo hạn vào năm 2025. Nếu không trả sớm, lãi suất khoản vay này có thể tăng lên ít nhất 7%, theo Loughmiller.

Hai giao dịch trả bớt nợ nói trên giúp chi phí lãi suất hàng năm của KAR giảm khoảng 70 triệu đô la Mỹ, xuống mức 15 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đang có những bước đi tương tự. Giám đốc tài chính John Kimble của Công ty đồ chơi trẻ em JAKKS Pacific, cho hay trong quí 3 công ty ông đã trả trước 17,5 triệu đô la Mỹ khoản vay có kỳ hạn với lãi suất thả nổi. Kimble tiết lộ lãi suất của khoản vay là khoảng 7,5% vào tháng 6-2021 khi công ty tái cấp vốn và trong quí hiện tại đã tăng lên 10,2%.

Doanh số bán hàng tại JAKKS, có trụ sở tại Santa Monica, bang California, tăng 36% trong quí kết thúc vào ngày 30-9 so với một năm trước đó, lên 323 triệu đô la Mỹ, một phần nhờ các nhà bán lẻ mua hàng dự trữ sớm, cũng như nhu cầu tăng lên đối với các đồ chơi chơi gắn liền với các bộ phim hoạt hình ăn khách. Tuy nhiên, lợi nhuận của JAKKS đã giảm 16%, xuống còn 30,3 triệu đô la Mỹ.

Kimble cho biết khi JAKKS thúc đẩy doanh số bán hàng và đưa hoạt động kinh doanh đi lên vững chắc, công ty sẽ nỗ lực cải thiện chất lượng của bảng cân đối kế toán. Ông nói: “Chúng tôi giống như một hộ gia đình tiêu dùng có quá nhiều nợ thẻ tín dụng”.

Theo WSJ

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-my-gap-rut-tra-no-de-tranh-cu-soc-lai-suat/