Doanh nghiệp mong vận hành sàn giao dịch carbon từ 2025

Theo Bộ Tài chính, năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp đề nghị cần đẩy nhanh hơn, có thể từ 2025 bởi nếu chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu.

Nhận thức và hành động về tăng trưởng xanh đã thay đổi rõ rệt

Chia sẻ tại Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức sáng 27.6, ông Hervé Conan, Giám đốc AFD Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, với lượng phát thải khí CO2 gấp 2 trong 10 năm qua. Mức độ năng lượng và chi phí năng lượng cũng tăng lên nhiều. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 - 7%, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. Do đó, “chúng ta phải thay đổi ngay bây giờ”, ông Hervé Conan nhấn mạnh.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh VTV

Trên thực tế, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã được Chính phủ quan tâm kể từ năm 2012 với Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Hiện, Chiến lược này đang tiếp tục thực hiện cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1.10.2021). Các chính sách về phát triển bền vững của Chính phủ cũng đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp.

Đơn cử, tại Tập đoàn TH, ngay từ khi mới thành lập đã thường xuyên, liên tục thực hiện và mở rộng các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Tập đoàn đã luôn chủ động đầu tư công nghệ hiện đại để giảm mạnh mức độ phát thải C02/đơn vị sản phẩm. Năm 2022, hệ thống nhà máy của TH giảm xuống còn 0,103kg CO2/đơn vị sản phẩm, mức thấp vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, từ năm 2020, Tập đoàn TH đã triển khai dự án lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà. Hiện tại, đã có 6 trang trại của TH triển khai sử dụng năng lượng mặt trời với lượng điện năng tương đương 1/8 nhu cầu (vào mùa hè khả năng cung cấp sẽ chiếm 1/5 nhu cầu tổng thể), góp phần giảm đáng kể lượng khí phát thải ra môi trường. Riêng năm 2022, trang trại TH đã hòa lưới điện xấp xỉ 7 triệu kWh (đáp ứng gần 10% lượng điện tiêu dùng tại đơn vị trang trại), tương đương giảm/thu hồi gần 5.000 tấn CO2/năm. Ngoài ra, Tập đoàn còn phối hợp thực hiện nhiều dự án trồng và bảo vệ rừng, như tài trợ dự án Khôi phục rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đất ngập nước Láng Sen - Long An; Vườn Quốc gia Cát Bà; dự án “Vá rừng trên núi đá” tại Sơn La…

Còn theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, nhận thức và hành động về tăng trưởng xanh hướng đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đã có sự thay đổi rõ rệt. Minh chứng là, năm 2017 khi bắt đầu thống kê nguồn lực tín dụng đầu tư cho các dự án xanh, Ngân hàng Nhà nước chỉ nhận được báo cáo của 15 tổ chức tín dụng với quy mô khiêm tốn. Tuy nhiên, đến nay, đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỷ đồng, chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 23%.

Cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp

Mặc dù xã hội đã dành nhiều sự quan tâm cho tăng trưởng xanh, song theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và Net Zero. Tuy nhiên, khu vực công chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu.

Để giải quyết bài toán này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách; đồng thời nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những ưu tiên với các trọng tâm như: phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh.

Hiện, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh. Riêng với thị trường carbon trong nước, từ nay đến hết năm 2027, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành, hướng đến chính thức vận hành sàn vào năm 2028.

Bên cạnh đó, dự kiến tháng 12 tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng dự thảo Quyết định về kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chủ trì nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, là cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư cũng như lượng hóa, đánh giá tiến bộ của tăng trưởng xanh. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, bộ tiêu chí này sẽ mang tính toàn diện, bao trùm, phù hợp với thông lệ quốc tế bởi nếu không, chúng ta sẽ rất khó huy động nguồn lực.

Cộng đồng doanh nghiệp đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào các chính sách mới này để thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới Net Zero. Ông Arghya Mandal, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa TH đề nghị, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp trong quá trình thực hiện trung hòa carbon, chẳng hạn như ưu đãi hoặc miễn giảm thuế trong việc trồng rừng…

Khẳng định tầm quan trọng của đòn bẩy chính sách đối với giảm phát thải, tăng trưởng xanh, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho rằng, việc xây dựng chính sách cần đẩy nhanh hơn. Bởi lẽ, hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang chịu tác động lớn từ những chính sách mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu hay Dự luật cạnh tranh sạch của Mỹ, tới đây các nước Nhật Bản, Trung Quốc… cũng sẽ xem xét soạn thảo chính sách này. Thêm vào đó, “hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam không hỏi chúng tôi rằng chi phí lao động là bao nhiêu, mà họ hỏi năng lượng xanh ở đâu, trao đổi carbon ở đâu?”.

Vì vậy, theo ông Vượng, một mặt, Chính phủ cần sớm lập Ban hoạch định chính sách để giúp doanh nghiệp có định hướng, tầm nhìn giảm thải carbon. Mặt khác, cần đẩy nhanh vận hành sàn giao dịch carbon từ năm 2025, bởi nếu chậm hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/doanh-nghiep-mong-van-hanh-san-giao-dich-carbon-tu-2025-i334119/